Biểu hiện trong những truyện kể Thái

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các giá trị văn học cổ truyền của truyện kể dân tộc thái (Trang 37 - 46)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1. Giá trị nhận thức

2.1.2. Biểu hiện trong những truyện kể Thái

2.1.2.1. Tri thức về tự nhiên, thế giới, vũ trụ

Trong sự nhận thức của con người thời cổ đại, nhận thức về tự nhiên, thế giới, vũ trụ luôn là những nhận thức ở buổi đầu sơ khai, những nhu cầu tất yếu trước tiên trong quá trình con người muốn khám phá về thế giới xung quanh mình. Những quan niệm, nhận thức về thế giới tự nhiên, vũ trụ của người Thái được phản ánh trước hết trong thể loại thần thoại.

Người Thái từ xa xưa đã tìm cách lý giải về thế giới xung quanh mình một cách đầy biện chứng. Họ đã hình thành một quan niệm triết học từ thời cổ đại để phản ánh những nhận thức về thế giới xung quanh. Người Thái nhìn nhận thế giới với hai mặt âm - dương như hai mặt đối lập trong một thể thống nhất cấu thành thế giới, vũ trụ và cả xã hội loài người. Trong thế giới tự nhiên, không khó để nhận ra những cặp quan hệ tương phản đối lập mà thống nhất như: trời - đất, nắng - mưa, lửa - nước… Những quan điểm triết học ấy được người Thái nhận thức và phản ánh trong các truyện kể dân gian, chủ yếu bằng thể loại thần thoại. Ở đây có thể thấy rằng: “Các quan điểm triết học sơ khai

này đã làm nên các tác phẩm văn học dài hơi của dân tộc và ngược lại các tác phẩm văn học đã chứa đựng đầy đủ các quan điểm triết học cổ xưa của dân tộc này. Nghĩa là, trí tuệ dân tộc này đã mạnh dạn thử sức nhận thức cả các vấn đề rộng lớn đó. Cuộc thử sức này cho phép các nhà sáng tác văn học dân tộc đạt tới những sáng tạo nghệ thuật mới có tầm cao hơn về mọi mặt” [16, tr.101].

Từ giai đoạn khởi thủy, vũ trụ đã được người Thái cố gắng lý giải bằng quan niệm của mình và phản ánh quan niệm ấy trong văn học. Trong con mắt của người Thái cổ, trời đất ban đầu khi mới sinh ra được hình dung như cây nấm còn liền nhau: gốc của cây nấm là mặt đất, tán tròn như hình ảnh về bầu trời và thân cây chính là cái dây nối liền trời và đất. Và trời đất có như ngày hôm nay là do một bà góa tạo nên. Truyện kể rằng:

“Ngày xưa, trời đất còn liền nhau, người ta lên trời xuống đất một cách dễ dàng vì lúc đó ở hồ U-va (Mường Thanh) có một dây leo mọc lên. Một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng… dây leo cao cuốn vào bầu trời rồi lớn lên thành một dây leo khổng lồ gọi là “chựa khâu cát”. Và cũng chính vì trời đất gần nhau như vậy nên việc làm ăn của con người trên mặt đất gặp rất nhiều khó khăn: “giã gạo trời vướng chày, phơi thóc mây vướng cót, quay sợi trời vướng guồng”. Một hôm, người đàn bà góa nọ thấy người trần khổ cực quá, nên sinh bực tức, đem dao chặt chựa khâu cát. Thế là tự nhiên trời cao lên, cao lên mãi, cao đến nỗi bắn tiếp nhau mười phát tên cũng không tới, mười phát súng cũng không tận, đem đến mười thớt voi để chồng lên cũng không đến được trời nữa. Nơi chựa khâu cát leo bị động mạnh, trời giật mình nên bị đẩy lên cao hơn còn các nơi khác thấp dần nên bầu trời mới có hình thù như ngày nay” [41, tr.20,21].

Người Thái cố gắng nhận thức và lý giải về thế giới xung quanh mình bằng những hình ảnh có sẵn trong chính thế giới tự nhiên bao quanh, gần gũi mật thiết với đời sống con người. Cuộc sống của người Thái thường sống ở miền núi, hình ảnh cây nấm vô cùng quen thuộc trong đời sống hàng ngày,

quen thuộc với từng bữa ăn của người Thái. Chính vì vậy, họ hình dung trời đất như cây nấm và cố gắng nhận thức về thế giới xung quanh bằng hình ảnh quen thuộc trong đời sống của dân tộc mình.

Trong nhận thức của người Thái, việc trời đất hình thành như ngày hôm nay là do một bà góa tạo nên. Tuy nhiên, vì thần thoại cũng như văn học dân gian là sản phẩm sáng tạo của nhân dân chịu sự chi phối của quá trình lưu truyền và diễn xướng tập thể nên tính dị bản là điều tất yếu. Có những bản kể khác kể lại rằng: “Một hôm, một bà góa giã gạo, vô ý để chày đụng phải trời, nên trời giật mình vụt lên cao. Chỗ chày đụng phải lên cao nhất, còn xung quanh thấp dần nên trời mới có hình thù như ngày nay” [41, tr.21].

Như vậy, sự lý giải về việc hình thành trời đất như ngày hôm nay ở từng câu chuyện kể của người Thái có đôi chút khác biệt. Tuy nhiên, điểm giống nhau ở đây đó chính là việc hình thành trời đất từ thuở ban đầu đều do một bà góa tạo nên. Qua đây, ta lại càng thấy được sự khác biệt trong quan niệm của người Kinh và người Thái trong việc lý giải nguồn gốc khởi thủy của vũ trụ. Ở thần thoại của người Kinh, người đảm đương sứ mệnh xây cột chống trời là thần trụ trời nhưng ở thần thoại của người Thái, đó lại là một người đàn bà góa. Dường như trong văn học của người Thái, hình ảnh những người phụ nữ có một vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc sống và trong quá trình kiến tạo vũ trụ như ngày hôm nay. Qua những thần thoại này, người Thái cũng muốn khẳng định rõ hơn về vai trò của những người phụ nữ trong chế độ thị tộc mẫu hệ, khi đó người đàn bà có một vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội.

Người Thái đã tìm cách lý giải cho mình về sự hình thành của vũ trụ, trời đất. Nhưng thế giới xung quanh con người còn vô vàn những điều họ chưa hiểu hết, chưa biết phải lý giải ra sao. Trong quan niệm của người Thái, trời có sức

mạnh siêu nhiên, vạn năng, làm nên tất cả. Người Thái lý giải thế giới xung quanh bằng quan niệm tất cả do trời tạo nên:

“Lúc đầu, trời đất còn buồn tẻ hoang vu, Then (trời) liền sai “Chô công” xuống xây dựng trần gian. Ông thứ nhất san đất lấp hồ, đào thành ruộng nương, sông suối gọi là chẫu chục chẫu chao (ông sới ông san). Ông thứ hai đào khe sâu vực thẳm gọi là chẫu răng dệt phăng (ông làm việc). Ông thứ ba dựng núi làm đồi gọi là chẫu răng dệt pú (ông làm núi). Ông thứ tư rắc đất màu mỡ vào đồng bằng thung lũng, rải đá muôn màu vào miền núi cao gọi là chô công đin (ông làm đất). Vợ ông phủ cây cỏ xanh tươi lên trái đất gọi là chô công nhả (bà gây rừng). Ông thứ năm làm ra mưa nắng, gió bão, sấm sét gọi là chô công pha (ông làm trời). Vợ ông tô vẽ bầu trời bằng những đám mây lơ lửng gọi là chô công mó (bà làm mây)” [41, tr.22].

Trong quan niệm và sự lý giải của người Thái, Chô công chính là những cặp khổng lồ vũ trụ, dựng nên tổng thể vũ trụ như chúng ta thấy ngày hôm nay. Trời thông qua các Chô công như những lực lượng siêu nhiên khổng lồ kiến tạo nên toàn bộ thế giới, vũ trụ. Mỗi Chô công làm một công việc khác nhau theo sự phân công lao động công bằng, người làm nên núi non hùng vĩ, người tạo nên đất đai màu mỡ cho các bản mường, người lại tạo nên bầu trời với những đám mây lơ lửng. Thế giới như ngày hôm nay không phải tự nhiên mà có mà do chính bàn tay lao động của các Chô công tạo nên. Đó là một quan niệm biện chứng về thế giới, phản ánh quá trình tư duy và nhận thức của người Thái cổ về sự hình thành thế giới, mặc dù những lý giải của họ chưa có cơ sở khoa học.

Cùng với quan niệm vạn vật do Trời tạo nên, người Thái đồng thời cũng tìm cách lý giải cụ thể về các hiện tượng tự nhiên xung quanh mình. Về hiện tượng mưa được lý giải trong thần thoại như sau:

“Ở trên trời có một con sông lớn nằm vắt ngang bầu trời gọi là sông Ngân Hà. Con sông này thường xuyên cho nước chảy vào ruộng đồng, nương rẫy của Then. Khi nước nhiều, Then cho tháo xuống trần gian, sinh ra mưa.

Vào khoảng tháng 5, tháng 7, nước sông lên to liên tục. Then thường xuyên tháo cống nên mưa kéo dài và có khi sinh ra lũ lụt. Khi nước sông ít, Then cho người đóng cống lại. Và nếu ít nước quá, Then đóng cống liên tục, vì thế dưới trần gian sinh ra hạn hán” [41, tr.31, 32].

Còn đây là cách người Thái lý giải về hiện tượng sấm:

“Vào những ngày hội mùa, nhà Then thường có tục lăn trống, trống va vào nhau, phát ra những âm thanh, dưới trần gian gọi là sấm. Cũng trong ngày hội mùa ấy, Then còn cho hai con rồng chầu và làm trò. Hai con rồng này đánh nhau và làm cho những tua rồng bắn ra, phát ra những tia sáng mà trần gian vẫn gọi là chớp” [41, tr.32].

Vô vàn những hiện tượng trong thế giới tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp, lũ lụt… đều được người Thái lý giải bằng những quan niệm khác nhau. Cho dù đó chưa phải là những kiến thức khoa học chính xác nhưng thể hiện tư duy của người Thái ở buổi đầu sơ khai và nhu cầu luôn muốn nhận thức, khám phá về thế giới tự nhiên, vũ trụ xung quanh mình.

2.1.2.2. Nhận thức về con người

Sau khi có những nhận thức về thế giới tự nhiên, vũ trụ bao quanh mình, con người có nhu cầu nhận thức về chính bản thân mình. Nhận thức về con người là một trong những nhu cầu của con người, là một phương diện phản ánh của văn học dân gian nói chung và các truyện kể Thái nói riêng.

Cũng như nhu cầu nhận thức về thế giới tự nhiên, vũ trụ khách quan bên ngoài, nhu cầu nhận thực của con người về bản thân loài người cũng bao gồm nhiều phương diện, nhiều cấp độ khác nhau. Sự nhận thức này của con người có thể thấy ở những phương diện đó là nhận thức về con người sinh học như một sản phẩm của quá trình phát triển lịch sử và nhận thức về con người xã hội đầy phức tạp trong các mối quan hệ của cuộc sống con người.

Nếu như trong thần thoại của dân tộc Kinh, trời và đất có được như ngày nay nhờ vị thần xây cột chống trời, và con người sinh ra gắn liền với truyền

thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng thì trong sự hình dung lý giải của người Thái, nguồn gốc loài người, nguồn gốc dân tộc gắn với câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa ông “dương” và bà “âm” trong truyện “Khau cát”. Truyện kể rằng, “trên tán nấm là một người đàn ông, chuyên nằm sấp ăn toàn mây và mù. Dưới gốc nấm là một mụ đàn bà, chuyên nằm ngửa ăn sương và gió. Một hôm ông “dương” mò xuống với bà “âm”, sau cuộc gặp gỡ đó, bà “âm” sinh ra bẩy người con, và đột nhiên gốc nấm sinh ra đủ thứ: những hạt lúa tám mẹ con ăn không hết một hạt, những tảng thịt không ăn xuể cứ tự dưng mà đến. Gặp nhau trong chốc lát, có một lần ấy thôi, ông “dương” lại về trời và không hề xuống lại, để lại một mình bà “âm” cùng bẩy đứa con với biết bao sự kiện. Cái “nấm” lớn dần, trời đất xa dần ra, nhưng vẫn còn sát nhau lắm…” [16, tr.101, 102].

Ở một thần thoại khác của người Thái, sự xuất hiện của con người trên thế giới được kể lại rằng:

“Khi các “chô công” dựng trần gian xong, Then lại sai ông làm đất (chô công đin) và bà xây rừng (chô công nhả) đem mười giống Xá, năm giống Thái xuống trần gian để sinh sống. Nhưng lúc đó không có ai cai quản, loài người đi lang thang sống từng bầy, như thú rừng. Họ nằm ở hang hốc, ăn sống nuốt tươi, không quần không áo, con đẻ ra không biết bố, lớn lên không biết họ. Vì vậy bản mường không ai dựng, trần gian không người coi sóc” [41, tr.36].

Thần thoại trên phản ánh quá trình lịch sử của loài người ở giai đoạn xã hội nguyên thủy, khi con người còn ăn lông ở lỗ, ăn sống nuốt tươi, sống thành bầy đàn, sống bằng săn bắt hái lượm. Ở thời đại ấy, con người sống hoang dại như loài vật, khó phân biệt được đâu là con vật, đâu là con người. Trong thần thoại Sự tích quả bầu của dân tộc Thái cũng đã phản ánh thế giới trần gian ở thời kỳ hỗn mang đó.

Khi xã hội loài người từng bước tiến lên, con người sáng tạo ra ngôn ngữ và chữ viết. Quá trình đó được thần thoại Thái kể lại rằng:

“Ngày xưa, người Thái không biết hát và cũng không biết chữ. Ngay cả lời nói cũng không đủ để trò chuyện với nhau hàng ngày, nên khi vui dùng tiếng cười, khi buồn dùng khóe mắt, khi diễn tả những trận săn bắt, những buổi hái lượm thì dùng tay để chỉ trỏ… Một hôm, Then sơ ý đánh rơi xuống trần gian rất nhiều sách và một số ống hát (bằng khắp). Sách rơi lả tả khắp nơi, rừng sâu, khe suối… đâu đâu cũng có sách. Phần lớn số sách của Then đánh rơi xuống trần gian đều bị trâu ăn mất. Còn lại một ít, người Thái nhặt được nên từ đấy người Thái mới biết chữ” [41, tr.68,69].

Câu chuyện về việc người Thái biết chữ và biết hát là sự sáng tạo của nhân dân, đồng thời cũng là câu chuyện về nhu cầu thẩm mỹ của cộng đồng người Thái trong lịch sử.

2.1.2.3. Nhận thức về xã hội, tổ chức và các mối quan hệ

Sau khi nhận thức về tự nhiên, vũ trụ và con người, người Thái nhận thấy có nhu cầu lý giải về đời sống xã hội, tổ chức và các mối quan hệ phức tạp giữa con người với con người trong xã hội mà họ đang sống. Chính vì vậy, một bộ phận truyện kể dân gian Thái đã được sáng tạo ra để đảm nhận nhiệm vụ lịch sử này. Thần thoại Thái sau các truyện kể về nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc loài người thì đến các truyện kể về mười hai vị Then (thiên thần). Trong quan niệm của người Thái, “dân gian coi rằng xã hội cõi trời được hoàn thiện trước, sau đó mới xuất hiện xã hội loài người. Người ta cho rằng xã hội loài người là con đẻ của xã hội trên thiên đình, theo mẫu của xã hội trên thiên đình. Thậm chí những rắc rối muôn vẻ của xã hội loài người là do “trò chơi” của các thiên thần mà ra” [16, tr.104].

Khi con người trải qua giai đoạn xã hội nguyên thủy, bước sang hình thái xã hội tiếp theo, khi thế giới con người phân biệt với thế giới loài vật, truyện kể Thái phản ánh quá trình đấu tranh của con người trong cuộc đấu tranh với các hiện tượng tự nhiên, đồng thời phản ánh con người trong những mối quan hệ xã hội phức tạp. Câu chuyện Sự tích ta bó bua (nghĩa là bến nước có sen mọc) kể

lại câu chuyện người con gái vì hái bông sen mà bị thuồng luồng bắt đi. Những người dân của bản mường cùng nhau giúp sức, vào rừng chặt cây hắc hương đem về lấp cửa hang. Từ đó về sau, thuồng luồng không còn lối ra nữa. Ở một địa danh khác, vẫn là câu chuyện cô gái đi hái bông sen bị thuồng luồng bắt nhưng cái kết lại được kể khác: người cha sau một hành trình đi tìm con đã dùng lửa đốt hết lũ thuồng luồng, cứu con gái về. Sự khác nhau này phản ánh đặc trưng của từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Ở câu chuyện sau, khi đã con người đã tìm ra lửa, cái kết của câu chuyện ấy cũng có những thay đổi phù hợp với trình độ tiến hóa của con người ở giai đoạn lịch sử sau này. Đó là những câu chuyện phản ánh quá trình đấu tranh của con người với thế giới tự nhiên, chiến thắng tự nhiên để bảo vệ cuộc sống của chính cộng đồng mình trong lịch sử phát triển của người Thái. Đây là giai đoạn con người “từ biệt giai đoạn đồ đá man rợ chuyển sang giai đoạn đồ sắt văn minh hơn. Họ đang có xu hướng xây dựng cho mình một cuộc sống tinh thần đẹp đẽ hơn” [41, tr.59,60].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các giá trị văn học cổ truyền của truyện kể dân tộc thái (Trang 37 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)