Để đánh giá khả năng lưu trú của bào tử B. aquimaris SH6 trong ruột tôm và hoạt tính probiotic của chúng đối với tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) với các chỉ số cụ thể như: tăng trọng lượng, tăng hàm lượng astaxanthin, màu sắc và các chỉ tiêu miễn dịch, chúng tôi thiết kế và thực hiện thí nghiệm với 4 nhóm thí nghiệm gồm: “ĐC”, “Carophyll”, “SH6 spore”, “SH6 carotenoid” trong thời gian 28 ngày, các thời điểm thu mẫu và số lượng mẫu được trình bày chi tiết trong các phần thiết kế thí nghiệm. Mỗi nhóm thí nghiệm gồm 70 tôm được nuôi trong 2 bể. Tôm được nuôi tại phòng Sinh học Nano và Ứng dụng - Phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ enzyme và protein - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nhiệt độ trong phòng được kiểm soát và
giữ liên tục ở khoảng 26-28°C, pH 7,5-8,5. Bể nuôi tôm được sục khí liên tục để đảm bảo cung cấp đủ oxy cho tôm, nước nuôi tôm được lọc liên tục và thay định kỳ 5 ngày (tối đa 30 % nước). Quy trình kỹ thuật nuôi tôm đươc tham khảo trong một số nguồn tài liệu, sách “Kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng” của tác giả Thái Bá Hồ, và một số nghiên cứu đã có về tôm thẻ chân trắng và tối ưu hóa theo điều kiện sẵn có ở phòng thí nghiệm [3, 48]. Mô hình bể nuôi tôm trong điều kiện phòng thí nghiệm được thể hiện trong Hình 2.4 .
Hình 2.4 : Mô hình bể nuôi tôm trong quy mô phòng thí nghiệm
Cụ thể, mỗi bể tôm có dung tích 45 l, chứa 25 l nước với độ mặn 16‰ được vận hành bằng hệ thống sục khí liên tục đảm bảo lượng oxy hòa tan trong nước đủ cung cấp cho tôm trong suốt quá trình nuôi; bơm tuần hoàn được lắp đặt (nối với thiết bị chứa bông lọc) để lọc nước bể nuôi tôm một cách tuần hoàn và liên tục, loại bỏ các chất cặn bã trong bể nuôi tôm như: phân tôm, thức ăn thừa, lưu ý tắt bơm trong khoảng 1 h đầu cho tôm ăn để tránh hiện tượng lọc bỏ thức ăn của tôm. Hệ thống các bể nuôi tôm được bố trí trong phòng thí nghiệm như Hình 2.5. Tôm được cho ăn trong 28 ngày với thức ăn đã mã hóa (xem mục 2.2.2) 3 lần/ngày, mỗi ngày 2-3 g. Quan sát, theo dõi tình trạng
sức khỏe, vận động và khả năng ăn của tôm hàng ngày để đảm bảo phát hiện kịp thời những thay đổi về sức khỏe của tôm để có những điều chỉnh phù hợp.
Hình 2.5: Bể nuôi tôm trong điều kiện phòng thí nghiệm.
A - Đại diện hệ thống các bể nuôi tôm quy mô phòng thí nghiệm. B - Đại diện một bể nuôi tôm có hệ thống sục khí và bơm
Phương pháp và nguyên tắc thu mẫu:
Tiến hành thu mẫu tôm một cách ngẫu nhiên tại các thời điểm xác định, phụ thuộc vào tính chất mỗi thí nghiệm, 03 mẫu tôm trên một nhóm thí nghiệm. Sử dụng bộ dụng cụ (dao, kéo, kẹp, …) đã khử trùng để giải phẫu tôm, các bộ phận cần thiết được giải phẫu cẩn thận, cho vào ống eppendoft 2 ml vô trùng, sử lý ngay lập tức hoặc bảo quản lạnh ở -80°C để đảm bảo duy trì tính chất mẫu.