Khả năng lưu trú của bào tử B aquimaris SH6 trong ruột tôm thẻ chân trắng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu khả năng tồn tại và nảy mầm của bào tử bacillus aquimaris sh6 trong ruột tôm thẻ chân trắng và ảnh hưởng của bào tử lên một số chỉ tiêu miễn dịch ở tôm​ (Trang 47 - 50)

trắng

Sử dụng các kỹ thuật vi sinh vật học cơ bản, đĩa thạch LB, DSM và MRS được sử dụng để phân lập hệ vi sinh hiếu khí trong ruột của tôm thẻ chân trắng tại các thời điểm 1 D, 3 D, 7 D, 14 D và 28 D, xác định số lượng B. aquimaris SH6 tồn tại trong ruột tôm, cũng như theo dõi sự thay đổi về thành phần và số lượng hệ vi sinh vật trong ruột tôm ở mỗi nhóm thí nghiệm. Kết quả được trình bày trong Hình 3.1 và Hình 3.2 và Hình 3.3.

Hình 3.1: Số lượng B. aquimaris SH6 trong ruột tôm thẻ chân trắng sau 28 ngày (CFU × 105/g ruột tôm).

Hình 3.1 trình bày số tế bào SH6 trong ruột tôm ở các nhóm thí nghiệm, không phát hiện SH6 tồn tại trong ruột tôm ở các nhóm "Carophyll", "SH6 carotenoid" và nhóm “ĐC”. Trong khi đó, số lượng B. aquimaris SH6 trong ruột tôm nhóm "SH6 spore" tăng dần theo thời gian. Cụ thể, sau khi cho tôm ăn 1 ngày, số lượng B. aquimaris SH6 chỉ đạt mức 4,1 × 104 CFU/g ruột, sau đó tăng dần ở các thời điểm 3 D,

7 D, 14 D (lần lượt là 1,37; 2,32 và 2,55 × 105 CFU/g ruột tôm). Đến ngày thứ 28, số lượng SH6 trong ruột tôm tăng lên đạt mức 5,33 × 105 CFU/g ruột. Điều này chứng tỏ bào tử SH6 sau khi đi vào ruột tôm không chỉ đơn thuần bị thải ra ngoài qua phân mà một phần đáng kể đã bám lại trong ruột tôm với số lượng tăng dần theo thời gian. Kết quả này chứng minh được rằng bào tử B. aquimaris SH6 có khả năng lưu trú trong ruột tôm.

Câu hỏi tiếp theo đặt ra là, với khả năng lưu trú và tăng về số lượng như thế, liệu SH6 có ảnh hưởng đến thành phần hệ vi sinh vật trong ruột tôm hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi tiếp tục sử dụng các kỹ thuật vi sinh và sinh học phân tử cơ bản để xác định thành phần, số lượng và định danh các chủng vi sinh vật hiếu khí có trong ruột tôm tại các thời điểm 0 D, 1 D, 3 D, 7 D, 14 D và 28 D.

Hình 3.2: Tổng số vi sinh vật hiếu khí trong ruột tôm thẻ chân trắng sau 28 ngày (CFU

× 106/g ruột tôm). *P<0,05; **P<0,01; ***P<0,001

Chúng tôi đã phát hiện ra rằng tổng số vi sinh vật hiếu khí trong ruột tôm ở nhóm "SH6 spore" đa dạng hơn về số loài và nhiều hơn về mật độ so với tôm ở 3 nhóm còn lại. Cụ thể, chỉ sau 1 ngày nuôi, ruột tôm nhóm "SH6 spore" đã có tổng số vi sinh vật hiếu khí (1,64 × 106 CFU/g ruột) cao hơn nhiều so với 3 nhóm còn lại, lần lượt là:

"Carophyll" 0,47 × 106 CFU/g ruột, "SH6 carotenoid" 0,74 × 106 CFU/g ruột và “ĐC” 0,63 × 106 CFU/g ruột. Trong suốt 28 ngày nuôi, tổng số vi sinh vật trong ruột tôm ở tất cả các nhóm đều có sự thay đổi, tuy nhiên, thay đổi đáng kể nhất là nhóm "SH6 spore". Tại thời điểm 28 D, mật độ vi sinh vật trong ruột tôm nhóm "SH6 spore" (3,73 × 106 CFU/g ruột), cao hơn 5,1 lần so với nhóm đối chứng (0,74 × 106 CFU/g ruột), P < 0,01; 2,1 lần so với nhóm "Carophyll" (1,75 × 106 CFU/g ruột), P < 0,01 và cao hơn 10 lần so với nhóm "SH6 carotenoid" (3,67 × 105 CFU/g ruột), P < 0,001 (Hình 3.2).

Bên cạnh việc xác định số lượng vi sinh vật bằng phương pháp đếm khuẩn lạc trên đĩa thạch, để xác định chính xác các chủng đã phân lập được trên đĩa thạch đại diện cho hệ vi sinh vật hiếu khí trong ruột tôm tại thời điểm 28 D, DNA tổng số được tách chiết, sau đó thực hiện phản ứng PCR và giải trình tự gen 16S rRNA. Kết quả giải trình tự cho thấy rằng, hệ vi sinh vật trong ruột tôm nhóm "SH6 spore" đa dạng hơn nhiều (8 loài) so với các nhóm "Carophyll" (2 loài), "SH6 carotenoid" (4 loài) (Hình 3.3). Trong số 8 loài có mặt trong ruột tôm nhóm "SH6 spore", Acinetobacter venetianus chiếm tới 62,76 %, theo sau đó là Pseudomonas stutzeriB. aquimaris

SH6 (lần lượt là 20,16 và 14,29 %). Bên cạnh đó, có sự xuất hiện của chủng vi khuẩn probiotic mà không phát hiện được ở các nhóm còn lại, như: B. licheniformis (0,73 %) và B. amyloliquefaciens (0,37 %), Đây là hai chủng probiotic khá phổ biến trong chăn nuôi và đã được chứng mình rằng chúng có nhiều tác dụng có lợi cho vật chủ trong các nghiên cứu trước đây [2, 4, 19, 40]. Dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, tuy nhiên sự tồn tại của các chủng probiotic này phần nào chứng minh vai trò của B. aquimaris SH6 trong việc tác động và điều hòa hệ vi sinh vật hiếu khí trong ruột tôm theo hướng có lợi cho vật chủ.

Hình 3.3: Thành phần loài trong quần xã vi sinh vật ruột tôm ở ngày 28 ở các

nhóm thí nghiệm

Từ các kết quả trên, có thể kết luận rằng việc bổ sung bào tử B. aquimaris SH6 vào thức ăn tôm hàng ngày khiến bào tử B. aquimaris SH6 có khả năng bám vào thành ruột, lưu trú và tăng lên đáng kể về số lượng theo thời gian trong ruột tôm. Từ đó, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột bằng việc kích thích sự phát triển của các vi sinh vật có lợi và tác động tích cực đến các chỉ tiêu khác trong nuôi tôm, sẽ được trình bày ở các kết quả sau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu khả năng tồn tại và nảy mầm của bào tử bacillus aquimaris sh6 trong ruột tôm thẻ chân trắng và ảnh hưởng của bào tử lên một số chỉ tiêu miễn dịch ở tôm​ (Trang 47 - 50)