Chất lượng thông tin

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện tổ chức kiểm soát nội bộ nhằm tăng cường chất lượng thông tin kế toán tài chính của các công ty niêm yết thuộc nhóm ngành xây dựng trên thị trường chứng khoán TP HCM​ (Trang 37 - 38)

Chất lượng: là mức độ đáp ứng các yêu cầu của một tập hợp có đặc tính vốn có

(Nguồn: Tổ chức Quốc tế về Tiêu chuẩn hóa ISO, ISO 9000:2007) [5]. Chất lượng có một số đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, chất lượng là sự thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng. Nếu một sản phẩm vì lý do nào đó mà không được nhu cầu chấp nhận thì bị coi là có chất lượng kém, cho dù trình độ tạo ra sản phẩm đó có thể rất hiện đại. Chất lượng được đo bằng sự thỏa mãn nhu cầu, mà nhu cầu luôn luôn biến động nên chất lượng cũng luôn luôn biến động theo thời gian, không gian và điều kiện sử dụng.

Thứ hai, chất lượng là sự phù hợp với các nhu cầu khác nhau. Khi đánh giá chất lượng của một đối tượng, ta xét đến mọi đặc tính của đối tượng có liên quan đến sự thỏa mãn những nhu cầu cụ thể. Các nhu cầu này không chỉ từ phía người sử dụng mà còn từ các bên có liên quan, ví dụ như các yêu cầu mang tính pháp chế, nhu cầu của cộng đồng xã hội.

Thứ ba, chất lượng được tiêu chuẩn hóa cụ thể. Một số nhu cầu có thể được công bố rõ ràng dưới dạng các qui định, tiêu chuẩn nhưng cũng có những nhu cầu không thể miêu tả rõ ràng và được đánh giá qua quá trình sử dụng.

Do đó, chất lượng được xác định thông qua việc có đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, đồng thời phải xét đến đặc tính của sản phẩm cung cấp cho người sử dụng và chất lượng có thể được tiêu chuẩn hoá.

Chất lượng thông tin: là thuật ngữ mô tả chất lượng của các thành phần trong hệ thống thông tin, sự phù hợp với yêu cầu của người sử dụng thông tin. Chất lượng thông tin là thước đo về giá trị thông tin cung cấp cho người sử dụng.

Như vậy, chất lượng thông tin đảm bảo các đặc trưng là: thỏa mãn nhu cầu, đáp ứng các nhu cầu khác nhau và được tiêu chuẩn hóa. Các tiêu chuẩn hóa của chất lượng thông tin thường giúp đáp ứng các nhu cầu khác nhau, như độ tin cậy, tính khách quan, tính kịp thời, sự phù hợp, tính dễ hiểu, có thể so sánh của thông tin.

Trong đó, độ tin cậy được coi là tiêu chuẩn quan trọng của chất lượng thông tin. Bên cạnh đó căn cứ vào đặc trưng của thông tin, chất lượng thông tin phải được lượng hóa phù hợp với đặc tính của thông tin và kiểm soát thông tin để đảm bảo chất lượng thông tin từ nơi phát thông tin tới nơi nhận thông tin.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện tổ chức kiểm soát nội bộ nhằm tăng cường chất lượng thông tin kế toán tài chính của các công ty niêm yết thuộc nhóm ngành xây dựng trên thị trường chứng khoán TP HCM​ (Trang 37 - 38)