Quá trình hình thành và phát triển giá trị hợp lý

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) định hướng vận dụng giá trị hợp lý trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp tp HCM theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế​ (Trang 30 - 32)

GTHL là một thuật ngữ mới trong lĩnh vực kế toán. Cơ sở hình thành của nó xuất phát từ nhu cầu sử dụng thông tin của xã hội cũng như những hạn chế của các phương pháp kế toán trước đó. Quá trình hình thành và phát triển của GTHL có thể chia làm các giai đoạn như sau:

Giai đoạn từ 1960 đến 1990: Giá trị hợp lý bắt đầu xuất hiện và mở rộng phạm vi sử dụng.

Trên thế giới giá trị hợp lý xuất hiện lần đầu tại Mỹ được đề cập trong báo cáo của Ủy ban nguyên tắc (APB). Sự hình thành giá trị hợp lý là một quá trình lâu dài:

Từ năm 1962 – 1969: là giai đoạn tiền đề, trong giai đoạn này giá thị trường được sử dụng nhưng trong một số trường hợp không có thị trường hoạt động để có thể xác định được giá thị trường.

Đến năm 1970: giá trị hợp lý chính thức xuất hiện được đề cập trong Ý kiến của Ủy ban nguyên tắc số 16 và 17 ghi nhận lợi thế thương mại và giá trị của tài sản hợp nhất:

+ APB Opinion 16 – Hợp nhất doanh nghiệp “Tất cả tài sản, nợ phải trả có được trong hợp nhất doanh nghiệp nên được ghi nhận theo giá trị hợp lý của chúng tại ngày mua”

+ APB Opinion 17 - Tài sản vô hình “Sự khác nhau giữa giá trị hợp lý và chi phí sẽ được coi như lợi thế thương mại”

Sau khi xuất hiện, giá trị hợp lý tiếp tục được thừa nhận và phạm vi sử dụng của giá trị hợp lý dần dần được mở rộng. Giá trị hợp lý bắt đầu nhận được sự quan tâm và áp dụng của nhiều nước cũng như Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) được sử dụng trong nhiều lĩnh vực: ngân hàng, viễn thông … và cũng xuất hiện những hướng dẫn hạn chế về cách xác định và trình bày giá trị hợp lý trên báo cáo tài chính.

Năm 1982: văn bản đầu tiên của hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) đề cập đến định nghĩa giá trị hợp lý là chuẩn mực kế toán quốc tế số 16 “Bất động sản, Nhà xưởng và Máy móc thiết bị” (IAS 16) đã được ban hành. Theo chuẩn mực kế toán này, “giá trị hợp lý là giá trị tài sản có thể đem trao đổi giữa các bên có thể hiểu biết, thiện chí trong một giao dịch trao đổi ngang giá”.

Định nghĩa giá trị hợp lý được bổ sung trong chuẩn mực kế toán quốc tế số 17 “Thuê tài sản” (IAS 17) ban hành năm 1982. Theo chuẩn mực kế toán này, “giá trị hợp lý là giá trị tài sản có thể đem trao đổi, hay nợ phải trả được thanh toán giữa các bên có hiểu biết, có thiện chí trong một giao dịch trao đổi ngang giá”. IAS 17 đề cập đến giá trị hợp lý của cả tài sản và nợ phải trả.

Giai đoạn từ 1991 đến nay: Giá trị hợp lý phát triển mạnh mẽ được khẳng định qua 2 giai đoạn:

Từ năm 1991 – 2000: được đánh dấu bằng hàng loạt chuẩn mực của Mỹ: FASB Statement 107 (1991) - giá trị hợp lý của công cụ tài chính, FASB Statement 104 – hợp nhất doanh nghiệp, FASB Statement 142 – lợi thế thương mại và tài sản vô hình… các chuẩn mực đã đưa ra những hướng dẫn rõ ràng hơn về giá trị hợp lý.

Trong giai đoạn này chuẩn mực Mỹ cũng như quốc tế đã bắt đầu sử dụng giá trị hợp lý cho việc đánh giá sau ghi nhận ban đầu. Giá trị hợp lý được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành, trong nhiều khoản mục làm xuất hiện sự lo lắng về khả năng của giá trị hợp lý do những hướng dẫn về giá trị hợp lý vẫn chưa đạt được sự thống nhất chung và có nhiều mâu thuẫn trong các công bố.

Từ năm 2000 đến nay: Để giải quyết những lo lắng về giá trị hợp lý FASB và IASB đã bắt tay vào nghiên cứu sâu hơn về lý thuyết của giá trị hợp lý.

Năm 2004, dự án hội tụ kế toán IASB – FASB được tiến hành trong đó có dự án về giá trị hợp lý trong kế toán.

Tháng 5/2005, Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) công bố “Văn bản thảo luận về các phương pháp đo lường có sử dụng giá trị hợp lý”. Theo văn bản này, sự nhất quán giá trị hợp lý là giá trị trao đổi được các thành viên IASB ủng hộ. Văn bản có đề cập đến định nghĩa “giá trị hợp lý là giá trị của tài sản hay nợ phải trả có thể trao đổi giữa các bên có hiểu biết, có thiện chí trong một giao dịch trao đổi ngang giá”

Tháng 11/2006, IASB và FASB tiến hành thảo luận các vấn đề liên quan đến đo lường giá trị hợp lý.

Tháng 9/2010, IASB công bố dự thảo và đầu tháng 5/2011, phát hành IFRS 13 (Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 13) – Đo lường giá trị hợp lý (Fair Value Measurement) có hiệu lực từ ngày 01/1/2013. FASB cũng đã cập nhật chủ đề số 820 (báo cáo số 157 đo lường giá trị hợp lý – ban hành năm 2006 trước đây của FASB) về giá trị hợp lý, hoàn thành dự án lớn cải thiện IFRS (Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế) và US GAAP (các nguyên tắc kế toán được thừa nhận ở Mỹ) mang lại sự hội tụ giữa chúng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) định hướng vận dụng giá trị hợp lý trong công tác kế toán tại các doanh nghiệp tp HCM theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế​ (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)