7. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Những cuộc hành xác đau đớn
Đọc Nước mắt một thời, người đọc cũng chẳng thể quên những cuộc tra tấn man rợ do chính Đội Khoảnh và Kền gây lên. Bằng sự kết hợp các yếu tố hình ảnh, âm thanh vô cùng chi tiết, những tội ác ấy được tái hiện qua lời kể của nhân vật “tôi” một cách chân thực. Đó là những tiếng quát tháo của lão Kền, tiếng đòn roi rít trong không khí, tiếng kêu la của những người bị truy bức. Những điệp khúc ấy diễn ra hằng đêm đến nỗi “không chịu nổi tôi đã dùng ngón tay bịt hai lỗ tai để khỏi phải nghe những tiếng quát tháo chửi bới lăng mạ”[15- tr. 127-128]. Tiếng búa gõ lách cách mở cùm, tiếng loảng xoảng tháo khóa, tháo xiềng, tháo xích…mỗi lần mang cơm vào cho mẹ
“nghe ghê rợn như âm thanh phát ra từ chín tầng địa ngục” đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nhân vật “tôi”. Đau lòng và khủng khiếp hơn nữa khi có tiếng trẻ con khóc phát ra từ nơi giam giữ ấy. Thậm chí không chịu nổi với những đòn truy tô, thím Sáu đã phải nhảy xuống ao tự tử khi bụng mang thai sắp đến ngày sinh đẻ. Tội ác của những kẻ nhân danh chính nghĩa gây ra chẳng chừa một ai, từ những đứa trẻ đang còn trong bụng mẹ cho đến những người trưởng thành đều trở thành nạn nhân của chúng. Những đòn đánh đập, truy tô thực chất chỉ nhằm đạt được mục đích cướp bóc, bòn rút mang tính chất cá nhân của chúng. Những kẻ gian manh nghiễm nhiên trở thành chủ nhân mới của những tài sản do mồ hôi công sức của người nông dân làm ra. Nhưng Đội Khoảnh chỉ là một trong tổng số 48.818 ông Đội, không thể hình dung nổi nếu 48.818 ông Đội ấy giống Đội Khoảnh thì người nông dân sẽ phải sống thế nào?
Cùng chủ đề với Nước mắt một thời, tác phẩm Ba người khác của nhà văn Tô Hoài cũng nói về cải cách ruộng đất. Nhưng ngôi kể khác nhau và góc nhìn cũng khác nhau. Nếu như người kể chuyện trong tác phẩm Nước mắt một thời là nạn nhân thì trong Ba người khác người kể chuyện lại là người ở trong đội cải cách. Đọc Ba người khác, người đọc không khỏi rùng mình sợ
hãi trước những đòn tra tấn dã man được nhân vật Bối, đóng vai trò là người kể chuyện kể lại. Đây là màn tra tấn nhân vật Đình thuộc cán bộ đội cải cách ruộng đất nhưng bị cho là tay sai của Quốc dân Đảng: “Lập tức, tốp người trực ở ngoài ùa vào lôi Đình xuống sân. Một cái gộc tre xù xì đạp bốp vào mồm Đình còn đương há hốc. Ba chiếc răng cửa Đình văng ra như những hòn cuội, máu tuôn lênh láng. Đình lăn ra thở sằng sặc. Những đầu mấu tre giáng xuống như giã giò, thình thịch, vun vút, bất kể vào đầu, vào lưng. Đình trợn ngược mắt, nhuôi ra. Chiếc gây chọc vào lưng, lay đi lay lại. Rồi gậy lại chan chát xuống, như thử biết người còn sống không. Hai bàn tay Đình ruỗi như búng con quay rồi duỗn thẳng không nhúc nhích”. [31- tr. 58]. Những người bị bắt giam, bị đánh đập, tra tấn nhiều đến nỗi “cái nhà cũ không đủ chỗ chứa, phải làm thêm đẵn tre để nguyên cả gióng chôn liền thành bức tường dài rộng đến hơn hai trăm thước chia thành ngăn, mái lộ thiên chống hốc. Trông giống cái chuồng trâu. Các đoàn cải cách, đoàn phúc tra, đoàn chỉnh đốn tổ chức đều có nơi giam người tương tự. Có câu hù doạ “phải ngồi chuồng trâu là toi đời”, là những trại tạm giam này”[31- tr. 56]. Chuyện những người vì không chịu được sức ép của những cuộc hành xác phải tìm đến cái chết cũng xảy ra nhan nhản trong trang văn của Tô Hoài.
Trong Bến không chồng, tác giả Dương Hướng đã có một đoạn miêu tả làm người đọc khá ám ảnh: “Trước mặt Nghĩa lúc này là những thây ma ngồi rũ rượi dưới các trụ cột, chân bị cùm chặt. Nghĩa thấy buồn nôn vì mùi phân, mùi nước giải sực lên mũi”[33-tr. 52].
Dường như những cảnh đấu tố, tra tấn, đuổi bắt đầy đau thương đã trở thành nỗi ám ảnh ở những làng quê nghèo trong cái thời đầy nước mắt ấy. Rõ ràng, dường như những kẻ lưu manh được trao quyền hành trong tay đã biến những người nông dân vô tội thành tù nhân của chúng để chúng ra sức khủng bố, tra tấn và hành hình dã man, sau đó là chia nhau giành giật chiến lợi
phẩm, cướp không những thành quả do chính mồ hôi công sức của những người dân lương thiện làm ra.