7. Cấu trúc của luận văn
2.1.4. Phá hoại tình đoàn kết, gắn bó vốn có của con người
Nhân dân ta vốn có truyền thống đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Lịch sử đấu tranh giữ nước đã chứng minh truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta đã kết thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau khi đất nước dành được độc lập, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân là điều kiện cần và cốt lõi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng cuộc cách mạng ruộng đất do Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phát động nhằm đưa ruộng đất về tay dân cày nghèo đã vô tình phá hoại truyền thống đoàn kết ấy, gây lên sự thù hằn giữa các tầng lớp.
Nhân vật “tôi” cảm thấy thật ngỡ ngàng, ngao ngán trước sự thay đổi thái độ đột ngột của những người dân ở chính quê hương mình đối với gia đình mình. Sự thay đổi ấy bắt đầu bằng cách xưng hô. Mới hôm qua họ còn
“ông ông, bà bà, con con, cháu cháu…” thì hôm nay đã chuyển thành “mày, chúng mày” thậm chí là “thằng, con đĩ, con mụ”. Nếp sống trật tự có trên có dưới của gia đình “tôi” cũng như của cả cái làng ven sông nhỏ bé này đã bị xóa sạch chỉ trong một đêm, cứ như là nó chưa từng tồn tại. Trong suy nghĩ của Kền “Phải thế mới hạ được uy thế của chúng. Chứ cứ gọi chúng bằng ông, bằng anh như trước, chúng coi thường, khó hoàn thành công cuộc cải cách lắm”[15- tr. 99]. Thay đổi cách xưng hô mới chỉ là đòn tấn công mở
màn của “ông bà nông dân” vào gia đình “tôi”. Đêm ấy cuộc “tố khổ” bắt đầu diễn ra, tất cả bà con trong xóm đều nhất loạt đứng lên tố địa chủ “với đủ các loại tội ác mới nghe cũng rợn cả người”. Sau đêm ấy, những cuộc tố khổ được diễn ra ở khắp nơi như một “trận dịch”. Vì càng khổ nhiều càng được nhiều “quả thực” cho nên họ ra sức “tố điêu”: “Không có khổ cứ việc bịa ra rằng mình khổ. Không bị đánh đập cứ vu là bị đánh đập. Không bị hiếp dâm cứ nhận là bị hiếp dâm”[15- tr. 118]. Tiếp theo đó là màn kê khai ruộng đất, những ông Đội chẳng cần đo đạc, cũng chẳng cần căn cứ vào bản đồ địa chính mà căn cứ vào những lời khai của “ông bà nông dân”. Dưới những cái miệng của những tâm đố kị, dã man và ngu dốt, chuyện số diện tích ruộng đất bị tăng vọt lên là điều vô cùng dễ hiểu. Mảnh ruộng 5 sào của gia đình “tôi” bị thổi phồng lên thành 1 mẫu 2. Diện tích tăng thì số thóc phải nộp cũng cứ thế mà tăng lên. Cả làng thi nhau tích cực “tố điêu”, “khai điêu”, “tố điêu”
không đủ, người ta lại vận động, xúi bẩy người khác “tố điêu”. Kền đã dụ dỗ cả bố là ông Khán Vĩnh và em gái tố điêu, đối với hắn việc ra sức tố địa chủ mới là tiến bộ và cái cốt lõi của cái tiến bộ ấy chính là để được chia nhiều ruộng nương tài sản. Khác với Kền, ông Khán Vĩnh vẫn giữ được đạo đức ở đời, nghĩ tới ơn nghĩa năm xưa nếu không có gia đình ông Lân thì cả gia đình ông đã chết đói nên ông Khán Vĩnh và Én đều không nghe theo lời dụ dỗ của hắn. Không lay chuyển được suy nghĩ của Kền khiến cho ông rất đau khổ. Cái lí lẽ của Kền dường như đã trở thành chân lý, là mục đích, không biết từ lúc nào nó đã gieo rắc vào sâu trong suy nghĩ của tất cả những người dân làng này. Tất cả đang điên cuồng trong cái “tố khổ” “tố điêu” nhằm đem lại lợi ích cho chính mình. Chỉ vì những lợi ích trước mắt, họ đã quên đi cái truyền thống tốt đẹp mà ngàn đời xưa họ đã phát huy và giữ gìn.
Cái thành phần giai cấp đã khiến cho mọi người xa lánh, không muốn liên quan gì với thành phần địa chủ. Ngay cả những người thân ruột thịt cũng tìm cách trốn tránh như tránh người bị phong hủi. Dì Sót, em gái bà Lân, có
lần gặp bà Lân giữa đường mà không dám dừng lại. Bà Lân càng đuổi, dì Sót lại càng đi nhanh. Rồi dì ném phịch xuống lề đường nắm xôi sau đó lại ba chân bốn cẳng chạy đi mất. Cách mạng ruộng đất đôi khi đã đẩy những con người có quan hệ máu mủ buộc phải đối xử lạnh lùng với nhau, tạo ra những cảnh bi hài kịch vừa hài hước nhưng cũng đầy xót xa.
Sau màn tố khổ người ta lại bắt đầu đấu tố. Bản chất hiền lành của người nông dân đã bị thay bằng những cái nắm tóc, những cái kéo đầu, lôi tai, kéo mặt không thương tiếc, kèm theo đó là những câu quát: “Mày cúi mặt xuống. Mày vểnh tai lên. Mày…mày…có nhớ không?”[15- tr. 238]. Đến phần chia “quả thực” họ lại “tranh giành của cải cãi nhau như đám mổ bò”[15- tr. 243]. Một cảnh tượng hết sức nhốn nháo giống như những con diều hâu đang tranh dành nhau ăn thịt con mồi. Vì cái gọi là “quả thực”, người ta bất chấp tất cả, kể cả lòng tự trọng của mình. Cách mạng ruộng đất đã biến những người nông dân hiền lành thành những con người đầy lòng tham và sự ích kỉ để rồi họ sẵn sàng lôi nhau xuống vực thẳm.
Người dân làng Thông thi nhau “tố điêu” vì “quả thực”, họ cũng sẵn sàng “tố điêu” để vùi dập con người ta đến chết. Chưa bao giờ con người lại đối xử với nhau độc ác đến vậy. Lòng tham và sự đố kị đã hủy hoại nhân cách con người, khiến họ sẵn sàng vứt bỏ cái tình nghĩa bấy lâu nay không một chút đắn đo, do dự. Phiên tòa xử án ông Lân được diễn ra rầm rộ trong sự
“hưởng ứng nhiệt liệt” của những “ông bà nông dân”. Có gì đó như háo hức, như phấn khởi lắm. Trên khắp các đường ngang ngõ tắt người ta treo khẩu hiệu kêu gọi diệt tận gốc cái giai cấp địa chủ như là để cổ súy cho cái gọi là
“tố điêu” của họ. Khủng khiếp hơn,người ta còn chuẩn bị sẵn cả quan tài trên ghi tên phạm nhân to tướng. Điều đó có nghĩa là chưa xử đã biết kết quả rồi. Ngồi ghế Chánh án và xét xử là những ông bà nông dân “toàn những người mù chữ, đi chợ vẫn còn phải lội bùn, vậy mà lại đứng ra dùng điều nọ, luật kia để buộc tội người khác”[15- tr. 270]. Thì ra, tòa án đặc biệt nghĩa là ở
những chỗ đó. Màn tố khổ bắt đầu, vẫn là những kịch bản quen thuộc đã được các ông Đội dạy đi dạy lại một cách nhuần nhuyễn, vẫn là những câu tố khổ bịa đặt, vu khống, bắt chước nhau, những câu tố khổ “vô cảm nhưng có khả năng giết người”[15- tr. 272]. Trong đó đặc biệt nhất là lời tố của ông Uẩn, một nông dân cùng xóm với ông Lân:
“Lân, mày còn nhớ không, ngày trước có lần mày dụ tao vào Đảng, cái Đảng có lá cờ đỏ mang hình búa liềm ấy, chứ không phải cờ nửa xanh nửa đỏ của cái Đảng dân chủ gì đó, tao vẫn thường thấy ở nhà thằng Sáu em mày đâu. Đảng ấy là Đảng gì, mày khai ra trước tòa đi!”[15- tr. 273].
Cái Đảng mà ông Uẩn đang muốn nói tới chính là Đảng cộng sản. Lời tố khổ của ông Uẩn nghe thật hài hước. Những ẩn ý của tác giả rất có thể ẩn đằng sau lời tố khổ ngu si này của nhân vật. Tòa án đặc biệt lại càng trở nên đặc biệt hơn bởi những con người thiếu hiểu biết. Chỉ a dua, học đòi theo đám đông. Chính vì vậy nên càng dễ bề trở thành tay sai phục vụ cho những kẻ nhân danh chính nghĩa.
Thì ra ông Lân đã từng là Đảng viên của cái Đảng ấy. Sau này vì nhiệm vụ mà được cấp trên phân công vào làm việc cho địch để nắm tình hình và tạo thuận lợi cho bà con. Cuối cùng, ông Lân bị tuyên xử tử vì những tội mà ông chưa từng gây ra. Đám đông lại háo hức chen lấn, xô đẩy nhau để chạy theo xem người ta xử bắn như xem một trò vui. Ông Lân bị lôi ra xử bắn, nhưng mấy viên đạn lại không giết được ông. Kền phải kết thúc cuộc đời ông bằng một nhát cuốc. Ông Lân phải chịu một cái chết oan thật đau đớn do chính bàn tay của những người hàng xóm “tắt lửa tối đèn”, của những người đã từng được ông giúp đỡ gây ra.
Từ đâu mà con người bỗng trở nên độc ác, vô nhân đạo với nhau như vậy? Từ đâu mà cái truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân đã bị phá hoại một cách dễ dàng đến như vậy? Chỉ vì thiếu hiểu biết,
vì chút lợi ích cá nhân tầm thường mà người dân dễ dàng bị những kẻ nhân danh cái gọi là chính nghĩa dễ bề lợi dụng nhằm đạt mục đích vơ vét, đục khoét của chúng. Cấp trên thật sai lầm khi giao quyền hành vào tay những kẻ không có đạo đức cách mạng, phản lại con đường đi mà Bác Hồ đã vạch ra. Những việc làm của chúng đã làm nguy hại đến uy tín của cách mạng Việt Nam.
Không chỉ có làng Thông mà còn rất nhiều làng quê khác trên đất nước cũng đang diễn ra những cảnh tương tự. Đó là làng Đông trong Bến không chồng của tác giả Dương Hướng. Cuộc tịch thu tài sản địa chủ Hào được diễn ra rầm rộ “Già trẻ, trai gái, đàn ông, đàn bà lốc nhốc đến. Kẻ gánh người khiêng, kẻ đội người bê các thứ được chia cứ nhốn nháo cả lên”[33- tr. 39]. Hình ảnh “những cụ bà lọm khọm chống gậy, đến các chị con thơ tay bồng tay bế cơm đùm cơm gói đổ dồn về sân đình Đông”[33- tr. 53] để dự phiên tòa xét xử bốn tên phản động Xung, Hinh, Xèng và Xình với những tội vô cùng ngớ ngẩn. Ông Xung mắc tội đi lấy lá chuối đêm trong vườn địa chủ Hào, bác Hinh mắc tội thổi kèn lá chuối, Xèng và Xình mắc tội đặt mìn phá Cống Linh mà thực chất là ném mìn đánh cá thì đúng hơn. Phiên tòa diễn ra vô cùng sôi động với những tiếng đập bàn chan chát, tiếng hô, tiếng quát của những người ngồi trên kỳ đài. Tiếp đó là hình ảnh náo động của làng Đông,
“người ùn ùn từ khắp mọi nơi đổ dồn về cánh mả Rốt” để chứng kiến người ta xử bắn những tên tội phạm. Đám đông ấy trở nên vô cảm trước những lời buộc tội, những cái chết oan ức của chính những người họ hàng của họ.
Còn đây là cảnh đấu tố địa chủ Thìn trong “Ba người khác” cũng vô cùng nhốn nháo:
“Bãi mít tinh đông nghịt người. Giữa đám, lại những túm là móc diều, những tàu dừa kết thành mm hàng rào xanh trang trí sau bàn toà án.
Cuộc đấu lên nổ liên tiếp, khi địa chủ Thìn vừa được đặt xuống ngồi tựa vào cái cọc. Người chạy lên chạy xuống, tới tấp.
- Mày có biết tao là ai không?
Thế nào mà tiếng lão già sắp chết này vẫn nói sang sảng: - Thưa bà nông dân… tôi không biết…
- Tao đi ở cho cháu mày. - Thế thì tôi không biết thật ạ.
- Mày lấy roi cặc bò đánh tao. Đả đảo địa chủ!
Rồi hớt hải chạy xuống giữa tiếng đả đảo cuồn cuộn trong đám người. Cái bãi lau chen chúc lôi thôi, đần nước trắng đằng cuối. Những con chim hét đen tuyền, những đàn cò trắng không dám đậu xuống, lượn quanh trên trời với mấy con diều hâu”[31-tr. 74-75].
Những kẻ nhân danh Cách mạng, Đảng, Đội thô bạo, cơ hội, giáo điều còn phá hoại cả một nền luân thường đạo lý ngàn đời mà ông cha ta đã xây dựng và giữ gìn. Trong phiên tòa xét xử ông Lân, người đọc không khỏi giật mình trước những lời tố khổ của Túy. Túy là con trai của chú Hai “tôi”, nghĩa là cháu ruột của ông Lân. Túy là người hiền lành, tử tế, lại có học, biết phân biệt phải trái, đúng sai. Vậy mà thật không ngờ Túy lại có những lời lẽ này để tố người bác của mình: “Cả Lân mày có nhớ không. Mẹ mày ốm nặng, ăn lắm ỉa nhiều. Sáng nào mày cũng bắt anh em con cháu chúng tao phải mang hai giành cứt đi đổ!”[15- tr. 276]. Mẹ mày ở đây có nghĩa là cụ bà Hàn Bằng và cũng chính là bà nội của Túy. Còn đây là lời tố của một đứa con bất hiếu ở xã bên với chính người bố của mình:
“Mày có biết tao là ai không?
- Dạ, thưa con biết ạ. Ông là con của tôi, do vợ con ngủ với con mà sinh ra ông ạ”
Mày có nhớ ngày còn bé, tao chuyên trốn học đi chơi, mày đánh tao, bắt tao đi học không?
- Dạ có
Do đó tao mới thành người có học và có việc làm, không bị nghèo khổ và để bây giờ tao không được trở thành bần cố nông như mọi người. Đó là điều mày làm khổ tao!Mày có biết không?”[15- tr. 275].
Không còn gì có thể táng tận lương tâm hơn những lời tố kia. Không chỉ có những người nông dân ít học quanh năm chân lấm tay bùn mà còn có cả những con người có học, có tri thức. Tất cả đều “cạn tàu ráo máng” với nhau. Người ta sẵn sàng chứng minh lòng trung thành của mình với Đảng bằng cách xử lý chính những người trong gia đình, trong họ hàng của mình. Con tố cha, cháu tố bác, những giá trị đạo lý luân thường nay đã bị chính những kẻ được cho là trí thức kia làm đảo lộn. Tình người dường như không còn giữ được vị trí của nó trong suy nghĩ cũng như trong hành động của tất cả những người dân làng Thông này.
Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma miêu tả cuộc đấu địa chủ cụ Cố Đại mà người đấu tố chính là con trai và con dâu của cụ. Cuộc đấu tố được diễn ra ngay trong sân nhà Vũ Đình Đại. Mở đầu là hình ảnh:“Vợ Phúc cầm cái liềm nhảy choi choi trước mặt những kẻ bóc lột, cái mỏ liềm cứ mổ trước mặt Vũ Đình Đại, vừa mổ chị vừa kể tội bọn chúng đã bóc lột đè nén mình ra sao”[62- tr. 22]. Còn đây là màn đấu tố giữa ông Phúc và ông Đại, bố ruột của Phúc:
“- Địa chủ Đại, mày có biết tao là ai không? Ông bố đã trả lời thế này:
- Dạ thưa ông tôi có biết ông, vì tôi đã trót đẻ ra ông!
Đồng chí Hùng cường đang ngồi bàn chủ tọa phủ chiếc chăn hoa, liền đập bàn đánh rình, đứng dậy:
- Địa chủ Đại không được ăn nói xỏ xiên! Đây chính là bằng chứng ngoan cố của giai cấp bóc lột.
- Đả đảo tên địa chủ Vũ Đình Đại xỏ xiên! Một thanh niên cốt cán liền hét lên, thế là tất cả ầm ầm như vỡ chợ:
- Đả đảo!Đả đảo!”[62-tr. 22-23].
Mãi cho đến sau này người dân làng Giếng Chùa vẫn không thể quên được những câu đối đáp của bố con ông Đại – Phúc trong buổi đấu tố ấy.
Hay câu chuyện trong tác phẩm Thời của thánh thần của tác giả Hoàng Minh Tường. Kỳ Quặc (Kỳ Cục) là đứa trẻ bị bỏ rơi, được ông bà Cử Phúc đem về nuôi và xem như con ruột, bình đẳng với các anh em khác, thậm chí còn được ưu tiên hơn vì sự bất hạnh của mình. Cách mạng ruộng đất diễn ra đã làm đảo lộn trật tự đạo đức gia đình và xã hội. Ông Cử Phúc bị dân làng đem ra đấu tố. Kỳ Quặc bị dân làng xúi dục nên đã đứng lên tố cáo cha nuôi của mình là một địa chủ ác ôn. Những lời tố của đứa con nuôi khiến ông Cử Phúc vô cùng đau lòng. Và cuối cùng ông đã phải treo cổ tự tử giữa nhà. Cái chết của ông đã làm rung động cả làng Động, làm cho Kỳ Quặc thức tỉnh, ăn năn hối lỗi. Sau này, Kỳ Quặc chính là người gìn giữ tông đường giòng họ