Tấm lòng khoan dung, độ lượng giữa con người với con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) góc nhìn trực diện về cải cách ruộng đất qua nước mắt một thời của nguyễn khoa đăng (Trang 51 - 54)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Tấm lòng khoan dung, độ lượng giữa con người với con người

Nước mắt một thời không chỉ có những đau thương mất mát, những bi kịch tình yêu mà ở đó còn thấp thoáng đâu đó tấm lòng bao dung, độ lượng giữa con người và con người. Người chị dâu chót có mang với Đội Khoảnh vì xấu hổ nên đã phải bỏ làng ra đi, nay đem con cháu về xin nhận họ hàng được “tôi” và gia đình rộng lòng tha thứ và đón nhận như là con cháu trong nhà. Những đau thương mất mát mà những kẻ độc ác, tàn bạo như Kền gây ra không chỉ dừng lại sau khi cách mạng ruộng đất kết thúc. Mà những đau thương ấy còn âm ỉ, dai dẳng cho đến cả những thế hệ sau. Tội ác ấy chẳng thể nào tha thứ được. Dù rất đau lòng nhưng với một tấm lòng bao dung độ lượng “tôi” đã gạt bỏ tất cả hận thù năm xưa để tha thứ cho chính kẻ đã gây ra đau khổ cho gia đình mình. Cái nhìn đầy bao dung, độ lượng ấy trước hết được thể hiện qua lời trăng trối của nhân vật Én với “tôi”: “Đọc anh, nhất là đọc những gì anh viết về một quá khứ đau buồn, em sáng ra một điều là anh không hề có ấn tượng nặng nề, không hề hằn học, cay cú với những biến cố làm gia đình anh tan nát. Trái lại, anh còn tỏ ra thông cảm, độ lượng khi gọi đó là “Nước mắt một thời”, là “Cơn sốt vỡ da” hoặc nữa là “Bão năm Mùi””[15-tr. 289].

Những câu nói nhân vật “tôi” nói với con cháu mình ở cuối tác phẩm chính là giá trị lớn nhất của tác phẩm: “Thưa anh chị em và các cháu yêu quý. Biến cố Cải cách ruộng đất xảy ra đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ rồi. Cái gì đã qua thì cho nó qua đi. Ngay ngày ấy Đảng cũng sớm nhận ra những sai lầm do biến cố ấy đem lại và đã có chính sách sửa sai triệt để. Với biến cố ấy, nếu gia đình chúng ta là nạn nhân thì ông Kền đây cũng là một nạn nhân không hơn không kém. Anh chị em con cháu chúng ta hãy thương lấy để ông ta được sống thanh thản những năm tháng cuối đời”[15-tr. 297].

Khi con người ta biết tha thứ, tâm hồn sẽ thanh thản hơn rất nhiều. Có lẽ đó chính là cách lựa chọn tốt nhất để cuộc sống của tất cả mọi người trở nên nhẹ nhàng thanh thản hơn.

Những kết quả mà cách mạng ruộng đất đạt được là không thể phủ nhận nhưng những hậu quả mà nó để lại cho nhân dân lại không phải ít. Những mất mát đổ vỡ làm đảo lộn các giá trị xã hội, tình yêu trở thành bi kịch. Nước mắt một thời chứa đựng một câu chuyện đầy đau thương mất mát của một thời u mê, đố kị, ganh ghét, những giá trị đạo đức bị phá nát khiến con người sẵn sàng lôi nhau xuống vực thẳm đau thương. Nhưng đọng lại trong câu chuyện ấy chính là lòng bao dung độ lượng của con người. Sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm một thời để đem lại sự thanh thản trong tâm hồn. Chính điều ấy đã làm lên giá trị cho Nước mắt một thời.

Tiểu kết chương 2

Nguyễn Khoa Đăng viết về Cải cách ruộng đất bằng chính sự trải nghiệm của bản thân, thấu hiểu được nỗi đau của con người. Bằng phong cách viết tự nhiên, giàu chi tiết, ngôn từ gần gũi, giản dị của một con người có vốn sống quá ư tiềm tàng, trọng lẽ phải, Nguyễn Khoa Đăng đã nói lên được một sự thật mà từ trước tới nay ít người dám nói. Những đau thương mất mát ấy là quá lớn, những tội ác của những kẻ cố ý làm sai tinh thần của cuộc cải cách là không thể kể xiết. Biết bao con người đã bị tước đi quyền sống, biết bao giá trị đạo đức mà cha ông nghìn năm dựng xây và giữ gìn đã bị phá hủy chỉ trong một biến cố không dài. Đối với những con người đã từng trải qua biến cố cách mạng ấy, những nỗi ám ảnh kinh hoàng của mất mát đau thương, của những bi kịch tình yêu và của những oán hận vẫn luôn in hằn trong kí ức, lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống của họ. Nhưng đằng sau đó lại chính là lòng vị tha, bao dung của con người đối với những kẻ đã từng gây ra những mất mát

ấy. Đó là tiếng nói nhân đạo và mới mẻ xuất phát từ trái tim của một người nghệ sĩ. Chúng ta không nên cứ mãi nhìn về nó như là một sự đau thương mất mát mà hãy nhìn nó như là một bài học kinh nghiệm cho sự nghiệp xây dựng đất nước mai sau. Để rồi những sai lầm của cách mạng ruộng đất ấy sẽ chỉ là “Nước mắt một thời” mà thôi.

Chương 3

NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT CỦA NGUYỄN KHOA ĐĂNG TRONG “NƯỚC MẮT MỘT THỜI”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) góc nhìn trực diện về cải cách ruộng đất qua nước mắt một thời của nguyễn khoa đăng (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)