Khái niệm trần thuật và điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) góc nhìn trực diện về cải cách ruộng đất qua nước mắt một thời của nguyễn khoa đăng (Trang 54 - 59)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Khái niệm trần thuật và điểm nhìn trần thuật

1. Trần thuật là một thuật ngữ thuộc chuyên ngành Lí luận văn học. Trần thuật vừa là phương thức vừa là đặc trưng quan trọng không thế thiếu đối với loại tác phẩm tự sự, đặc biệt là tiểu thuyết. Có rất nhiều khái niệm về trần thuật. Xin được trích dẫn một số khái niệm tiêu biểu về vấn đề này:

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Trần thuật là phương diện cấu trúc của tác phẩm tự sự, thể hiện mối quan hệ chủ thể - khách thể trong loại hình nghệ thuật này. Nó đánh dấu sự đổi thay điểm chú ý của ý thức văn học từ hệ thống sự kiện thắt nút, mở nút sang chủ thể thẩm mĩ của tác phẩm tự sự”[26-tr. 248].

Giáo trình Lí luận văn học do Trần Đình Sử (chủ biên) cũng đã đưa ra cách hiểu về khái niệm trần thuật:“Trần thuật là kê, thuyết minh, giới thiệu về

nhân vật, sự kiện, bối cảnh trong truyện. Trần thuật là hành vi ngôn ngữ kể, thuật miêu tả sự kiện nhân vật theo một thứ tự nhất định ”[51-tr. 121].

Cũng bàn về khái niệm trần thuật, tác giả Lại Nguyên Ân trong 150 thuật ngữ văn học cho rằng:“Trần thuật bao gồm cả việc kể và miêu tả các hành động và các biến cố trong thời gian, mô tả chân dung hoàn cảnh của hành động, tả ngoại hình, tả nội thất... bàn luận, lời nói bán trực tiếp của nhân vật. Do vậy, trần thuật là phương thức chủ yếu đế cấu tạo các tác phẩm tự sự hay của người kể chuyện, tức là toàn bộ văn bản tác phẩm tự sự, ngoại trừ lời nói trực tiếp của các nhân vật” [5-tr. 321].

Như vậy, trần thuật là một vấn đề được rất nhiều các nhà nghiên cứu quan tâm. Từ những quan điểm đó, tựu chung lại ta có thể hiểu: Trần thuật là giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả nhân vật, hoàn cảnh, sự việc theo cái nhìn nhất định. Nghệ thuật trần thuật là phương diện cơ bản của phương thức tự sự. Nó đánh dấu sự đổi thay điểm chú ý của ý thức văn học từ hệ thống sự kiện thắt nút, mở nút sang chủ thể thẩm mĩ của tác phẩm tự sự. Thể hiện sự sáng tạo độc đáo của nhà văn.

Trần thuật có vai trò rất quan trọng trong thể loại tự sự. Trần thuật là yếu tố tạo nên diện mạo của một tác phấm tự sự ở cả hai phương diện nội dung và hình thức. Đặc biệt đối với tiểu thuyết, trần thuật đóng vai trò như là thủ pháp nghệ thuật cốt yếu. Nhờ nó mà nhà văn thể hiện được cá tính sáng tạo cũng như tài năng của mình. Trong xu hướng cách tân nghệ thuật tự sự đương đại, trần thuật trở thành yếu tố quan trọng bậc nhất, là chìa khóa mở ra những cánh cửa cho tác phẩm. Chính vì vậy, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của trần thuật trong thể loại tự sự nói chung và tiểu thuyết nói riêng.

2. Nghiên cứu về tự sự, ngoài việc tìm hiểu nghệ thuật kể, cũng như những yếu tố bên trong đã chi phối đặc điểm và chất lượng của các ngôi kể, còn phải chú ý đến điểm nhìn trần thuật.

Điểm nhìn trần thuật là một khái niệm khá quen thuộc trong nghiên cứu nghệ thuật của các tác phẩm tự sự.

Có rất nhiều từ ngữ khác nhau để gọi tên thuật ngữ này như: điểm nhìn tâm lí, quan điểm trần thuật, phương thức trần thuật, cái nhìn trần thuật…

Ở Anh và Mĩ khái niệm “điểm nhìn” đã được đề cập từ khá sớm. Theo M.H. Abrahams (Từ điển thuật ngữ văn học - A Glossary of Literature terms):

“điểm nhìn chỉ ra những cách thức mà một câu chuyện được kể đến - một hay nhiều phương thức được thiết lập bởi tác giả bằng ý nghĩa mà độc giả được

giới thiệu với những cá tính, đối thoại, những hành động, sự sắp đặt và những sự kiện mà trần thuật cấu thành trong một tác phẩm hư cấu”.

Điểm nhìn có một số khái niệm khác như sau:

Trong cuốn Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Trần Đình Sử cho rằng:

“Điểm nhìn văn bản là phương thức phát ngôn trình bày, miêu tả phù hợp với cách nhìn, cách cảm thụ thế giới của tác giả. Khái niệm điểm nhìn mang tính ẩn dụ, bao gồm mọi nhận thức, đánh giá, cảm thụ của chủ thể đối với thế giới[52].

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Khoảng cách, góc độ của lời kể đối với cốt truyện tạo thành cái nhìn”[26].

Henny James trong Nghệ thuật văn xuôi (1884) lại cho rằng: Điểm nhìn trần thuật chính là “mô tả cách thức tồn tại của tác phẩm như một hành vi mang tính bản thể hoặc một cấu trúc hoàn chỉnh, tự trị đối với cá nhân nhà văn”[34].

Như vậy ta có thể hiểu rằng, điểm nhìn trần thuật là vị trí quan sát, góc nhìn, tầm nhận thức để khám phá sự kiện, sự việc và con người của người kể chuyện. Cái nhìn nghệ thuật của nhà văn về cuộc sống, con người thể hiện rõ nhất thông qua điểm nhìn trần thuật.

Điểm nhìn biểu hiện qua các phương tiện nghệ thuật, lời văn, giọng điệu, ngôi kể…Nó cung cấp cho người đọc cái nhìn sâu vào cấu tạo nghệ thuật của tác phẩm để từ đó phát hiện ra đặc điểm phong cách của nhà văn.

Về việc phân loại điểm nhìn trần thuật các nhà khoa học cũng có rất nhiều cách phân loại:

Theo cuốn Lý luận văn học do Phương Lựu chủ biên, điểm nhìn trần thuật được phân chia trên 2 bình diện:

Xét về trường nhìn trần thuật được chia làm 2 loại: trường nhìn nhân vật và trường nhìn tác giả

Trường nhìn nhân vật: Người trần thuật nhìn sự vật hiện tượng theo quan điểm của một nhân vật trong tác phẩm. Trần thuật theo điểm nhìn nhân vật mang đậm sắc thái tâm lý, chất trữ tình hoặc châm biếm do sự chi phối trực tiếp bởi địa vị, hiểu biết, lập trường của nhân vật.

Trường nhìn tác giả: Người trần thuật đứng ngoài câu chuyện để quan sát đối tượng. Kiểu trần thuật này mang tính khách quan tối đa cho lời trần thuật.

Xét về bình diện tâm lý, có thể phân biệt thành điểm nhìn bên trong và điểm nhìn bên ngoài

Điểm nhìn bên trong: Người trần thuật nhìn thấy đối tượng qua lăng kính của một tâm trạng cụ thể, dễ dàng tái hiện diễn biến trong tâm hồn nhân vật.

Điểm nhìn bên ngoài: Chủ thể trần thuật giữ cái nhìn khách quan từ vị trí bên ngoài có khoảng cách nhất định với đối tượng trần thuật.

Theo Trần Đình Sử, điểm nhìn trần thuật được chia làm 5 loại:

Điểm nhìn của người trần thuật, tác giả hay của nhân vật trần thuật và của nhân vật; Điểm nhìn không gian, thời gian; Điểm nhìn bên trong, bên ngoài; Điểm nhìn đánh giá tư tưởng, cảm xúc; Điểm nhìn ngôn từ: bản thân mỗi hình thức ngôn từ đã mang một quan điểm

Trong sách Lý luận văn học – mấy vấn đề cần suy nghĩ của tác giả Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương, điểm nhìn trần thuật được chia làm 3 loại:

Trần thuật khách quan: Sự trần thuật được tiến hành từ điểm nhìn của một người quan sát đứng bên ngoài đối tượng. Chủ thể trần thuật kể lại tất cả những gì anh ta chứng kiến. Anh ta chỉ kể lại những điều đã chứng kiến hoặc trực tiếp cảm thấy, nghe thấy. Qua đó chúng ta thấy được tính khách quan rõ

nét không mang sắc thái tâm lý riêng của nhân vật. Ở điểm nhìn này chủ thê rtraafn thuật ở ngôi thứ ba.

Trần thuật chủ quan: Sự trần thuật được tiến hành từ điểm nhìn của một nhân vật. Bằng cái nhìn “nhân vật hóa”, người trần thuật tái hiện lại thế giới, diễn biến các sự việc, sự kiện, cảnh vật, môi trường, vừa có khả năng đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật. Ở điểm nhìn này, người trần thuật cũng đồng thời là một nhân vật trong tác phẩm, đứng ở ngôi thứ nhất và tái hiện lại những gì bản thân nhân vật trải qua.

Trần thuật theo phương thức liên chủ quan: Sự trần thuật được tiến hành từ điểm nhìn bên trong của nhân vật nhưng không thuần nhất nhân vật mà đan cài xen kẽ giữa các nhân vật. Điểm nhìn giữa các nhân vật trồng chéo lên nhau, hòa trộn với nhau tạo nên một hợp thể phức điệu của các điểm nhìn không chỉ trong toàn bộ tác phẩm mà trong từng hoạt động của nhân vật.

Theo Lí thuyết tự sự học, Thái Phan Vàng Anh đã tổng hợp tạm chia ba kiểu nhìn (gắn với ba kiểu điểm nhìn) phổ biến ở người kể chuyện: Thứ nhất, nhìn “từ đằng sau” (gắn với điểm nhìn toàn tri) khi người kể chuyện có vai trò toàn năng với cái nhìn thông suốt tất cả.

Thứ hai, nhìn “từ bên trong” (gắn với điểm nhìn bên trong) khi người kể chuyện là nhân vật. Người kể chuyện hạn chế điểm nhìn tự sự của mình vào điểm nhìn của nhân vật. Người kể chuyện theo điểm nhìn bên trong thường có hai dạng cơ bản:

Dạng thứ nhất, người kể chuyện xưng tôi, tự thú nhận, bộc bạch về mình, kể về những tâm trạng, cảm giác mà mình đã nếm trải. Ví dụ: Bộ ba tự truyện của Macxim Gorki.

Dạng thứ hai, người kể chuyện đứng ở ngôi thứ ba từ bên ngoài nhưng lại tựa vào điểm nhìn nhân vật để kể. Do vậy mà khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật bị thu hẹp.

Thứ ba, nhìn “từ bên ngoài” (gắn với điểm nhìn bên ngoài): Người kể chuyện theo điểm nhìn bên ngoài hoàn toàn xa lạ với thế giới mà anh ta kể, anh ta chỉ có thể kể về những hành động, lời nói thể hiện ra bên ngoài nhân vật chứ không có khả năng am hiểu nội tâm của họ.

Căn cứ vào các cách phân loại trên và căn cứ vào tác phẩm, chúng tôi nghiên cứu điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm Nước mắt một thời theo hướng điểm nhìn của nhân vật trần thuật và của nhân vật.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) góc nhìn trực diện về cải cách ruộng đất qua nước mắt một thời của nguyễn khoa đăng (Trang 54 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)