CHƯƠNG 2 : CÁC TẦNG LỚP CON NGƯỜI TRONG PHÓNG SỰ
3.2. Bút pháp tả chân khi phản ánh con người của phóng sự 1932 – 1945
3.2.2. Bút pháp tả chân khi kể sự việc, tả cảnh
Con người luôn được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể, gắn liền với những sự việc cụ thể. Bởi vậy, để làm nổi bật hình ảnh con người với những đặc điểm về đời sống vật chất, đời sống tinh thần, nhà văn luôn chú ý miêu tả các yếu tố thuộc về cảnh vật, sự việc có liên quan. Ở thể loại phóng sự - một thể loại yêu cầu cao về tính hiện thực, bút pháp tả chân được sử dụng không chỉ trong khi miêu tả con người mà còn lúc dựng cảnh, kể sự việc.
Các nhà phóng sự giai đoạn 1932 – 1945 cũng đồng thời là người viết truyện ngắn, tiểu thuyết nên trong tác phẩm của họ, những cảnh tượng, sự việc được tái hiện không chỉ mang tính hiện thực mà còn thể hiện quan điểm đánh giá và tấm lòng nhân đạo sâu sắc. Người đọc thấy rõ được thái độ bất bình và cả sự thương xót của nhà báo Tam Lang khi dựng lại cảnh tương anh Tư S bị tra tấn: “Giam tôi vào một gian buồng chật hẹp, trói ghì cánh khuyủ tôi lại, bốn
thằng nó chuyền tay nhau đấm đá. Đá chán, chúng nó thay lượt nhau túm tóc lật ngửa mặt tôi lên mà vả, rồi lại buộc thừng vào chỗ trói cánh khuỷu, mà giật tôi lên xà nhà… [45; tr. 55]. Ta cũng hiểu được nỗi bất bình của Vũ Trọng
Phụng khi tưởng tượng cảnh con sen Đũi bị mụ chủ giữ chân cho thẳng oẳn “hiếp lấy hiếp để” và sự thương xót của ông khi dựng lại cảnh tượng thảm hại của những con sen, thằng quýt ở gác xép của hàng cơm tồi tàn: “Bọn cơm thầy
cơm cô nằm ngổn ngang như lợn cả, bọn đực nằm phía bên kia, bọn cái nằm phía bên này. Bốn thằng nhỏ bằng chạc tuổi tôi với ba con sen, một con độ lên mười, một con 15, còn một con nữa trông đã đứng tuổi [47; tr. 733] hay ở cái
sân sau “Chung quanh chỉ có những bức tường cao ngất ngưởng, bẩn thỉu vào
bậc nhất với những mái nhà đen sì sì. Bên tay phải chỗ chúng tôi nằm là một cái chuồng gà, trước mặt là một cái cống nước đen…và bên tay trái là cái chỗ cho người tứ xứ ra ngoài trút những cái thừa trong bụng” [47; tr. 753]. Lối so sánh,
miêu tả của nhà văn hiện thực đến mức táo bạo, cho thấy một hiện thực chua chát, nhức nhối rằng những con sen, thằng nhỏ…sống cuộc sống không đáng của một con người. Ở Ngoại ô, Ngõ hẻm, nhà văn Nguyễn Đình Lạp cũng đã lấy đi nhiều nước mắt của độc giả khi miêu tả rất thực những cảnh tượng thương tâm, cho thấy nỗi khổ nhục của dân nghèo ngoại ô trong công cuộc làm ăn khó nhọc. Và đây là cảnh bác Vuông gái bị khám xét vì giấu thịt lậu đem vào thành phố bán:
“- Cởi áo ra để quan khám
Người đàn bà giơ bàn tay lóng cóng hất mớ tóc ra sau lương. Một khuôn mặt tái nhợt hiện ra. Đôi mắt ướt nhòe những lệ lơ láo nhìn một cách sợ sệt, lo ngại, van xin…
- Kìa, mày không cởi hả? […]Vút!
- Úi giời ơi! Con xin cởi! Con xin cởi. [….]- Cởi nốt cái quần ra!
Mấy ngón tay lóng cóng lại vội vã tìm đầu giải rút: Phịch!
Người đàn bà khóc nấc lên một tiếng. Hai bàn tay vội vã xoắn lấy cái cặp quần. Nhưng bàn tay to lớn của một người đàn ông đã thò vào, nắm lấy, giằng ra. Cái quần tụt xuống đất…Cái bụng chửa phơi ra” [45; tr. 422, 423].
Từng cử chỉ, thái độ của nhân vật đều được ghi lại chân thực trong cảnh tượng trên, một ông quan và mấy tên lính đánh và khám xét một người đàn bà yếu đuối, vừa lo lắng, sợ sệt vừa xấu hổ, nhục nhã. Phóng sự Ngoại ô của Nguyễn
Đình Lạp vì thế không chỉ có giá trị phản ánh mà còn khơi dậy cảm xúc chân thành trong lòng độc giả trước hiện thực xã hội, có tính chất tiểu thuyết.
Với những hiện tượng là tệ nạn xã hội, các cây bút phóng sự khi dựng cảnh, kể việc một cách chân thực còn gián tiếp thể hiện thái độ phê phán, không đồng tình. Cảnh sát phạt nhau trên chiếu bạc của tay cờ bạc bịp, cảnh ăn chơi hoan lạc thâu đêm suốt sáng của thanh niên trụy lạc hay cảnh “ra quân” bắt bớ, bòn rút trong tháng củ mật của lính lệ đều được các nhà văn tái hiện chân thực, giúp độc giả có thể hình dung rõ nét như đang xem một thước phim tư liệu.
Bút pháp tả chân khi miêu tả con người, tả cảnh và kể sự việc chính là một công cụ đắc lực để các nhà văn phản ánh chân thực nhất con người Việt Nam những năm 30, 40 đầu thế kỉ XX. Bút pháp tả chân thể hiện được tài năng quan sát, sử dụng ngôn ngữ cũng như quan điểm sáng tác của tác giả, nói như Vũ Trọng Phụng thì mỗi tác phẩm là một “sự thật ở đời”.