Sử dụng khẩu ngữ và tiếng “lóng” đặc thù của từng tầng lớp con người

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) con người trong phóng sự việt nam giai đoạn 1932 1945 (Trang 102 - 106)

CHƯƠNG 2 : CÁC TẦNG LỚP CON NGƯỜI TRONG PHÓNG SỰ

3.3. Ngôn ngữ thể hiện con người trong phóng sự 1932 – 1945

3.3.1. Sử dụng khẩu ngữ và tiếng “lóng” đặc thù của từng tầng lớp con người

Phóng sự đòi hỏi sự chính xác, cho nên các tác giả rất dụng công quan sát, tìm hiểu về ngôn ngữ đặc thù của từng tầng lớp người mà họ điều tra. Khẩu ngữ và những tiếng “lóng” mang tính riêng biệt đã được sử dung một cách phù

hợp và điệu nghệ trong các tác phẩm, khiến cho thế giới nhân vật hiện lên chân thực nhất.

Khẩu ngữ là những từ ngữ thông tục trong đời sống thường ngày.Việc đưa khẩu ngữ vào tác phẩm thể hiện quan niệm của người cầm bút: phản ánh chân thật nhất đời sống sinh hoạt, suy nghĩ, xúc cảm của con người. Đây là cách để nhà văn kéo cái điều đang được diễn tả đến gần hơn với thực tế. Không chỉ vậy, sử dụng các từ ngữ văng tục, chửi rủa rất gai góc ấy, các tác giả phóng sự có lẽ còn thể hiện sự phẫn uất, căm hờn trước những hiện tượng “khốn nạn”, “chó đểu” đang diễn ra trong xã hội hay sự đau xót trước nỗi thống khổ của người dân lao động. Theo khảo sát của chúng tôi, các tác giả Tam Lang, Nguyễn Đình Lạp, Vũ Trọng Phụng đã sử dụng số lượng khẩu ngữ khá lớn trong các phóng sự của mình và hầu hết là khẩu ngữ thành thị, khẩu ngữ nghề nghiệp. Khảo sát sơ lược, chúng tôi thấy trong Cạm bẫy người có 135 khẩu ngữ, Cơm

thầy cơm cô có 108 khẩu ngữ, Kĩ nghệ lấy Tây có 55 khẩu ngữ, Tôi kéo xe có

69 khẩu ngữ được sử dụng.

Trong khi sử dụng ngôn ngữ đời thường, các tác giả phóng sự cũng rất chú ý sử dụngcác lớp khẩu ngữ tự nhiên phù hợp với từngloại nhân vật. Có lời nói mộc mạc đầy vẻ cầu cứu của cô bé nhà quê ra thành thị đi làm thuê để kiếm miếng ăn: “Khốn nạn, nào tôi có tài giỏi gì mà dám nếm cơm ai! Tôi chỉ cầu vào một cửa đãi mình cho vừa phải,đừng bắt mình làm quá sức, đừng đánh chửimình như cái nhà tôi vừa bỏ đi thì khốn nạn, nó năm cha ba mẹ quá, ai cũng đánh chửi được mình. Người này sai chưa xongviệc này, người khác đã lại ới. Thành ra mình là cái thân ba vạ” [47; tr. 735]. Có khẩu ngữ nhuốm màu thị thành của những me Tây đã già đời trong nghề: “Việc gì mà sợ? Có đánh

chết cái ba vạn? Bọn họ toàn một thứ tính mềm nắn rắn buông mà thôi. Đã có lần bị đấm một cái mà tát lại được ba cái đấy. Giơ dao lên dọa, gái này cũng

tốc phăng ngay cai cooc xe lên.” [47; tr. 715].Việc sử dụng các loại khẩu ngữ

chỉ chứng tỏ sự am hiểu kĩ lưỡng của tác giả đối với từng đối tượng được miêu tả mà còn góp phần đắc lực trong việc cá tính hóa ngôn ngữ nhân vật, phản ánh đúng cuộc sống con người. Chẳng hạn, chỉ mấy lời “Giời đất cha mẹ ơi! Sao lại không thích! Đang phải hầu hạ người ta mà nhẩy tót lên ngang hàng với người ta” [47; tr. 751] đã phần nào lột tả được sự chua ngoa, ranh mãnh, lọc

đời của nhân vật cái Đũi trong phóng sự Cơm thầy cơm cô.

Bên cạnh khẩu ngữ, tiếng “lóng” là lớp từ ngữ được các nhà văn sử dụng để làm nổi bật đặc điểm của một hạng người nào đó trong xã hội. Tiếng lóng là những từ được dùng để gọi tên các sự vật, hiện tượng vốn đã có tên gọi, được một tập thể xã hội nhất định sử dụng nhằm mục đích muốn che giấu những điều mà người nói không muốn cho người ngoài tập thể biết hoặc muốn bộc lộ cái vẻ riêng của tập thể mình hoặc bộc lộ thái độ một cách mạnh mẽ. Qua khảo sát của chúng tôi, tiếng “lóng” được sử dụng khá nhiều trong các phóng sự của Tam Lang, Nguyễn Đình Lạp và nhất là Vũ Trọng Phụng.

Những tiếng “lóng” được sử dụng rất tiêu biểu, đặc trưng cho từng lớp người cụ thể. Viết về những cu-li xe kéo, Tam Lang đã không bỏ qua những tiếng lóng mà có lẽ chỉ dân phu xe mới hiểu như “xe xoay”, “xe măng ca”. Anh Tư S khi đã trở thành một “con cáo áo xanh”, biết kết hợp làm phu xe với làm ma cô dắt gái thì đã tỏ ra rất thạo nghề khi sử dụng những tiếng lóng chỉ các thủ đoạn dắt gái kiếm tiền như “láu”, “bịp”, “khấu bộp”, “thuốc”, “bắt

chợp”, “đánh nhựa” [45; tr. 59-60]. Viết về lối sống trụy lạc của thanh niên

Hà Thành, nhà văn Nguyễn Đình Lạp cũng tỏ ra rất “hiểu đời” qua các tiếng lóng của riêng lớp người này như “kẻng”, “thó”, “ngôn”, “rượu Ngũ Phúc”,

“rượu riêm”, “rượu thuận”, “rượu nghịch”, “rượu quay thìa”, “gỡ gạc”, “chếch một đôi”, “tế phệ”… Về việc sử dụng các tiếng lóng thì tài năng nhất

phải kể đến Vũ Trọng Phụng, bậc đại tài trong nghệ thuật tả chân. Là một nhà văn xông xáo và sẵn sàng dấn thân vào hiện thực để tìm hiểu, điều tra, ông đã có trong mình một kho tiếng lóng đặc trưng của mỗi lớp người, khiến họ hiện

lên trên trang giấy thật như ngoài cuộc đời. Tác phẩm của ông vì thế có giá trị xã hội sâu sắc, có thể trở thành một cuốn tư liệu tham khảo đầy sức thuyết phục về một “nghề” nào đó rất đặc biệt mà ông điều tra: nghề cơm thầy cơm cô, nghề mãi dâm, nghề lấy Tây, nghề cờ bạc bịp. Đọc Kỹ nghệ lấy Tây, ta biết đến

những tiếng lóng rất riêng của “làng me” như “gãi về mặt cảm tình”, “thợ”, “cẩu hợp”, “ tuých”, “chạy làng”, “mẫu hàng”… Đến Lục sì, ta lại được biết

thêm về các tiếng rất “chuyên” của nghề làm đĩ: “cầm giấy”, “xé giấy”, “bò

lạc”, “chắc chắn”, “làm việc”. Đặc biêt, trong phóng sự Cạm bẫy người, mật

độ các tiếng lóng xuất hiện dày đặc trên trang giấy, khiến người đọc có cảm giác như mình đang lạc giữa một sòng bạc thực và mình là mòng cho kẻ khác đang dàn trận để săn. Theo khảo sát của chúng tôi, xuyên suốt toàn thiên phóng sự này, Vũ Trọng Phụng đã sử dụng 231 tiếng lóng, trong đó có những tiếng chỉ tên ngón nghề lừa bịp như “giác mùi”, “giác bóng”, “đòn Vân Nam”, “đòn

ve”, “đòn kim”, “đòn cắm đinh”, “đòn thủy ngân”…, có những tiếng chỉ con

bạc như “mòng”, “mồi”…, tiếng lóng chỉ tay bạc bịp như “ông trùm”, “tạ” ,

“người giữ két”, “người hướng đạo”, “bộ tham mưu”,… Số lượng các tiếng

lóng cũng như việc sắp đặt chúng vào những vị trí rất phù hợp đã chứng tỏ Vũ Trọng Phụng là một nhà phóng sự đại tài, đã điều tra tìm hiểu rất kĩ lưỡng về đối tượng phản ánh. Ta hiểu vì sao ông được mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc”.

Chính lớp từ ngữ xã hội đặc biệt này đã trở thành phương tiện nghệ thuật ngôn từ đặc sắc giúp các nhà văn phản ánh chân thựcthực đời sống xã hội Việt Nam những năm kinh tế khủng hoảng 1929-1933. Một xã hội bất chấp đạo lí, đầy những bất công, giả dối, không còn gì là chuẩn mực thì ngôn ngữ chuẩn mực làm sao có thể phản ánh trung thực đời sống của xã hội? Tiếng lóng là phương tiện nghệ thuật tối ưu để vạch trần bản chất của con người và xã hội đương thời, tiếng lóng là phương tiện trung thực để nói lên tiếng lòng của tác

giả trước thực trạng đau buồn của xã hội Việt Nam những năm 30, 40 của thế kỉ XX.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) con người trong phóng sự việt nam giai đoạn 1932 1945 (Trang 102 - 106)