Du lịch văn hóa – lịch sử

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển du lịch sinh thái phường long phước quận 9, tp HCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (Trang 72 - 76)

6. Kết cấu của đề tài

3.1.4.4. Du lịch văn hóa – lịch sử

Đây là một trong những nhu cầu tìm hiểu của du khách khi đến một vùng miền, nhằm thỏa mãn tính hiếu kỳ, học hỏi nâng cao nhận thức và giao lưu văn hóa của du khách. Với điều kiện sông nước, kênh rạch hiện có, Long Phước rất phù hợp để tái hiện những khu vực có đặc thù kiến trúc cảnh quan tương đồng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, để xây dựng mô hình nhà ở, sinh hoạt theo phong cách người dân Nam bộ. Đây là một điểm tham quan khá hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách miền Trung, miền Bắc và khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra để làm phong phú hơn chuyến tham quan của du khách và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thì kết hợp với các khu di tích các công trình tin ngưỡng văn hóa trên địa bàn Quận 9 để giới thiệu cho du khách về lịch sử kháng chiến, tinh thần yêu nước, đời sống văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân Quận 9 nói chung và phường Long Phước Nói riêng.

Cụ thể như các công trình, di tích :

-Căn cứ Vùng Bưng Sáu Xã, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, tại Khu vực cánh Nam của huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định cũ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta đã xây dựng hình thành tại đây khu căn cứ kháng chiến để đấu tranh chống lại thực dân Pháp và Mỹ; giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo đánh giá, căn cứ vùng Bưng 06 xã cũng như căn cứ Củ Chi cả về quy mô cũng như mức độ ác liệt của nó, thì hai căn cứ chỉ có sự khác biệt đó là: địa đạo Củ Chi có hệ thống địa đạo chìm dưới lòng đất, còn căn cứ vùng Bưng 06 xã có hệ thống căn cứ hầm, hào dưới tàu dừa nước nằm dọc các tuyến sông, rạch. Hiện nay, Quận 9 đang tiến hành đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử vùng Bưng 06 xã với tổng diện tích 13 ha, trong đó gồm có các hạng mục như: Nhà truyền thống, khu vực tái hiện các

khu căn cứ, các hầm chiến đấu đặc trưng của căn cứ. . . Đến nay, Nhà truyền thống đã hoàn thành đưa vào sử dụng khu tái hiện các căn cứ, các hầm chiến đấu đang được triển khai.

-Bót dây thép, gồm 3 căn nhà biệt lập, kiến trúc kiểu Tây phương, tường gạch, mái ngói, nằm trên khu đất cao thuộc phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay Phòng Văn hóa Thông tin tạm thời quản lý. Lúc bấy giờ nơi đây là căn nhà xây kiên cố, dùng làm trạm phát và nhận tin từ Pháp, nên có tên gọi là nhà Dây thép. Trạm cho xây 3 cột ăng-ten cao 70 đến 80m. Mỗi chân cột dựng trên một bệ xi măng cao 1m, ngang độ 2m, trồng 4 trụ sắt bắt chéo dần lên. Hàng đêm, chóp mỗi cột có đèn tín hiệu mãi tận chợ Thủ Đức vẫn thấy. Trạm do 2 người Pháp thiết kế là: Hermall và Steru. Đến năm 1945, Nhật chiếm nhà Dây thép, dựng thêm cột ăng-ten, nhưng không bao lâu, Pháp trở lại, nhà Dây thép đổi chủ do tên Trung úy Pirolet chỉ huy. Tại đây chứng kiến những tội ác của thực dân Pháp đồng thời là nơi nói lên ý chí quật cường, tinh thần yêu nước quả cảm của quân và dân Huyện Thủ Đức ngày xưa, nay là Quận 9.

-Tham quan các chùa, đình, với quần thể chùa, đình tọa lạc ở những vị trí đẹp, sẽ thu hút một lượng du khách có nhu cầu về tâm linh, viếng cảnh chùa. Việc liên kết giữa các điểm tham quan, điểm du lịch sinh thái và các chùa đình sẽ tạo thành một tour du lịch, góp phần đa dạng hóa dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch trên địa bàn như, Chùa Hội Sơn, là một Khu di tích, danh thắng nổi tiếng, tọa lạc tại

Phường Long Bình, Quận 9. Chùa nằm trên đồi cao sát với sông Đồng Nai, diện tích khuôn viên chùa khoảng 20.000 m2. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XVIII với kiến trúc, cảnh tượng Phật cổ, chùa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện nay, vào các dịp mồng 1 và 15 hàng tháng, trung bình chùa đón tiếp 2.000 Phật tử, khách hành hương tới tham quan. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Tương truyền chùa do Thiền sư Khánh Long dựng vào thế kỷ XVIII. Sách Gia Định Thành Thông Chí giới thiệu về chùa: “Ở đuôi dãy núi Châu Thới về phía Bắc, nứt ra một chi chạy đến địa phận thôn Long Tuy, rồi nổi lên gò cao bằng phẳng rộng rãi; ở trên núi có hang hổ và suối nước, dân chúng ở

dọc theo đó. Trên núi có chùa Hội Sơn là chỗ Thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành...” Đến năm 1927, ông Cả Nguyễn Minh Giác đã trùng kiến ngôi chùa. Năm 1938, Sư bà Thích nữ Như Thanh tổ chức trùng tu lớn. Chùa đã trải qua 11 đời trụ trì: Tổ khai sơn Khánh Long, Tổ Đức Hội, Tổ Chân Truyền, Tổ Huệ Tấn, Tổ Đạt Biên, Tổ Như Quới, Tổ Hồng Đạo, Ni sư Thích Nữ Như Thanh, Sư cô Thích Nữ Như Tiên, Đại đức Thích Nhật Phát. Thầy Thích Thiện Hảo, trụ trì ngôi chùa hiện nay đã tổ chức trùng tu nhiều đợt. Chùa có 6 bức hoành phi cổ, trong đó có bức ghi chữ “Vạn Đức Hồng Danh” do vua Khải Định tặng. 30 pho tượng cổ, tượng đức Phật A Di Đà cao 1,2m, tượng Chuẩn Đề cao 1m và tượng Tiêu Diện cao 1m được tạo tác từ thế kỷ XVIII. Chùa có hai khu tháp mộ cổ. Bên phải là tháp của Tổ Khánh Long và Tổ Chân Truyền. Bên trái là tháp của Tổ Huệ Tấn. Chùa Phước Long

(người dân thường gọi là chùa Châu Đốc 3) là thắng cảnh nổi tiếng hiện nay. Chùa tọa lạc tại Cù lao Bà Sang, nằm giữa sông Đồng Nai thuộc địa bàn Phường Long Bình, Quận 9, diện tích khuôn viên chùa khoảng 10.000m2. Hiện nay, khu vực này nằm trong tổng thể 400 ha thuộc Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc. Chùa Phước Long được xây dựng năm 1965, khi mới hình thành ngôi chùa khá nhỏ. Tuy nhiên, qua nhiều lần trùng tu, đặc biệt là mới đây chùa đã được xây dựng mới với kết cấu 100% bằng gỗ căm xe với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Hàng năm, chùa Phước Long đón tiếp hàng trăm ngàn người tới tham quan, nghỉ ngơi, tịnh tâm. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết mỗi ngày chùa đón tiếp trên dưới 10.000 người. Chùa Bửu Long là ngôi chùa phái Nam Tông, tọa lạc trên đỉnh đồi Dù thuộc địa bàn Phường Long Bình, Quận 9, diện tích khuôn viên chùa khoảng 40.000 m2. Năm 2009, chùa được trùng tu xây dựng mới với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Đặc biệt tháp chùa là phiên bản tháp chùa nổi tiếng của Thái Lan do công chúa Thái Lan tặng. Chùa Bửu Long có cảnh quan đẹp, quy mô hoành tráng nhưng yên tĩnh là điểm tham quan khám phá thú vị của khách du lịch. Chùa Phước Tường, Chùa tọa lạc ở số 13/32

ấp Tăng Phú, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP. Hồ Chí Minh. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, Chùa được Thiền sư Linh Quang – Phật Chiếu khai sáng vào năm 1741. Ban đầu, chùa ở gần chợ Tăng Nhơn Phú. Đến năm 1834, chùa được dời về

địa điểm hiện nay. Khuôn viên chùa khá rộng, Diện tích đất vào khoảng 3 ha, Ngôi chùa nép mình dưới nhiều cây cao, mặt hướng về phía Tây. Trước chùa là điện thờ Di Đà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí) xây dựng năm 1997, tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên được Long Vương che phủ. Bên trái có tháp Hòa thượng Thích Bửu Ngọc. Bên phải có tháp thờ Đại Tứ Trí (Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, Bồ tát Phổ Hiền) và tháp mộ các vị Tổ: Diệu Minh, Pháp Ấn. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo, được Bộ văn hóa thể thao du lịch công nhân là di tích vật thể kiến trúc cấp quốc gia.

Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh, Đình xây theo hướng Đông Bắc. Theo các cụ già trong làng, đình còn có tên là đình Tăng Phú. Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX, khi thôn Phong Phú có tên trong tổng An Thủy, hạt Sài Gòn năm 1880. Nơi đây đã hai lần bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1948 và năm 1968. Năm 1969, đình được xây dựng lại, năm 1975, xây thêm nhà võ ca, nhà để xe và tu tạo lại một số chỗ. Đình được xây trên một khu đất rộng, cao hơn mực nước biển 10,5m, với diện tích 4.620m², có tường xi măng bao bọc. Có hai lớp cổng, lớp thứ nhất có hai cửa ở hai bên, ở giữa có bình phong gắn hình hổ đắp nổi. Cổng thứ hai là tam quan. Giữa tam quan thờ Bạch Mã. Sau tam quan là bàn thờ Thần Nông. Trước tam quan là cột cờ, là nhà võ ca đối diện với chính điện, cách sân rộng 10,5m là tiền điện, tiền điện bày năm lư hương lớn bằng xi măng sơn nhũ giả đồng. Đình là nơi nuôi dấu cán bô cách mạng, cung cấp lương lực cho cách mạng trong quá trình kháng chiến chống Pháp và Mĩ. Hiện Đình Phong Phú được ghi nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

-Khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, là dự án của Thành phố có quy mô diện tích 400 ha, tọa lạc tại Phường Long Bình, Quận 9. Đây là dự án kết hợp tổng thể giữa tái hiện nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của các dân tộc Việt Nam với các khu vực vui chơi, giải trí để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Hiện nay, giai đoạn đầu của dự án đã hoàn thành, đó là khu chính điện đền thờ các vua Hùng. Hàng năm, khu đền tưởng niệm đón tiếp hàng chục ngàn người tới

tham quan. Hiện nay, Ban quản lý đền thường xuyên đón tiếp các đoàn du lịch đến tham quan dã ngoại, cắm trại, vui chơi tại đây.

-Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, nằm ở cửa ngõ Ðông Bắc Sài Gòn, được xây dựng cải tạo với mục đích kết hợp du lịch với giáo dục văn hoá lịch sử, nguồn cội dân tộc. Là một vùng đất đồi hình chữ S, rộng 200.000m2, chính giữa có dòng suối với nhiều mạch nước ngầm uốn lượn chảy xuyên qua suốt chiều dài 2.000m. Suối Tiên gồm 12 khu vực chính, vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Hàng năm Suối Tiên đón từ 1,5 - 2 triệu lượt khách đến tham quan. Nét độc đáo của Suối Tiên là tính chất lịch sử, huyền thoại, các cụm mô hình ở đây được lấy ý tưởng từ các truyền thuyết, huyền tích của dân tộc và tư tưởng đạo học phương Ðông. Với mơ ước về sự thái bình, an khang thịnh vượng, những nhà thiết kế xây dựng Suối Tiên thành 4 vùng đất theo truyền thuyết về tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng, mỗi vùng đất ứng với 1 hành trong ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa lấy thổ làm trung tâm. Vẻ đẹp nên thơ kết hợp hài hòa, khéo léo giữa thiên nhiên và nhân tạo, giữa kiến trúc cổ và kiến trúc hiện đại, không khí trong lành nơi đây đã khiến cho Suối Tiên thực sự trở thành khu nghỉ ngơi, giải trí hấp dẩn của người dân thành phố cũng như của du khách từ xa đến.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp phát triển du lịch sinh thái phường long phước quận 9, tp HCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)