Cảnh sắc thiên nhiên vùng Tây Bắc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du ký về vùng tây bắc việt nam nửa đầu thế kỷ XX (Trang 36 - 41)

7. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Cảnh sắc thiên nhiên vùng Tây Bắc

Thiên nhiên xuất hiện trong du ký Tây Bắc nửa đầu thế kỷ XX chủ yếu là khung cảnh núi rừng còn nhiều hoang sơ. Vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của núi rừng, thửa ruộng bậc thang, những con đèo như bất tận. Cùng khám phá những Mộc Châu, Mai Châu, Chapa (Sapa), Laokay (Lào Cai)... Thiên nhiên vẫn thôi thúc con người hăng hái đi và khám phá chúng, mang vào những nơi hoang sơ nhất hơi thở của con người, dấu chân của kẻ hành du. Vùng núi Tây Bắc luôn để lại ấn tượng khó phai nhạt với bất cứ ai.

Sapa - Lào Cai là một trong những điểm nghỉ mát nổi tiếng của Việt Nam từ xưa, hiện đang được nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm tới khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên ở vùng đất này. Là người từng thân thuộc với miền đất Lào Cai - Tây Bắc, Nhật Nham Trịnh Như Tấu trong du ký Sau tám năm trở lại thăm Laokay đã ghi lại nhiều trang viết sinh động về cảnh sắc và quá trình hiện đại hóa nổi tiếng Sapa nói riêng và vùng biên viễn Laokay nói chung giữa thời thực dân. Theo tác giả vẻ đẹp Sapa thời xưa như: “Một cảnh tượng phì nhiêu đẹp đẽ của một vùng trời biên

viễn. Chapa ngày nay đã mở mang hơn trước bội phần. Nhiều túp gianh đã nhường chỗ cho các nhà gạch đồ sộ nguy nga; nhiều bãi cỏ rậm đã thành vườn rau xanh tốt; nhiều đường nhỏ hẹp nay đã mở rộng thênh thang và giải rựa sạch sẽ" [51].

Vẻ đẹp huyền bí của rừng núi Sapa được Nhật Nham ví như "như rừng

bên đường có suối chẩy róc rách. Đi trong rừng này, tưởng tượng như Lưu Thần, Nguyễn Triệu lạc lối Đào nguyên. Cảnh trí tịch mịch, thông reo, nước chẩy, “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”" [51]. Tiếp đến ta được chiêm ngưỡng

cảnh thác Bạc (Cascade d’argent): "Thác này cách Chapa non ba cây số, ở

ngay chân núi Fan-si-pan là một dẫy núi cao nhất Bắc kỳ (3.142m). Thác trên cao đổ xuống tóe ra nghìn tấm bạc. Cảnh trí thiên nhiên cực kỳ xảo diệu" [51].

Thác Bạc từ lâu đã nổi tiếng là một thắng cảnh của đất Sapa. Ngọn thác này đổ từ độ cao hơn 100m từ đỉnh núi xuống. Đứng dưới chân thác Bạc, nhìn ngắm đất trời bao la và những rặng núi hoành tráng xa xa, ta bỗng có cảm giác mình thật nhỏ bé trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên.

Cầu Mây - cây cầu làm bằng mây vắt ngang qua dòng suối Mường Hoa thơ mộng "Tôi trèo lên cầu, vịn lan can, đi lại rún rẩy, xem ra vững vàng, rồi

đứng giữa cầu, ngắm trông phong cảnh có bề thanh thanh; chung quanh một vùng non nước bao la; thỉnh thoảng nghe tiếng vượn hót, chim kêu. Đối cảnh, sinh ra mến cảnh, tôi ngẫu hứng ngâm rằng:

Đoái trông phong cảnh hữu tình, Giang sơn có ý đợi mình điểm tô…

Và tác giả "tức cảnh sinh tình" đề thơ vịnh:

"Trên cây lơ lửng mấy đường dây, Tục gọi Cầu Mây, chắc hẳn đây.

Mấy dịp gỗ ngang xen mắt cáo, Đôi hàng song thẳng néo cành cây.

Ven sông cỏ mọc, màu xanh ngắt, Mặt nước mây in, sắc trắng phây. Khen chiếc cầu này ai khéo bắc, Biết bao qua lại khách Đông, Tây!..." [51].

Kết thúc hành trình khám phá mà theo tác giả là "hứng vị", làm nên một thiên du ký. Cảnh đẹp và tình người miền đất Lào Cai đã để lại ấn tượng sâu

sắc trong lòng Nhật Nham Trịnh Như Tấu qua lời kết khi tác giả tạm biệt miền biên viễn: “Ngồi trên xe, nhìn hai bên rừng núi, trông xuống dòng sông Thao

tưởng nhớ đến những ai ở lại, có mấy câu lục bát ghi tình: Đường về nhớ cảnh Lão Nhai,

Nhớ non Đỗ Lĩnh nhớ người hôm xưa! Non sông còn đó chơ chơ,

Hỏi người non nước bây giờ nhớ chăng? Cuộc đi chơi Laokay tuy ít ngày mà nhiều hứng vị" [51].

Cùng cảm nhận về vẻ đẹp của Sapa, tác giả Nguyễn Tụng trong bài ký

Hai ngày dưới bóng núi Fan-si-Pan. Theo tác giả đó là "một cuộc (du lịch) bằng mộng", được sống như "cảnh tiên trong cõi tục": Chiều ấy là "một chiều đầu tiên mà tôi được trông ngắm cảnh hùng vĩ của giải Fan-Si-Pan xanh đen cao ngất. Núi rừng trùng điệp, những giòng nước trong như hổ phách đang như rì rào nói chuyện với viên đá cuội rêu xanh.Trên sườn núi cao bát ngát rải rác vài ba biệt thự âm thầm kín đáo, xinh đẹp như những thiếu nữ đường rừng. Sau những làn sa - mù phớt mỏng như những giải voan, mấy cành đào trĩu quả giám hồng, như những cặp má đào của mấy thiếu nữ tươi xinh điểm qua một làn phấn mỏng" [84]. Thưởng thức vẻ đẹp của Thác Bạc, "khách cao hứng có thể tưởng tượng được mình đang ở thác

Niagara bên Mỹ, hay suối Vichy của Pháp, và khi đi chơi Lô suối Tòng khách sẽ tưởng mình là đang đi trong rừng Boulogne" [84].

Trong Một buổi săn đêm của tác giả Lan Khai, cảnh rừng núi buổi đêm

hiện lên mờ ảo, kỳ dị và mộng mị nhưng tuyệt đẹp. “Chừng sáu giờ rưỡi chiều,

mặt trời đã lặn. Trên khúc sông Lô vắng ngắt, một chiếc nan thủng thẳng ngược giòng. (…) bơi thuyền ngược sông để đón ngọn gió mát chiều hôm. Mặt sông bao la, phẳng lặng như mặt hồ. Mặt tay tả, xa xa một dải núi đồi thu bóng nổi rõ trên nền trời vàng lạt. Sắc mây rạng rỡ bao nhiêu, vệt núi càng âm thầm bấy nhiêu. Ngoảnh trông tay hữu thì rừng cây rậm rạp, theo lườn núi chạy hun

hút lên không. Trừ một vài chỗ còn sót ánh sáng, hết thảy đều um tùm, hiểm ác, đầy những kẻ kinh hoàng của đêm tối. Tít tắp đằng phía tây, chỗ mà giòng sông như nối liền mây, tà dương còn để lại một cảnh rực rỡ lạ thường, gồm đủ các màu vàng già, đỏ sẫm, cánh sen, hạt lựu, bạch yến, tàn hương, phản chiếu xuống nước thành những vệt ngũ sắc lung lay, chắp nối nhau, đan dạm nhau như một con đường sà cừ biến chuyển, con đường nối cái hiện thực của cuộc đời với cõi thơ, cõi mộng... ” [24]. Đây có thể coi là hình thức du lịch sinh thái

hay một chuyến du ngoạn giải trí thú vị. Cuộc đi săn đêm ấy tuy không được con thú nào nhưng lời văn tả cảnh cho thấy con người hòa đồng với thế giới tự nhiên và đầy tính hấp dẫn, ly kỳ, phiêu lãng.

Bài ký Tiếng cồng vang chốn rừng xanh của Nhị Lang, dù chỉ là du ngoạn bằng phương tiện thô sơ - xe đạp, nhưng tác giả và những người bạn cũng cho độc giả thấy những vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa theo dọc cung đường từ Hà Đông lên Lương Sơn - Hòa Bình "lúc mặt trời đã xuống khuất dãy núi xanh rì

đằng chân trời, lúc lũ chim đã ríu rít kéo nhau về tổ, thì con đường lên lối Lương - sơn vắng tanh, lạnh ngắt lúc nhá nhem tối nom như một cái giải trắng giải xuyên thủng qua những đồn điền cà - phê bao la ở hai vệ đường" [28] và

những buổi tối thứ bảy "…con đường vắng vẻ ấy bỗng trở nên tấp nập, náo

nhiệt, mà cái không khí êm đềm lặng lẽ của chốn rừng xanh ở miền Lương-sơn này cũng thấy xôn xao, tưng bừng" [28].

Thiên nhiên núi rừng Tây Bắc không chỉ đẹp, kỳ bí, huyền ảo mà còn hùng vĩ, dữ dội. Tây Bắc nổi tiếng những cung đường đèo vô cùng hiểm trở và khó đi, tuy nhiên chúng lại có sức hút kỳ lạ với phong cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Đến đây bạn sẽ có được cảm giác hòa mình với thiên nhiên, sông suối, rừng núi, những bản làng .... Cuộc hành trình từ Laokay đi Lai châu của Đặng Trọng Khang, dù đang thực thi nhiệm vụ dẫn giải các tù nhân đi từ Lao kay đến Lai Châu nhưng tác giả cũng kịp ký họa những "điều trông thấy" trong chuyến hành trình: "Từ đây tôi không còn được trông thấy những con đường to rải

nhựa nữa, không còn được nghe những tiếng dịu dàng người đồng bằng nữa, mà chỉ thấy đường núi trập trùng, chỉ nghe những tiếng Mán, Thổ líu lô" [19].

Gác lại cuộc sống dưới đồng bằng với những điều kiện thuận lợi, tác giả đặc tả vẻ đẹp hùng vĩ của Tây Bắc: "Hôm thứ bẩy, chúng tôi đi dốc Séo lèng, nghe nói

đây là con đường đáng ghê sợ nhất (…). Bỏ Phong - thổ đi được đi được độ ba cây thì đến chân núi. Cố sức leo, leo được đến đâu lại thấy càng cao đến đấy, lởm chởm một thứ đá nhọn tai mèo, đường gấp như thước thợ (…). Cố đi qua quả núi này, lại tiếp luôn sang trái núi khác" [25].

Trong Miền thượng du Bắc Kỳ, Ngọc Ước trong chuyến du hành từ kinh thành Hà Nội, qua Hà Đông, Lương Sơn, Hòa Bình ngược thẳng Chobo để đi Lai Châu cho ta thấy thiên nhiên Tây Bắc qua những cung đường uốn lượn "dốc lên khúc khủy, dốc thăm thẳm" vô cùng nguy hiểm: "Tôi có thể giới

thiệu với các bạn, con đường này là đường thông thương nguy hiểm nhất ở miền thượng du phía Bắc, phần đường núi xiêng tạc chênh vênh, vừa nhỏ hẹp vừa bằng đất thịt, lại thêm bao nhiêu dốc cao ngoắt ngoéo, quanh co. Phần cầu quán còn nhiều cái bắc bằng tre, rải lên trên một lớp phên nứa phủ qua một lớp đất sét mỏng. Nhất là về mùa mưa, nước trên núi tràn xuống luôn luôn làm trôi phăng những quãng đường dài xuống vực sâu hàng mấy trăm thước; có khi đất núi sụp đem theo cả những vừng cây cổ thụ nằm trùm trên đường bịt cả lối đi" [90]. Tuy nhiên, khi đã vượt qua được những

cung đường như vậy thì vẻ đẹp vùng rừng núi Lai Châu lại hiện ra với diện mạo và cảm xúc khác hẳn: "các bạn đã nhận thấy phong cảnh tịch mịch của

rừng núi, khoan khoái với làn không khí thanh thanh". Và cuộc sống của

người đồng bào nơi đây hiện ra thật thi vị "Dựa theo hai bên vệ sông, những

mái nhà sàn lợp lá, lộ ra thời cùng là thụt vào trong những rừng cây thưa thớt, lưng dựa vào sườn non; ấy là những gia đình người Thổ đen ở rải rác từng chòm một, mỗi chòm là một làng, gọi là bản” [90].

Cảnh sắc thiên nhiên vùng Tây Bắc với núi non hùng vĩ, những cung đường uốn lượn, bản làng hiền hòa thơ mộng, ruộng bậc thang kỳ ảo, những nụ cười rạng rỡ... làm nên một Tây Bắc vô cùng quyến rũ. Thôi thúc người đọc muốn đi để được khám phá và trải nghiệm sự khó khăn, khắc nghiệt nhưng nên thơ và trữ tình này.

Bên cạnh vẻ đẹp rừng núi vùng Tây Bắc, thiên nhiên vùng Đông Bắc được các tác giả du ký tập trung ký họa gắn liền với các địa danh nổi tiếng. Hồ Ba Bể, trong con mắt tưởng tượng của Nhật Nham thật đẹp đẽ và nên thơ. Cảnh sắc ấy

“Thực là một nơi đại thắng cảnh, không bút nào tả xiết, trong nước Việt Nam”

[52]. Cảnh vật thiên nhiên hiện lên đẹp như một viên ngọc giữa rừng xanh. Chuyến đi đến Quảng Yên khiến Nhàn Vân Đình đầy hứng khởi khi khám phá một mảnh đất với quang cảnh tươi đẹp đầy sức sống và giàu giá trị văn hóa. Nữ thi sĩ Vân Đài đến với đảo Các Bà, Thuyết Hải với non nước Cao Bằng… Du ký nửa đầu thế kỷ XX viết về biển đảo cũng được các tác giả khám phá, cảm nhận như trong chuyến thăm Cảnh vật Hà Tiên của Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiêm,

hòn đảo Phú Quốc xinh đẹp qua Chơi Phú Quốc của Mộng Tuyết,...

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du ký về vùng tây bắc việt nam nửa đầu thế kỷ XX (Trang 36 - 41)