Sử dụng yếu tố chính luận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du ký về vùng tây bắc việt nam nửa đầu thế kỷ XX (Trang 73 - 78)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Sử dụng yếu tố chính luận

Du ký là một thể loại có tính chất giao thoa với chính luận. Sự hiện diện của chính luận cũng là một trong những yếu tố làm nên cái đặc sắc cho du ký. Chính luận, theo Lại Nguyên Ân thì đó là “một thể loại văn học, một thể tài

báo chí; thường nêu các vấn đề có tính thời sự về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, văn học, tư tưởng, v.v... Mục tiêu của chính luận là: tác động đến dư luận xã hội đương thời, đến lối sống, đến các quyền lợi xã hội hiện hành; đề xuất việc củng cố hoặc thay đổi chúng cho phù hợp với quyền lợi giai cấp hoặc với lí tưởng xã hội, đạo đức...” [3]. Giống như các thể tài khác thuộc thể

loại ký, du ký nói chung không chỉ biết dừng lại ở việc miêu tả hiện thực một cách đơn thuần, du ký biết chọn lựa trong cái hiện thực hỗn độn những con người, sự việc điển hình, tiêu biểu khiến cho tác phẩm trở nên sâu sắc hơn. Hiện thực cuộc sống chính là nguyên cớ, là tác nhân để nhà văn trăn trở, suy ngẫm, bày tỏ thái độ, thể hiện cảm xúc. Nếu như trong truyện ngắn và tiểu thuyết, yếu tố chính luận, nếu có, thường được bộc lộ gián tiếp qua ngôn ngữ nhân vật, thì trong du ký yếu tố ấy được bộc lộ trực tiếp qua ngôn ngữ của cái tôi trần thuật. Sự xuất hiện của yếu tố chính luận là một biểu hiện của tâm thế cái tôi cá nhân của con người hiện đại.

Chính luận trong du ký viết về vùng Tây Bắc thể hiện qua quan điểm, thái độ, cách đánh giá trước những những vấn đề quan tâm của các tác giả.

Trăn trở về thời cuộc đang "kèn cựa, vật lộn với cuộc sống" của xã hội Bắc Kỳ thời bấy giờ, tác giả Ngọc Ước viết: "Khi chúng ta đương khổ tâm lo

sống trong lúc hoàn cầu chiến tranh, tôi liền tưởng đến riêng một phương trời mà ở đó dân cư đang thung dung sống một cuộc đời giản dị, bằng phẳng với non cao rừng rậm, không vướng mình vào ly tấc của vật chất xa hoa.

Bằng một tâm hồn thơ ngây, an phận trong cuộc sống cần lao, lấy sự làm việc bằng thú vui duy nhất, bọn người đó hầu như lãng quên tất cả một xã hội bên cạnh họ đương kèn cựa, vật lộn với cuộc sống ngày nay, xã hội ấy

là đất Bắc Kỳ" [90]. Trong hoàn cảnh chiến tranh, những trí thức đương thời

không thể không bày tỏ quan điểm, thái độ của mình về sự tồn vong của dân tộc, về những vấn đề chính trị, xã hội. Tác giả chọn du ký lên miền thượng du Bắc Kỳ làm cuộc hành trình nhập thế. Không hẳn là sự trốn chạy thực tại mà là tìm về nơi rừng núi Tây Bắc để khám phá những nét văn hóa độc đáo, cuộc sống đời thường của người Thổ, đó cũng là một cách bày tỏ tình yêu quê hương đất nước của tác giả.

Có khi là nỗi lòng u hoài của kẻ lữ thứ, khi sự nghiệp chưa thành, thân thế vẫn chưa yên. Nhật Nham Trịnh Như Tấu, sau tám năm trở lại Lào Cai, đứng trên bờ sông Nam Thi: "đoái trông non nước xa xa, bồi hồi cảm tưởng,

lại nghĩ đến mới ngày nào cũng đứng đây, cũng vẫn giang sơn này, mà tám năm như chớp mắt, tựa chim bay! Tháng ngày lần nữa, cảnh vật đổi thay mà riêng mình sự nghiệp chưa thành, nhân đó lòng buồn man mác, càng sinh vô hạn cảm" [51]. Đặng Trọng Khang có những phút thảnh thơi sau khi làm

xong nhiệm vụ, gặp buổi hoàng hôn thơ thẩn một mình bên góc rừng hiu quạnh vẫn hướng: "con mắt đăm đắm trông về đường xưa lối cũ, thì tưởng chừng cũng không khỏi chút trạnh lòng: thương tình li biệt, xót nỗi tha hương. Lại nghĩ đến công cuộc mình làm, ngoài hai mươi năm gần đây nào tình, nào cảnh, trên cõi trần tang hải, mấy thu rồi thân thế vẫn chưa yên…"

[25]. Nguyễn Tụng cũng bày tỏ niềm tiếc nuối: "Hai ngày dạo chơi ở Chapa

rất chóng. Tôi chưa kịp nhớ tới đã được đi những đâu, và còn thiếu những chỗ nào chưa đi được, và khi về đến Hanoi, tôi còn cố hỏi thăm các bạn đã được lên Chapa vãn cảnh, cho biết những nơi nào tôi chưa được đặt dấu chân. Ngày về đã định, tôi sắp sửa hành lý ra về mà lòng bồi hồi thổn thức như sắp phải từ giã một người tình" [84]. Có thể thấy, dù có là cuộc đi du

ngoạn thưởng lãm, hay đang trong hành trình công vụ, thì các tác giả du ký vẫn trăn trở về trách nhiệm đối với cuộc đời, trách nhiệm với giang sơn gấm

vóc. Đó cũng chính là lý tưởng sống của con người bao đời nay, nó không thể mai một mà luôn được tiếp bước, duy trì và phát huy.

Ngoài việc miêu tả những điều mắt thấy tai nghe trên con đường du lãm, các tác giả du ký còn dành nhiều tâm huyết để suy ngẫm, bàn luận về mọi khía cạnh của đời sống của người dân vùng cao.

Bàn về những đặc điểm của dân tộc thiểu số sống ở vùng rừng núi Tây Bắc, tác giả Nhật Nham bày tỏ quan điểm khi chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của người Mèo "Trông xuống dưới, ruộng xếp từng hàng trên sườn núi,

nhà của người Mèo làm ngay bên cạnh để coi lúa". Hay khi được biết người

Mèo dùng vỏ cây rừng để tạo ra trang phục "Xem thứ vải gai này mới biết

người Mèo cũng có óc tinh anh, có thể dùng các thứ của Hóa công đã dành riêng cho họ ở miền rừng núi. Mỗi khi cần đến một thứ gì, họ lại nghĩ ra các phương pháp mà ta cho là xảo diệu". Họ còn biết cả vận dụng sức nước để

vận hành cối giã gạo "Cạnh nhà là suối, có cối giã gạo, dùng sức nước vận

động. Đó cũng là một cái trí thức tinh khôn của dân thượng du vậy". Tác giả

đánh giá, họ là một "giống người đủ nghị lực, kiên nhẫn, kinh nghiệm và

khéo léo" [51]. Ngày nay, trang phục quần áo của người Mèo chủ yếu may

bằng vải tự dệt. Trang phục của họ rất sặc sỡ, đa dạng, hội tụ đầy đủ những nét tiêu biểu, đặc trưng của đồng bào và đậm đà tính cách tộc người trong tạo hình và trang trí với kỹ thuật đa dạng.

Cùng quan điểm khi nhìn nhận về các giá trị văn hóa của người vùng cao, Nhị Lang trong Tiếng cồng vang chốn rừng xanh cũng nhận thấy vẻ đẹp

mà theo tác giả là "bình dân" của các cô Mường vùng Lương Sơn - Hòa Bình và cho đó là một cảnh tượng "lạ mắt": "Đây mới tới những cái đẹp "Bình dân"!

Các cô Mường con nhà dân giã, lòa xòa trong các bộ áo màu trắng, kéo nhau đi trên chiếc cầu, vừa đi vừa đánh cồng. Một cảnh tưởng lạ mắt cho các bạn đường xuôi vừa còng lưng đạp xe từ Hà Đông tới!" [28].

Vùng Tây Bắc có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi dân tộc lại có các đặc trưng khác nhau, riêng ở Lào Cai, theo ghi chép của Nhật Nham đã có: "nào Thổ, nào Nhắng, nào Nùng, nào Xá, nào Tu Dí, nào Phá Dí, nào Phù

Lao, nào Quý Châu, nào Lự, nào Lào, nào Mèo, nào Mán,..". Do giáp với

Trung Hoa, vậy nên người dân vùng này ảnh hưởng văn minh Trung Hoa. Tác giả có cái nhìn khái quát, tổng kết những đặc trưng về cuộc sống, con người nơi đây: "Có văn hóa, có võ công, có lễ nghi, có trật tự, biết sinh nhai một cách êm

đềm, biết chế tạo những khí mãnh và các thức ăn mặc, thích thú đoàn viên, không ham danh lợi, ngày tháng chỉ bạn cùng non nước. Thực là một dân tộc tự ta cho là trong cảnh Đào nguyên vậy" [51]. Theo ký giả Đặng -v- Đàm

trong bài Khảo cứu về người Mường ở tỉnh Hòa Bình thì: "có nhiều giống người ở như Thổ, Mán, Mèo, nhưng đông nhất là người Mường. Người Thổ thì ở về châu Đà Bắc chia làm hai thứ; Thổ trắng và Thổ đen (Tày khảo, Tầy đàm) nhưng đều nói một thứ tiếng. Tiếng nói giống như tiếng người Lào, người Siêm. Có thứ chữ riêng gọi là chữ Thổ, viết rất tiện. Người Thổ không mấy người là không biết. Phong tục gần giống người Mường. Người Mán hay Giạo có 7 thứ: 1. Mán Caolan, 2. Mán Quần bộc hay mán đất; 3. Mán quần trắng hay mán sơn tỉ trắng; 4. Mán tỉ đen; Sơn trang; 6. Mán Đại- bản; 7. Mán Tiểu bản hay Mán đeo tiền. Các giống người Mán ở khắp các ngọn núi cao có suối nước. Tiếng nói theo chữ Hán, gần giống tiếng Tàu. Người Mèo tức là giống Cao- mên thủa trước, có 3 thứ Mèo trắng, Mèo đen và Mèo đỏ, phân biệt bởi lối vận mặc, tiếng nói gần giống Tàu" [10].

Để can dự trực tiếp vào tiến trình đời sống, người viết ký chẳng những phải "nhập cuộc", mà nhiều khi còn phải “dấn thân” để chiếm lĩnh hiện thực. Các tác giả du ký cũng không ngần ngại công khai bày tỏ quan điểm, cách nhìn nhận của riêng mình về tất cả các vấn đề trong cuộc sống.

Trong du ký Sau tám năm trở lại thăm Laokay, Nhật Nham không ít lần bày tỏ quan điểm khen, chê một cách thẳng thắn. Chứng kiến sự chuyển

mình của Lao Kay, tác giả không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến con người nơi đây biết vận dụng sức nước của Thác Bạc để tạo ra nguồn điện phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày: "Sở Công chính đã khéo lợi dụng sức nước

thác này để quay các động cơ, đặt máy điện ngay chân núi Fan-si-pan. Điện đồn Chapa do sức ‘‘than trắng’’ ở thác Bạc sản ra, sức sáng không kém gì điện các nơi. Thực là một sáng kiến rất lợi cho nền kinh tế miền này" [51].

Tuy nhiên, khi tới Chấn Phòng, cách Laokay một con sông, xưa kia kinh tế rất phát triển nhưng sau tám năm trở lại, tác giả thẳng thắn nhận định "Chấn

Phòng nay bớt sự phồn thịnh, việc thương mại xem ra đình trệ, so với tám năm về trước, rất là kém sút" [51].

Hành trình Đi bên Tàu chơi (Vân Nam- Yunnan-Fou) của tác giả X. Ở

trạm dừng chân tại Lao Kay, giáp ranh với nước Tàu, tác giả bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình trước tệ nạn cờ bạc nơi đây: "Tới đây xe lửa đậu ngủ, còn

mình ngủ đã rồi bây giờ thức dậy đặng coi thành thị phố xá chơi. Xuống xe rồi vô nhà hàng ăn cơm cho vững gối. Lúc nầy đã tối rồi mà trong thành lại sáng vì các đường đều có thắp khí như Sài Gòn vậy. Chỗ này còn thuộc về nhà nước Langsa, chưa tới Tàu; mà thành Lao Kay nầy đã giáp danh nước Tàu rồi. Ăn cơm đoạn đi dạo coi thấy thiên hạ ăn uống, chơi bời, nhứt là cờ bạc. Nhập vô đám nào cũng không đặng; ăn thì mình ăn rồi, cờ bạc thì không biết đánh lại xứ lạ không dám đánh ai phần thì mình ít, nên thôi chịu dở, rút về nhà hàng tạm nghỉ lấy sức sáng ra đi nữa" [91].

Với cách bày tỏ quan điểm hết sức rõ ràng như thế, tác giả du ký đã khẳng định được cá tính độc lập của mình. Như vậy, ngoài việc miêu tả những điều mắt thấy tai nghe trên hành trình du lãm, các tác giả du ký còn dành nhiều tâm huyết để chiêm nghiệm, luận bàn về nhiều khía cạnh của đời sống thời bấy giờ. Có thể nói, việc sử dụng yếu tố chính luận trong trần thuật giúp cho thể loại du ký có được phương thức chiếm lĩnh đời sống linh hoạt và hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du ký về vùng tây bắc việt nam nửa đầu thế kỷ XX (Trang 73 - 78)