Điểm nhìn đa diện đối với hiện thực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du ký về vùng tây bắc việt nam nửa đầu thế kỷ XX (Trang 62 - 65)

7. Cấu trúc luận văn

3.1.1. Điểm nhìn đa diện đối với hiện thực

Các tác phẩm du ký về vùng Tây Bắc khá đa dạng và phong phú, mặc dù mỗi tác phẩm có một cách thể hiện khác nhau, nhưng điểm nhìn trong các tác phẩm này thường tạo ra cái nhìn đa diện đối với hiện thực về thiên nhiên và con người Tây Bắc. Xuất phát điểm của tư tưởng hành trình trong tác phẩm Miền thượng du Bắc Kỳ (Ngọc Ước) là “tạm biệt kinh thành Hà Nội”, để được hòa mình vào thiên nhiên, khám phá văn hóa, đời sống con người vùng Tây Bắc, nơi mà ở đó: “dân cư đang thung dung sống một cuộc đời

vật chất xa hoa”(…)“an phận trong cuộc sống cần lao, lấy sự làm việc bằng thú vui duy nhất, bọn người đó hầu như lãng quên tất cả một xã hội bên cạnh họ đương kèn cựa, vật lộn với cuộc sống” [90]. Với tư tưởng này, điểm

nhìn trần thuật của tác giả hướng vào những hình ảnh cuộc sống đơn sơ với những nét độc đáo trong văn hóa, phong tục tập quán của người dân Tây Bắc. Từ kiến trúc rất đơn sơ trong cách làm nhà, chủ yếu là khai thác từ thiên nhiên, họ sống hòa hợp với thiên nhiên, thuận theo lẽ tự nhiên. Đến những điều độc đáo trong văn hóa tiếp đãi của người Thổ: từ cách rót rượu, hầu rượu của “bông hoa quý phái nơi sơn lâm” kết hợp với việc “vừa uống

rượu cần vừa nghe đàn hát của trai gái Thổ” đủ thấy được những giá trị văn

hóa ẩm thực tinh tế trong văn hóa bản địa.

Cùng điểm nhìn khai thác các giá trị văn hóa, nếu như ở bài ký Cuộc hành

trình từ Laokay đi Lai châu, tác giả Đặng Trọng Khang cho độc giả chiêm

ngưỡng nét đẹp trong trang phục của người Thổ vùng rừng núi Lai Châu: "Đàn

- ông thì mặc quần áo xoàng xĩnh, nhưng đàn bà ăn mặc cầu kỳ lắm. Họ rẽ tóc trần, búi tóc, răng đen có thể xánh với hạt huyền được, phần nhiều hay mặc áo cộc trắng. Kiểu áo nịt, giữa ngực xẻ một đường bằng vãi hay nhiễu đen, có hàng com bướm chạm bạc, thay làm cúc" [25]; Thì tác giả Nhị Lang trong Tiếng cồng vang chốn rừng xanh lại đặc tả cận cảnh vẻ đẹp ngây thơ, trong

sáng của các cô giá Mán, gái Mường vùng Lương Sơn - Hòa Bình: "mặt tròn vành vạnh như mặt trăng, chiếc khăn vuông trắng bao đầu, lộ đôi con mắt đen nháy, cặp răng cũng đen nháy, chiếc yếm thêu căng lấy ngực, lòa xòa trong chiếc xiêm đen, hai tà áo trắng dài rủ xuống quét đất" [28].

Nhật Nham dù chỉ là “Hứng vị!(…)và một mình trên đường với một chiếc

va ly” nhưng "cuộc đi chơi Laokay đủ làm một thiên du ký vậy”. Dù đã từng

đến và giờ là trở lại sau tám năm nhưng những trang ký của tác giả mang lại cho độc giả những kiến thức - hiểu biết về vị trí, địa tầng…, về văn hóa, và những chuyển mình về đời sống kinh tế, xã hội nơi đây. Chẳng hạn đoạn ký

khảo sát mang giá trị dân tộc học: "Laokay giáp Trung Hoa có nhiều thứ thổ

dân: nào Thổ, nào Nhắng, nào Nùng, nào Xá, nào Tu Dí, nào Phá Dí, nào Phù Lao, nào Quý Châu, nào Lự, nào Lào, nào Mèo, nào Mán, vân vân… Mà nhất là người Mán lại chia làm nhiều thứ: Mán Thao (trắng đầu) và Mán Lam Điền (đỏ đầu) chiếm phần đông hơn cả các thứ Mán khác, mà ở lan cả sang địa phận Vân Nam" [51]. Về vị trí địa lý, địa tầng, khí hậu của Sapa: "Chapa là một cái đồn ở phía Tây Nam Laokay, cách tỉnh lỵ 38 cây số và cao hơn mặt bể 1.500 thước tây, khí hậu rất mát mẻ và trong sạch, dân cư khỏe mạnh, ít ốm đau" và thác Bạc (Cascade d’argent), thác này cách "Chapa non ba cây số, ở ngay chân núi Fan-si-pan là một dẫy núi cao nhất Bắc kỳ (3.142m) [51]. Rồi đến sự chuyển mình của Sapa "Chapa ngày nay đã mở

mang hơn trước bội phần". Nhiều nhà gianh đã nhường chỗ cho các công trình đồ sộ nguy nga; nhiều đường nhỏ hẹp nay đã mở rộng thênh thang và hiện đại. Các điểm vui chơi giải trí như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, có cả sòng bài…đặc biệt là những sản vật nổi tiếng thời bấy giờ như Vải của người Mèo, Nấm Sapa, Cải soong Sapa… cũng được tác giả khảo sát và đưa vào bài ký. Đó có thể xem là những tư liệu quý giá, cần được tham khảo.

Đặng -v- Đàm trong bài Khảo cứu về người Mường có ghi chép tỉ mỉ:

"Tỉnh Hòa Bình có nhiều giống người ở như Thổ, Mán, Mèo, nhưng đông nhất

là người Mường. Người Thổ thì ở về châu Đà Bắc chia làm hai thứ; Thổ trắng và Thổ đen (Tày khảo, Tầy đàm) nhưng đều nói một thứ tiếng. Tiếng nói giống như tiếng người Lào, người Siêm. Có thứ chữ riêng gọi là chữ Thổ, viết rất tiện. Người Thổ không mấy người là không biết. Phong tục gần giống người Mường. Người Mán hay Giạo có 7 thứ: 1. Mán Caolan, 2. Mán Quần bộc hay mán đất; 3. Mán quần trắng hay mán sơn tỉ trắng; 4. Mán tỉ đen; Sơn trang; 6. Mán Đại - bản; 7. Mán Tiểu bản hay Mán đeo tiền. Các giống người Mán ở khắp các ngọn núi cao có suối nước. Tiếng nói theo chữ Hán, gần giống tiếng Tàu. Người Mèo tức là giống Cao - mên thủa trước, có 3 thứ Mèo trắng, Mèo đen và Mèo đỏ, phân biệt bởi lối vận mặc, tiếng nói gần giống Tàu" [10].

Trong bài ký Lên Sơn La, Minh Châu cho thấy lịch sử của con đường

Saint Pouloff (đi từ Hòa Bình lên Sơn La). Nếu năm năm về trước đường Saint Pouloff chỉ "đi vừa một cái xe ô-tô nhỏ 4 chỗ ngồi mà chệch tay lái quá hai mươi phân là xe nhào xuống ruộng, thì sau sáu năm đường Saint Pouloff đã "rộng hơn nhiều, ngót một trăm cái cầu băng tre ngày nay đã thấy thay bằng xi mo cốt sắt". Tác giả ghi chép quá trình phát triển của con

đường: "Con đường từ Suối dút lên Sơn la, công trình trong sáu năm trời dài

ba trăm cây số vừa khánh thành năm 1933 (…). Hồi đó tỉnh Sơn la chưa có sở Lục lộ, quan Công sứ Saint Pouloff hợp tác với dân bản xứ đã mất bao công trình mới đắp xong con đường này (…)" [4].

Các tác phẩm du ký về vùng Tây Bắc không đơn thuần là câu chuyện hành trình mà còn chứa đựng trong đó các nguồn tư liệu khác nhau như: văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, khoa học,…. Những bài ký tiêu biểu: Sau tám

năm trở lại Laokay, Khảo cứu về người Mường, Lạc trong giang sơn Đinh, Quách, Đưa các bạn lên thăm đất "núi rừng", Tiếng cồng vang chốn rừng xanh, Cuộc hành trình từ Laokay đi Lai châu… là những tác phẩm đầy ắp thông tin tư liệu về địa chí, văn hóa, lịch sử,… Tác giả không chỉ là người kể chuyện của mình kiểu người thật, việc thật mà đứng ở nhiều góc độ của xã hội để phản ánh hiện thực theo cách riêng của thể loại du ký. Qua các tác phẩm du ký, các tác giả đã phác họa nên một bức tranh toàn diện và có chiều sâu về cuộc sống và con người vùng núi rừng Tây Bắc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du ký về vùng tây bắc việt nam nửa đầu thế kỷ XX (Trang 62 - 65)