Cảm nhận về “những cái khác”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du ký về vùng tây bắc việt nam nửa đầu thế kỷ XX (Trang 51 - 56)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.1. Cảm nhận về “những cái khác”

Đặc trưng của du ký là nói đến sự đi và trải nghiệm. Trong những chuyến đi ấy, cái mới, cái lạ của phong vật, phong tục, con người nơi xứ khác luôn mời gọi bước chân du khách. Sự mở rộng của không gian hành trình, sự kéo dài của thời gian lãng du, khả năng bao quát, nhận thức thực tại chủ yếu phụ thuộc vào ý thức khám phá của nhà du ký. Hơn nữa, văn du ký là loại văn tả cảnh thuật việc. Cảm xúc của người viết cũng bám theo sự, theo việc, tuân theo logic của thực tế. Do đó, sắc thái, cung bậc của cảm xúc là khá đa dạng.

Nguyễn Đức Thang trong Tại rừng Lai Châu có một thứ cây ban đêm sáng như con đom đóm dùng làm thước, ba toong, cán bút, đẽo guốc độ vài

đêm lại mất sáng, tuy bài ký ngắn gọn, chỉ mấy trăm chữ cho thấy một hiện

tượng thiên nhiên lạ lùng, kỳ thú của rừng núi Tây Bắc: "Đó là một hình cao

đến mười thước tây, và to độ một người ôm: trông giống hệt như một cây có gốc, thân, cành lá. Cả hình cây sáng ngời như kết bằng hàng vạn con đom đóm. Trên ngọn cây có những chấm đen động đậy" [74]. Tác giả đem sự "lạ

lùng" đó hỏi người Thổ trong vùng thì họ trả lời rằng "ban đêm vào sâu trong rừng, người ta còn thấy nhiều chỗ cả một đám cây sáng lên như thế" [74]. Hóa

ra thứ cây "phát sáng" ấy, lại là một loại gỗ đặc biệt chỉ có ở vùng rừng Lai Châu và đặc biệt loại gỗ đó có thể làm được những vật dụng cho sinh hoạt hàng ngày như làm thước, ba toong, cán bút, đẽo guốc.

Cái thú đi săn đêm được nhà văn Lan Khai nhấn mạnh trong bài ký "Một

buổi săn đêm" với đầy vẻ ly kỳ, hồi hộp, sát hợp tâm lý và hoàn cảnh: “Chúng tôi yên lặng, tâm hồn phiêu phiêu… Quanh mình, cái tịch mịch của trời cao sông rộng lúc ấy thực mông mênh không biết đâu là cùng. Tuy chốc chốc vẫn có một vài tiếng chim sợ tối, tiếng vạc kêu sương và tiếng mái chèo dịp dàng khuấy nước, những chính những tiếng động ấy càng làm cho vẻ hiu quạnh thêm rõ ràng. Bóng tối từ từ buông xuống. Khí mát ngấm nghía khắp linh hồn, vầng trăng thượng tuần thủng thỉnh tự đầu núi hiện ra giữa trời như chiếc liềm vàng ai bỏ quên trên cánh đồng cỏ xanh. Trăng mọc, sự vật chìm trong vực tối lại hiện ra, biến thành một cảnh hư ảo, lờ mờ, xa xôi, kỳ dị. Cảnh sáng trăng thực có thể gọi là một cảnh mộng ma tuyệt đẹp (…)

[24]. Một thời, con người đã có cái thú sống chan hòa trong cảnh sắc thiên nhiên đất trời, thuận với lẽ tự nhiên. Không khí chuyến đi săn đêm đã khơi gợi cảm giác vừa náo nức, quyết đoán vừa rợn ngợp, đợi chờ, hy vọng. Cái cảm giác săn đêm một thuở một thời ấy hình như đã xa rồi, xa mãi.

Bài ký Sau tám năm trở lại thăm Laokay, cũng là những cảm nhận sâu sắc về miền đất nơi đây. Tác giả hồi tưởng lại: “Tôi còn nhớ năm 1930, cũng

sông này, tôi đã tự coi là cảnh trích hoạn (1930 - 1932). Vì thấy Laokay là nơi biên viễn, lại khí hậu không tốt, cho nên khi ấy, tôi lưu gia quyến tại Bắc Giang, một mình trên đường với một chiếc va li, mong chóng hết hạn 18 tháng ra về” [51]. Khi ở thăm trấn sở Lào Cai, tác giả kể chi tiết: “Sáng hôm sau, cùng gia đệ lên thăm toà Sứ trên đỉnh núi, nơi mà tám năm về trước, ngày hai buổi cắp ô đi, lại cắp về, khi câu nói, lúc tiếng cười, cùng các bạn sống một cuộc đời tươi đẹp... Ngày nay, các bạn nhạn Nam, én Bắc, bao ngả phân phi, cảnh vẫn cảnh cũ, nhưng vật nhiều thứ đổi dời: nhiều cây cổ thụ không còn di tích; dinh thự hoặc trùng tu hoặc thay mới (...). Cuộc đời là một giòng hoán cải vô biên (…). Lúc trở về qua cầu, đứng tựa lan can, nhìn sang khúc đường xe lửa trên bờ sông Nam Thi bên kia đoái trông non nước xa xa, bồi hồi cảm tưởng, lại nghĩ đến mới ngày nào cũng đứng đây, cũng vẫn giang sơn này, mà tám năm như chớp mắt, tựa chim bay! Tháng ngày lần lữa, cảnh vật đổi thay, mà riêng mình sự nghiệp chưa thành, nhân đó lòng buồn man mác, càng sinh vô hạn cảm” [51].

Kết thúc chuyến đi đầy "hứng vị", sau tám năm trở lại vùng đất Lao Kay để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Nhật Nham Trịnh Như Tấu qua lời kết khi tác giả tạm biệt miền biên viễn: “Ngồi trên xe, nhìn hai bên rừng

núi, trông xuống dòng sông Thao tưởng nhớ đến những ai ở lại, có mấy câu lục bát ghi tình:

Đường về nhớ cảnh Lão Nhai, Nhớ non Đỗ Lĩnh nhớ người hôm xưa!

Non sông còn đó chơ chơ,

Hỏi người non nước bây giờ nhớ chăng?

Cuộc đi chơi Laokay tuy ít ngày mà nhiều hứng vị" [51].

Không chỉ là niềm say sưa, mê đắm trước vẻ đẹp của thiên nhiên vùng núi rừng Tây Bắc mà còn là sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp chất phác, duyên dáng của con người Tây Bắc, trước những nét văn hóa, phong tục độc đáo nơi đây. Trong chuyến

hành trình của Nhị Lang lên vùng Lương Sơn tỉnh Hòa Bình, chứng kiến buổi khai trương Chợ phiên - nơi hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo "Bao nhiêu "giai nhân" ở

khắp trong châu tối nay đều đủ mặt nơi châu-lỵ", tác giả không khỏi ngỡ ngàng

trước những vẻ đẹp của những bông hoa rừng. Theo tác giả, do được chứng kiến nhiều nhan sắc và y phục tân thời dưới miền xuôi trở thành "đã quen, đã nhàm", hôm nay được đổi "mơ - nuy" được thưởng thức,chiêm ngưỡng "các bông hoa Rừng đang e lệ yểu điệu" [28]. Không ngỡ ngàng sao được khi mà "Các cô Nàng ngây thơ, mặt tròn vành vạnh như mặt trăng, chiếc khăn vuông trắng bao đầu, lộ đôi con mắt đen nháy, cặp răng cũng đen nháy, chiếc yếm thêu căng lấy ngực, lòa xòa trong chiếc xiêm đen, hai tà áo trắng dài rủ xuống quét đất, coi thực có cái "vị" khác những giai nhân tân - thời chốn đô - thị dưới ta. Thực là lạ mắt! Thực là khác hẳn những cảnh mắt thường ta thấy" [28].

Ký giả Nguyễn Tụng chỉ có Hai ngày dưới bóng chân núi Fan-Si-Pan

cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi đây: "Xe rời khỏi tỉnh lỵ, qua Cốc - lếu, đến Cốc - San. Cảnh Cốc- san đã làm cho tôi hoa mắt lên khi trông thấy những cô Thổ ngây thơ và xinh tươi như các cô nàng đã về sòe tại Hanoi. Các bạn lên mà thưởng thức cảnh sắc của Cốc-san (cách Cốc-lều có 9 cây số). Một cảnh rừng núi chấm phá, đẹp tuyệt trần. Từ đây xe cứ lên dốc mãi và lần lượt đem đến cho khách những mộng đẹp êm đềm. Ô tô (bò) 38 cây số trong 2 tiếng đồng hồ đủ để khách thu cả những cảnh cao cả, hoang vu vào hai gương mắt [84].

Con gái Tây Bắc được rừng núi ban cho vẻ đẹp hoang sơ cuốn hút, với làn da trắng hồng duyên dáng thân thể đẹp ví như ngọc ngà. Những thiếu nữ Tây Bắc đẹp hút hồn là những bông hoa đẹp nhất của núi rừng. Họ được xem là những “mỹ nhân núi rừng”. Vẻ đẹp ấy đã được khắc họa: “Người đẹp ra suối

tắm, cá tìm về xem chân/ Người đẹp đi lên nương, dâu, lúa tìm về xem tay/ Người đẹp đi lên rừng, hoa tìm về xem mặt/ Người đẹp hát trong rừng, chim ngập ngừng lắng nghe/ Người đẹp bước chân xòe, trai Mường So ngây ngất…"

Có khi là nỗi man mác, u hoài của khách tha hương lữ thứ, cảm xúc bồi hồi, nhớ tiếc trước những cái đã qua… Trong Cuộc hành trình từ Laokay đi Lai châu, tác giả Đặng Trọng Khang có những phút thảnh thơi sau khi làm

xong nhiệm vụ: "Phong cảnh Lai- châu buồn vì tịch mịch (…) Lâu lắm khi

gặp buổi hoàng hôn thơ thẩn một mình bên góc rừng hiu quạnh, con mắt đăm đắm trông về đường xưa lối cũ, thì tưởng chừng cũng không khỏi chút trạnh lòng: thương tình li biệt, xót nỗi tha hương. Lại nghĩ đến công cuộc mình làm, ngoài hai mươi năm gần đây nào tình, nào cảnh, trên cõi trần tang hải, mấy thu rồi thân thế vẫn chưa yên…" [25].

Cảm nhận về sự khác lạ trong đời sống của người Mèo: "Ngày thứ tám

chúng tôi đi Mao-Xao- Phing (…) khí hậu mát, phong cảnh đẹp, (…). Thực phẩm rẻ, hôm tôi đến, mua con gà ba hào, bằng sáu hào ở dưới xuôi ta. (…) Người Mèo ở đấy thích tiêu tiền xu đồng, tiêu hào hay bạc đồng hơn là tiền bạc giấy" [25]. Tác giả Tam Lang, Việt Dân trong bài Lạc trong giang sơn Đinh, Quách cũng thấy những điều khác lạ trong bữa cơm và cách ngủ của

người Mường: "Bữa cơm "Mường đặc". Cũng đủ canh, rau, nem thịt, nhưng

món nào cũng lạ miệng, nhất là món rau nộm có những thứ lá rất đắng mà tanh" (..) Có cái ngủ … trên này thì khác hẳn. Người Mường thức khuya lắm. Canh ba, canh tư mới ngủ; giờ tỵ, giờ ngọ mới dậy; chúng tôi ít khi được thấy mặt trời hé mọc, trừ khi nào có thức việc thâu đêm" [29].

Những chuyến đi của các ký giả với mục đích du ngoạn, du lịch đúng nghĩa chưa nhiều mà phần lớn là vì công kia việc nọ, do đó tâm thế phiêu lưu, du lãm chưa thật sự nổi trội, cái tôi du khách nhiều khi bị khuất hẳn đi sau cái tôi nghĩa vụ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn gặp được những trang du ký thể hiện rõ cái tôi của tác giả từ sự cảm nhận "những điều trông thấy". Trong khi du ký hiện đại lại được sáng tác bởi những du khách lãng tử, tài tử nên việc đi đến đâu, nhìn ngắm điều gì, nội dung ghi chép như thế nào,… tùy thuộc vào sở thích cá nhân và ngẫu hứng hành trình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du ký về vùng tây bắc việt nam nửa đầu thế kỷ XX (Trang 51 - 56)