Sự chuyển mình của Tây Bắc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du ký về vùng tây bắc việt nam nửa đầu thế kỷ XX (Trang 56 - 62)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Sự chuyển mình của Tây Bắc

Tây Bắc là vùng có điều kiện để giao thương kinh tế, văn hóa khá thuận tiện. Địa giới hành chính đặc thù có tỉnh tiếp giáp với Kinh kỳ, kinh đô phát triển về giao thương bấy giờ, nhiều tỉnh có đường biên giới giáp ranh Trung Quốc. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố cả về khách quan lẫn chủ quan, đời sống vùng núi rừng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, hạn chế và chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có của mình. Sự chuyển mình của Tây Bắc về tình hình kinh tế, đời sống được các tác giả du ký đưa vào tác phẩm của mình như một tư liệu quý giá cần được đánh giá, tham khảo.

Trong du ký Sau tám năm trở lại thăm Laokay của Nhật Nham có nhiều trang viết sinh động quá trình hiện đại hóa nơi nghỉ mát nổi tiếng Sa Pa giữa thời thực dân: “Cách Chapa vài cây số, đã thấy có nhiều nhà gạch mới xây

và vườn trại của người Âu mới khai phá, trông có vẻ lạc quan". Theo tác giả

thì đó là "Một cảnh tượng phì nhiêu đẹp đẽ của một vùng trời biên viễn". Tác giả so sánh cảnh tượng Sapa sau tám năm trở lại: “Chapa ngày nay đã

mở mang hơn trước bội phần. Nhiều túp gianh đã nhường chỗ cho các nhà gạch đồ sộ nguy nga; nhiều bãi cỏ rậm đã thành vườn rau xanh tốt; nhiều đường nhỏ hẹp nay đã mở rộng thênh thang và giải rựa sạch sẽ. (…). Chapa cũng có sòng bạc. Tuy ông chủ sòng là người Nam, nhưng người làm công đều là người Hoa Kiều, vì khách trú rất am hiểu việc trưng thầu đổ bác. Sòng bạc này là sòng công khai, to thứ tư trong tỉnh, sau các sòng Laokay, Cốc Lếu, Phố Mới. Vì có sòng bạc, nên cảnh tượng Chapa cũng đỡ buồn tẻ đối với những người lữ thứ có máu mê đen đỏ” [51].

Vẻ đẹp hiện đại, cổ kính của Sapa được tác giả Nhật Nham đề cập thông qua việc miêu tả khách sạn La Madeleine: “Lên cao 1000 thước, có

khách sạn “La Madeleine”, chung quanh giồng thông pờmu (bạch mộc), cảnh trí thực là u nhã. Khách sạn này do ông Tocco người Ý Đại Lợi lập nên vì lúc mới phát kiến được nơi khí hậu tốt này, tưởng chỉ đến đây là cao nhất,

sẽ trở nên một chỗ tấp nập sau này. Nhưng tới khi có Chapa thì nơi này có một khách sạn La Madeleine thôi. Ngoài cửa có một cái máy nước hình đầu người, miệng có nước chảy suốt ngày đêm. Nước này lấy ở suối vừa trong, lại vừa đủ các chất tốt. Nhiều người ví nước suối này với nước Vichy bên Pháp. Có nhiều khách nghỉ mát trên Chapa lúc về thường qua khách sạn La Madeleine chơi ít lâu rồi mới về trung châu” [51].

Sapa là nơi có đời sống kinh tế, xã hội phát triển vào bậc nhất vùng Tây Bắc. Cái tên Sapa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại, phát âm là SaPả hay SaPá nghĩa là "bãi cát" do trước khi có thị trấn Sapa thì nơi đây chỉ có một bãi cát mà dân cư bản địa thường họp chợ. Từ hai chữ "Sa Pả", người phương Tây phát âm không dấu, thành Sapa, và viết theo tiếng Pháp thành "Cha Pa". Từ Cha Pa được dùng một thời gian dài trước khi được thống nhất đổi thành Sapa. Năm 1905, người Pháp đã thu thập được những thông tin đầu tiên về địa lý, khí hậu, thảm thực vật... Sapa bắt đầu được biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan đẹp. Năm 1909, một khu điều dưỡng được xây dựng. Năm 1917, một văn phòng du lịch được thành lập ở Sapa và một năm sau, người Pháp bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên. Năm 1920, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hoàn thành, Sapa được xem như thủ đô mùa hè của Bắc Kỳ. Tổng cộng, người Pháp đã xây dựng ở Sapa gần 300 biệt thự. Từ năm 1924 đến năm 1927, trị trấn nghỉ mát này được đầu tư xây dựng hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt; hệ thống điện chiếu sáng, sử dụng nguồn thuỷ điện sản xuất từ nhà máy thuỷ điện trung tâm, cạnh thác Cát Cát hiện nay và nhà dây thép (bưu điện) phục vụ các nhu cầu điện thoại, điện báo. Nhà thờ trung tâm thị trấn được xây dựng năm 1934. Vào cuối của thập kỷ 30, Sapa phát triển đạt đến đỉnh cao nhất của mình; vào mỗi mùa hè, Sapa đón đến hàng ngàn khách Âu sống và làm việc ở Việt Nam bấy giờ lên đây nghỉ mát. Đến ngày nay, Sa Pa vẫn là điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Sự phát triển của tỉnh lý Yên - bay (Yên Bái) so với mười lăm năm trước được tác giả Roi-Song ghi chép trong bài ký Đưa các bạn lên thăm đất

"núi rừng". Nếu mười lăm năm trước, Yên Bái được biết đến như là một nơi

"tịch mịch thâm u, nơi lam sơn chướng khí" thì nay đã khác đi nhiều: "Yên -

bay về phương diện mỹ thuật đã khác xưa nhiều. (…). Yên - bay bây giờ từ nhà cửa, đường sá, hết thẩy đều đổi thay và sáng sủa. Bước vào ga, cái bộ mặt thực của Yên-bay đã phá tan hẳn mối hoài mà người ta xưa nay vẫn bảo là một nơi "ma thiêng nước độc". (…). Những quả đồi rậm rạt khi xưa, nay đã thành quang đãng và giồng cấy được. Những miếng đất phì nhiêu ngày trước bỏ hoang bây giờ cũng thành những vườn rau xanh tốt. (…). Yên - bay về mặt lý - tài, quả là một nơi hái ra tiền, là một tỉnh bao quanh những mỏ. Mỏ phấn cách tỉnh lỵ chừng hơn cây số thuộc về con đường Yên bay - phủ Yên bình. Hiện nay người ta đang khai và bảo rằng: Phấn ấy làm men bát tốt nhất Bắc kỳ. Rồi đến mỏ chì, mỏ than, mỏ dầu, mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ nước (eaux souffreuses) ở về vùng Trái - hút và Tú - lệ và ở ngay tỉnh nữa. Vậy thì Yên - bay có lẽ lại là một nơi tiền rừng bạc bể" [62].

Ghi nhận sự quan tâm, phát triển về giáo dục của cộng đồng người Mường ở tỉnh Hòa Bình, Tam Lang, Việt Dân có chép: "ông Quách Điêu đã

mở những lớp học riêng đón các thầy Kinh về dạy chữ Quốc ngữ cho con dân trong khắp xóm (…). Hòa - bình có một ký túc học xá lập ngay ở tỉnh lỵ, những đứa trẻ được lưu học ở đấy hầu hết chỉ là con em các nhà Lang. Muốn khai hóa cho người Mường thì việc học chữ Quốc ngữ trước nhất cần phải phổ thông trong dân - dan [29]. Có thể thấy, từ rất sớm người Mường đã chú

ý đến vấn đề giáo dục, đó cũng là cách để hội nhập và rút ngắn khoảng cách về tri thức giữa các vùng miền và giữa các dân tộc trong cộng đồng.

Cảm nhận về sự chuyển mình của Lai Châu, Đặng Trọng Khang trong bài ký Cuộc hành trình từ Laokay đi Lai châu có đoạn quan sát và so sánh

thu lại hình tròn như cái đĩa. Núi xanh bao bọc một cái "thế giới nhỏ" (…) Giãy phố Khách có chừng dăm chục nhà, trong số có có chín, mười cửa hàng tạp hóa Annam (…). Ta cứ tưởng tượng một khu đất trước đây chỉ là khu rừng rậm rạp, nay bỗng xan xát những lầu cao nhà rộng. Nào dinh quan Châu, nhà Bưu điện, trường học, sở Thú y, nhà hộ sinh, trại lính khố xanh, lính cơ, lính khố đỏ, đài Vô tuyến điện…" (…). Phong cảnh Lai Châu buồn vì tịch mịch, nhưng người ở Lai Châu cũng được cái thú có thư - viện, 2 ngày đổi báo chí 1 lần. Lại còn sòng đánh bạc, đố chữ, sân múa vợt, bàn đánh bi… Chợ cũng họp hàng ngày, việc buôn bán không được xầm uất nhưng cũng đủ thực phẩm" [25]. Sử sách ghi lại, tỉnh Lai Châu được thành

lập năm 1909. Lúc đó tỉnh Lai Châu gồm các châu Lai, châu Quỳnh Nhai, châu Điện Biên tách ra từ tỉnh Sơn La, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên). Qua những nét phác họa của tác giả, có thể thấy Lai Châu ngày đó cũng hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển giống như các vùng tỉnh lỵ khác. Nào là cơ quan làm việc, bưu điện, trường học, bệnh xá, các khu vui chơi giải trí như sòng bài, quần vợt… Có thể nói, đó là tiền đề kinh tế xã hội để Lai Châu phát triển như sau này.

Còn theo ghi nhận của ký giả Minh Châu trong bài ký Lên Sơn La có thể thấy tác giả đã ghi chép, khảo sát tỉ mỉ quá trình phát triển của tỉnh Sơn La. Từ những tập tục và tập quán canh tác của người dân nơi đây, đến những điều kiện về phát triển giao thông huyết mạch gắn liền các vùng miền. Theo ghi chép của tác giả thì: "Sơn la có bảy thứ người: Thái đen, Thái trắng, Mường, Mèo,

Xá, Hờ và Bòn. Trước khi thuế chưa phân từng hạng, thổ dân Sơn la chỉ phải trả thuế có 6p/ một gia đình. Họ không cần buôn bán với người đường xuôi vì họ có ruộng vườn cày cấy thừa ăn, con trâu, bò, gà, lợn nuôi chẳng tốn kém gì, đến vụ thuế họ đem bán cũng đủ nộp thuế" [4]. Dù không giao

thương với người miền xuôi nhưng bằng cách tự canh tác theo kiểu kinh tế tư nhân tự gắn liền với đặc thù riêng của mình cũng đủ để trang trải cuộc

sống và thể hiện trách nhiệm với nhà nước. Từ đó dẫn đến sự thay đổi căn bản trong cấu trúc đô thị "Sơn la, hiện nay mới thêm có Thiên - văn và sở Vô

tuyến truyền điện để giao thông với Hanoi và các tỉnh thay cho giây thép"

[4]. Đặc biệt là con đường Saint Pouloff có sự biến đổi kỳ diệu sau 6 năm. Tác giả ghi chép quá trình phát triển của con đường: "Con đường từ Suối dút

lên Sơn la, công trình trong sáu năm trời dài ba trăm cây số vừa khánh thành năm 1933 (…). Hồi đó tỉnh Sơn la chưa có sở Lục lộ, quan Công sứ Saint Pouloff hợp tác với dân bản xứ đã mất bao công trình mới đắp xong con đường này (…). Năm năm về trước đường Saint Pouloff chỉ đi vừa một cái xe ô-tô nhỏ 4 chỗ ngồi mà chệch tay lái quá hai mươi phân là xe nhào xuống ruộng. Sau 6 năm, đường St Pouloff đã rộng hơn nhiều, ngót một trăm cái cầu băng tre ngày nay đã thấy thay bằng xi mo cốt sắt" [4].

Khi quan sát thực tế đời sống người dân, Nhật Nham Trịnh Như Tấu ghi lại vài nét khái quát về dân số và hình thức quản lý bản Mường Hòa: “Theo

tục dân thượng du Bắc Kỳ, nhà vùng này không họp thành làng, thỉnh thoảng lơ thơ vài cái ở dưới chân núi. Nếu tính số kiến ốc thì vùng đó được độ 30 nóc nhà. Dân ở đây phần nhiều là người Mèo và lẫn một ít Mán, Thổ, có kì mục, sèo phái, binh dầu, giáp trưởng trông nom dưới quyền phó lý, lý trưởng và Bang tá” [51]. Dù cách quản lý đơn giản nhưng cấu trúc làng xã

cũng được hình thành và ổn định. Tác giả cũng giới thiệu một thứ vải truyền thống và cách kinh doanh, tiếp thị sản vật của họ: “Có mấy người vào mời bà

Bang tá mua vải Mèo. Nhân thế mà tôi biết được một thứ vải gai của họ tự chế ra bằng gai lấy ở rừng. Vải này đã trắng, rất bóng và mịn mặt; nhiều người mua may quần áo thay vải tussor. Bà Bang cho biết: cứ đến vụ, nhiều bạn ở xa viết thư về nhờ mua nên người Mèo quen khách hàng, cứ đến phiên chợ lại thi nhau đem vải đến tận nhà mời mua. Xem thứ vải gai này mới biết người Mèo cũng có óc tinh anh, có thể dùng các thứ của Hóa công đã dành riêng cho họ ở miền rừng núi. Mỗi khi cần đến một thứ gì, họ lại nghĩ ra các phương pháp mà ta cho là xảo diệu” [51].

Đời sống kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế, đi qua mỗi tỉnh, vùng đất khác nhau lại có những nền kinh tế và chịu những sự chi phối khác nhau. Tuy nhiên, các tác giả du ký vẫn thể hiện được sự lạc quan, tin tưởng về đời sống kinh tế, xã hội cho người dân vùng rừng núi Tây Bắc ấm no, sung túc hơn trong tác phẩm của mình.

Tiểu kết chương 2

Du ký Tây Bắc nửa đầu thế kỷ XX có sự phong phú về mặt nội dung. Các tác phẩm du ký đã khắc họa bức tranh thiên nhiên kì vĩ, huyền ảo của của vùng núi rừng Tây Bắc. Những nét độc đáo về văn hóa, phong tục tập quán trong cuộc sống của đồng bào Tây Bắc cũng được các tác giả du ký ghi chép chân thực. Tây Bắc trong quá trình chuyển mình với những đặc thù riêng cũng hiện lên rõ nét, sinh động theo sự vận động chung của đất nước.

Tóm lại, du ký về Tây Bắc là bức tranh toàn cảnh về thiên nhiên và cuộc sống của con người nơi đây. Tìm hiểu du ký viết về Tây Bắc, người đọc có thể cảm nhận rõ tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc được các nhà du ký gửi gắm trong đó.

Chương 3

ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT CỦA DU KÝ VỀ VÙNG TÂY BẮC VIỆT NAM NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) du ký về vùng tây bắc việt nam nửa đầu thế kỷ XX (Trang 56 - 62)