Ngôn ngữ của người phụ nữ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng người phụ nữ trong một số truyện thơ nôm tày (Trang 82 - 84)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1. Ngôn ngữ của người phụ nữ

Ngôn ngữ của người phụ nữ trong truyện thơ Nôm Tày có sự khác biệt so với truyện thơ Nôm dân tộc Kinh. Trong công trình nghiên cứu của mình tác giả Phạm Quốc Tuấn [43] đã chỉ ra: “Ngôn ngữ mà các nhân vật sử dụng rất gần gũi với ngôn ngữ đời sống thường ngày. Lớp từ thường xuyên có mặt trong tác phẩm bởi thế khá bình dị, chân thực, gắn với cách cảm, cách nghĩ của người miền núi” [43; 136]. Nếu như lớp từ này khiến cho cách xây dựng nhân vật nam giới có phần thô ráp thì với người phụ nữ lại đạt được một hiệu quả đậm chất văn hóa. Đó là sự mộc mạc, chân thực, giản dị, trong sáng và nền nã - một đặc trưng của người miền núi. Người phụ nữ Tày không phải không có tri thức. Thế nhưng, họ không thể hiện ra bằng ngôn ngữ đời sống như trong truyện thơ Nôm Kinh. Nghĩ gì nói vậy, không rào trước đón sau, không ý tại ngôn ngoại, không ràng buộc bởi những quy tắc, chế ước nghệ thuật, người phụ nữ Tày hiện lên vẹn nguyên với vẻ đẹp giản dị, gần gũi, trong sáng nhất. Nàng Ngọc Hoa trong truyện thơ Nôm Phạm Tải - Ngọc Hoa là một điển hình. Khi thưa với cha mẹ tình cảm của mình với Phạm Tải, Ngọc Hoa đã thẳng thắn:

Cha mẹ là đất trời thiên hạ Con trình thực bố mẹ tỏ tường Tháng tám ngày mười ba giờ ngọ Thấy có người nho sỹ viễn phương Lạc vào nhà tìm đường hành khất Diện mạo trông đích thực khôn ngoan Xem ra tướng cao sang quân tử

Một thân chàng đứng ở ngoài sân Thương hại người bần nhân hiền sỹ Gạo cơm con bố thí cho người Từ đó con đêm ngày thương nhớ Tự thiên duyên hay có sự gì Tự nhiên thấy tương tư vật vã

Đoạn này, độc giả có thể nhận thấy được sự rõ ràng trong ý tứ nàng Ngọc Hoa. Nàng giãi bày ngọn ngành, tỏ tường về tình cảm của mình với cha mẹ. Không mượn quá nhiều điển tích, không mượn quá nhiều lời của tiền nhân, Ngọc Hoa đã đem đến cho độc giả sự cảm nhận về nét tính cách giản dị, trong sáng của mình.

Khi bị Trang Vương gượng ép tình duyên, Ngọc Hoa đã dùng ngôn ngữ của mình để thể hiện quan điểm dứt khoát:

Ngọc Hoa vào tâu lạy mặt rồng Thân tôi đã có chồng định xứ Chồng tôi là Phạm Tử sỹ nhân Thiên hạ người thiếu chi mỹ nữ Tôi như viên ngọc rạn báu gì Nữ thất tiết chiều vua sao xứng …Vua thiếu gì nữ ngọc thanh tân Nhược vua ép mười phân không bỏ Tôi xin quyết tự tử trước vua

Ta có thể nhận thấy sự tương đồng trong tình tiết cuộc đời nàng Ngọc Long. Khi vua Tần bất chấp đạo lí, dùng lời đường mật dụ dỗ, Ngọc Long cũng đã dùng ngôn ngữ, dùng lời nói để thể hiện quan điểm của mình.

Ngôn ngữ đối thoại của người phụ nữ còn cho ta thấy một nét đặc trưng trong lời ăn tiếng nói của đồng bào Tày. Lời nói của công chúa Bách Hoa khi biết Tống Trân từ chối làm phu quân của nàng:

Ta không được Tống Trân thôi vậy Có ngày mày sẽ thấy quyền ta Vua sẽ đặt chuyện cho mày thấy Có ngày mày khóc đỏ mắt mày

Những phẩm chất như thủy chung, yêu thương chồng con, hiếu thảo, thức thời, thông minh… cũng được bộc lộ qua hệ thống ngôn ngữ đối thoại như vậy.

Bên cạnh hệ thống lời đối thoại, ngôn ngữ độc thoại nội tâm cũng góp phần khắc tạc nên hình tượng người phụ nữ trong truyện thơ Nôm Tày. Ngôn ngữ độc thoại đem đến một thế giới tâm tưởng phong phú của nhân vật. Tất cả nét cảm, nét nghĩ hiện lên qua lời độc thoại nội tâm của người phụ nữ. Và cũng qua đây, đặc điểm về người phụ nữ được độc giả cảm nhận, thấu hiểu một cách khách quan nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng người phụ nữ trong một số truyện thơ nôm tày (Trang 82 - 84)