Người phụ nữ có khát vọng yêu đương mãnh liệt và luôn chủ động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng người phụ nữ trong một số truyện thơ nôm tày (Trang 42 - 46)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2. Người phụ nữ có khát vọng yêu đương mãnh liệt và luôn chủ động

trong tình yêu, hôn nhân

Người phụ nữ trong truyện thơ Nôm Tày không hiện lên một cách yếu đuối, thụ động mà ở họ luôn tràn đầy sức sống và khát vọng yêu đương mãnh liệt. Nhà nghiên cứu Hoàng Triều Ân cho biết: “Với dân gian miền núi, nữ

cũng có quyền ao ước và hò hẹn người bạn tình mà mình mến” [2, 12]. Mặc dù vậy lễ giáo phong kiến vẫn áp đặt lên họ rất nhiều điều ràng buộc. Chính tình yêu trong sáng, hồn hậu, nồng nàn không màng danh lợi đã khiến cho các cô gái có suy nghĩ và hành động mạnh mẽ, chủ động vượt qua những rào cản quan niệm khắt khe để bảo vệ tình yêu của mình.

Ngày xuân, chứng kiến cảnh ong và hoa cất lên những lời yêu đương hò hẹn, quyến luyến thảm thiết khi tình duyên bị ngăn trở, nàng Kim chạnh lòng khao khát hạnh phúc lứa đôi. Hành động của nàng bị xem là “làm xấu đạo nơi cõi thượng” nên đã bị Bụt Cả trừng phạt: “Cho xuống trần xây dựng vợ chồng/ Khỏi uế tạp đây vùng thượng giới”. Nàng bị đày xuống chốn trần gian “nặng chân bước lên thuyền” rồi lạc vào nơi núi sâu rừng thẳm và “Bỗng hóa khỉ đầy người lông lá”. Khát vọng hạnh phúc lứa đôi nơi trần thế giúp nàng không ngừng cố gắng và cuối cùng, nàng đã có được cuộc sống hạnh phúc bên Chúa Ba. Trong truyện Lý Lan - Thị Dung chúng ta cũng cảm nhận được tình yêu mãnh liệt của người con gái. Mặc dù sống trong khuôn khổ lễ giáo phong kiến nhưng Thị Dung luôn giữ vai trò chủ động trong tình yêu. Nàng đích thân sắm sửa và đưa lễ vật cho người hầu mang đến ngỏ lời với chàng Lý Lan. Nàng cũng chính là người chủ động đến gặp mặt, trò chuyện, tâm sự cùng chàng và không ngại ngần thổ lộ tình cảm của mình:

Nàng một thân gái trinh thiếu nữ Được thấy người quân tử dòng quan

Dạ ước kết nhân duyên phu phụ

Hành động “Nàng cởi áo trên người cho bạn/ Để anh đi nhìn mặt người xinh” của Thị Dung quả là rất táo bạo, thể hiện tình yêu mãnh liệt vượt lên trên những ràng buộc của quan niệm đương thời. Nàng Quyển yêu Trần Chu là chàng trai mồ côi nghèo khổ phải đi ăn xin. Trong tình yêu nàng Quyển có thái độ quyết đoán và rất chủ động. Khi Trần Chu từ chối “Tôi không dám lấy nàng công chúa” vì mặc cảm thân phận mình, nàng đã bày tỏ ý kiến với vua một

cách rõ ràng và thẳng thắn: “Con muốn được kết duyên với Trạng”. Thị Đan cũng là người con gái với tình yêu say đắm và chân thành, yêu đương chủ động và mãnh liệt:

Ta khác say mê mệt với người Yêu tha thiết tận nơi tim đỏ

Khi gặp người yêu nàng không ngại ngùng mà giãi bày tình cảm nồng nàn của mình:

Về thấy anh lòng nở như hoa Như rồng mây gặp nhau ta sánh

Như trời mưa gặp cảnh hạn lâu Như ngoài biển nước sâu gặp cá Cá nước cùng vùng vẫy ngoài khơi

Như ong mật gặp khi hoa nở Gặp mặt anh em đã hết buồn

Người con gái với tình yêu nồng nàn, say đắm ấy cũng đóng vai trò chủ động trong việc hẹn hò. Chàng Nam Kim chấp nhận số phận, yêu chỉ biết “Yêu nhau để trong tim em hỡi” nhưng đối với Thị Đan, yêu nhau không thể chỉ “để trong tim” mà còn phải được gặp nhau để thỏa niềm mong nhớ. Vì thế nàng đã chủ động hẹn gặp gỡ người yêu:

Nam Kim hỡi, em mong trong dạ Mỗi tháng hãy dăm bữa đến chơi Lòng ước được gặp nhau cho thỏa Hẹn hăm nhăm, anh nhớ, tháng ba Đến chợ chơi một phiên cho thỏa

Em dặn chàng em ngỏ lời mong

Khi cùng Nam Kim cắt máu thề nguyền, nàng cũng hết sức mạnh mẽ

“Thị Đan bứt là hứng máu tươi/ Chìa tay nói trích tay em trước”. Từng lời nói, hành động của nàng đều cho thấy hình ảnh một người phụ nữ luôn khao khát

yêu, được yêu và luôn chủ động trong tình yêu. Không giống những người con gái khi gặp trắc trở chỉ biết than khóc, oán trách số phận, nàng Kim Nữ trong truyện Chiêu Đức đã dũng cảm đối mặt với thực tại, dám thẳng thắn oán trách việc làm không đúng của cha mẹ, dùng lí lẽ để thuyết phục cha mẹ từ bỏ ý định sai trái và nàng đã luôn chủ động trong việc giúp đỡ, bày tỏ tình cảm với Chiêu Đức. Chính tình cảm sâu nặng mà mặc dù chưa nên vợ nên chồng, giữa pháp trường nàng đã bất chấp lễ giáo, sẵn sàng “Xông vào thổn thức ôm quan”. Kim Nữ luôn thể hiện vị thế chủ động của mình trong chuyện tình cảm và hôn nhân. Chủ động lựa chọn và đến với tình yêu còn có nàng Hán Xuân trong truyện Lưu Đài – Hán Xuân. Vẫn biết Lưu Đài là chàng trai mồ côi nghèo khổ nhưng Hán Xuân vẫn yêu thương. Lưu Đài mặc cảm về thân phận của mình nhưng nàng Hán Xuân đã tự tay khâu áo rồi nhờ người hầu gái đến gặp Lưu Đài để giúp nàng bày tỏ tâm tình. Nhiều lần Lưu Đài không dám nhận tấm chân tình của nàng nhưng Hán Xuân vẫn quyết tâm “Thức nghe chàng đọc thơ văn sách/ Dù chết ta kết nghĩa không tha”. Nàng đã chủ động đến trực tiếp gặp chàng và giãi bày tình cảm: “Chàng là người học trò thiếu niên/ Cho em xin kết duyên chớ phụ”. Ngoài ra Hán Xuân còn đem những tấm gương thời trước để thuyết phục Lưu Đài hãy đón nhận tình yêu của mình:

Được thấy chàng đói rách em yêu Khó nào bằng Thuấn, Nghiêu đời cổ

...

Hai ta sẽ noi gương thượng cổ.

Nàng dành cho chàng tình yêu trong sáng vượt lên trên suy tính vật chất và quan niệm môn đăng hộ đối thông thường.

Các cô gái xinh đẹp, có địa vị cao sang đã dũng cảm lựa chọn người yêu và chủ động bày tỏ tình cảm của mình. Tình yêu và hôn nhân đến với họ hết sức tự nhiên và xuất phát từ trái tim chứ không phải do sự sắp đặt của cha mẹ. Họ đã vượt lên trên những quan niệm phong kiến khắt khe kìm kẹp người phụ

nữ để chủ động đến với chàng trai mà họ yêu thương. Họ sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ tình yêu của mình. Hạnh phúc mà họ đạt được chính là thành quả của tình cảm chân thành, của khát vọng hướng tới tình yêu chân chính.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hình tượng người phụ nữ trong một số truyện thơ nôm tày (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)