7. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Người phụ nữ có ngoại hình xinh đẹp
Người phụ nữ trong truyện thơ Nôm Tày đều mang ngoại hình xinh đẹp, lộng lẫy. Tất cả các truyện chúng tôi khảo sát đều cho thấy đặc điểm này rõ nét. Đọc các truyện thơ Nôm Tày chúng ta thấy hầu hết các cô gái đều trẻ trung và có dung nhan đẹp đẽ: “Mặt trắng ngời tiên nữ Nàng Kim” (nàng Kim);
“Dáng người đều mĩ lệ thanh tân/ Tươi như đóa hoa xuân đang nở” (nàng Ngọc Dong); “Yểu điệu lại có duyên xinh xắn”, “Y như nàng tiên sa tha thướt/ Yểu điệu nét lả lướt cao sang” (Thị Dung); “Lông mày như bút vẽ có duyên/ Mặt mũi đẹp như tiên hạ thế” (nàng Quyển); “Ngời ngợi ánh hào quang hoa nở/ Thoa vàng gài mái tóc tựa tiên” (Hán Xuân)...
Ngoại hình nhân vật được khắc họa trong nhiều tình huống, nhiều trường hợp. Có thể nói, họ đều là những người con gái, người phụ nữ có dung nhan. Với nhân vật Từ Thị trong truyện thơ Nôm Tống Kim, ngoại hình được khắc họa qua phân đoạn lời trăng trối của người chồng:
Nói với nàng Dương Nga Từ Thị Xem ra phận anh khổ đã nhiều
Tác giả có thể hiện hình tượng người phụ nữ đẹp, nết na qua từ “dương nga”. Đây là một từ ngữ mang tính ước lệ. Trong văn học trung đại, hệ thống từ ngữ mang tính ước lệ chiếm số lượng tương đối lớn, đặc biệt là trong các văn bản có yếu tố trữ tình. Từ “Dương Nga” phải chăng là sự ẩn dụ của một Hằng Nga tại dương thế - nàng Từ Thị. Về sau, từ “Dương Nga” được trở đi trở lại trong truyện nhưng với vai trò là một định ngữ gắn với đối tượng khác – nàng Nghi Xuân:
- Tôi vốn là con người lưu lạc Sao xứng đôi mặt đẹp Dương Nga
- Muôn sự hãy ơn con thương đến Cho con kế Dương Nga đẹp nết Mẹ không nói gian dối Tống quan
Có thể thấy, Từ Thị xinh đẹp, nết na, Nghi Xuân cũng không hề thua kém nhan sắc của mẹ. Ở phần đầu tiên của truyện, ta thấy, Nghi Xuân là một người con gái có ngoại hình đẹp:
Ngày đêm mẹ nuôi ẵm ôm con Tháng thêm năm vỗ về nuôi dưỡng
Ngày lại ngày nhan sắc xinh tươi Trả ơn làm Nghi Xuân con gái Ngày đêm bên cha mẹ không rời
Tác giả đã trực tiếp miêu tả ngoại hình của Nghi Xuân qua cụm từ “nhan sắc xinh tươi”, đi kèm với điệp từ “ngày…ngày” khiến cho nhan sắc ấy như đằm thắm, mặn mà hơn theo bước chuyển của thời gian. Trong toàn thiên truyện, cụm từ “Nghi Xuân xinh tươi”, “Nghi Xuân xinh đẹp”, “Xuân Thị Văn Đăm” (Văn Đăm là tên người phụ nữ đẹp nổi tiếng ở Trung Quốc. Văn học Tày dùng từ Văn Đăm như một danh từ để chỉ người con gái đẹp, mà ở đây là nàng Nghi Xuân) xuất hiện đồng thời, xuất hiện nhiều lần làm chủ ngữ trong câu thơ, ý thơ:
- Quan chết bởi Nghi Xuân xinh đẹp Vì cha mẹ gian ác chẳng thương - Lưu ông cất lời bảo mấy lời
Khuyên về hỡi Nghi Xuân xinh đẹp - Đã không thấy tin anh chốn nào
Nàng Nghi Xuân xinh đẹp bảo cha - Thuyền Lưu ông chính giữa sông sâu
Thấy em gái Văn Đăm Xuân Thị
Qua việc thống kê và phân tích một số cách sử dụng từ ngữ trong truyện thơ Nôm “Tống Kim”, chúng tôi nhận ra rằng, người phụ nữ Tày được khắc họa trong truyện luôn mang một ngoại hình xinh đẹp, đằm thắm. Khi thì gián tiếp, khi lại trực tiếp, vẻ đẹp ấy hiện lên mộc mạc, thanh sạch như bông hoa tinh
khiết giữa núi rừng. Dù trong hoàn cảnh nào, vẻ đẹp ấy vẫn luôn được chú ý khắc họa. Cách miêu tả này giúp độc giả nhận ra được quan niệm, nhu cầu thưởng thức thẩm mĩ của tác giả dân gian dân tộc Tày giai đoạn này đã được chú trọng. Họ trực tiếp hướng ngòi bút của mình về phía cái đẹp thuần túy để khắc tạo nên hình tượng người phụ nữ Tày.
Trong truyện Nàng Ngọc Long, khi nói về hoàn cảnh xuất thân tác giả đã phần nào giới thiệu về ngoại hình của nàng. Ngay sau lời giới thiệu về hoàn cảnh xuất thân của người phụ nữ này, tác giả đã dành những câu thơ, những định ngữ để miêu tả nhan sắc theo nhiều phương diện. Trước hết, dung nhan tuyệt thế của Ngọc Long hiện lên qua cách xưng gọi trong truyện thơ. Khi thì nàng được gọi là “nàng mặt ngọc”, “người ngọc”, “ngọc nữ”, “nàng tiên nga”, “nàng khôi châu”, “mỹ nữ”; khi lại được dùng điển tích về người con gái xinh đẹp, duyên dáng, nết na để xưng gọi - “Văn Đăm”… Không khó để nhận ra ý đồ của tác giả khi ví nhan sắc của nàng với nét đẹp trong khiết, quý giá của thiên nhiên, tạo vật. Nàng là người nhà trời nên nhan sắc không chỉ xinh tươi mà còn vô cùng sang trọng, cao quý.
Bên cạnh đó, tác giả dân gian cũng không ít lần trực tiếp miêu tả dung nhan của Ngọc Long. Nhan sắc của nàng hiện lên cuộc nói chuyện của thầy bói với xã bản:
Sáng hôm sau thấy nàng ra cửa Dong dáng nàng tiên nữ nhà trời Thế gian đâu có được người như thế
Mặt trắng ngần như thể ngọc khôi
Như vậy, so với cách miêu tả trong truyện Tống Kim, ta thấy được rõ ràng hơn, tinh tế hơn trong việc khắc họa dung nhan, ngoại hình nhân vật. Người phụ nữ hiện lên qua trang truyện thơ không chỉ xinh đẹp đơn thuần mà còn mang một vẻ đẹp giàu sức gợi hình, gợi cảm.
Trong truyện thơ Nàng Kim, vẻ đẹp của nhân vật nữ chính cũng được khắc họa rõ ràng. Nàng Kim được giới thiệu là con của Phật, đang đến tuổi cập kê. Nàng có ngoại hình của tiên nữ, tiên nga với khuôn mặt “trắng ngời”, “ngà ngọc”:
Đoạn này nói Tiên Sa thượng các Nàng con Phật ngà ngọc thiên nhan
Ra ngắm cảnh vườn cam hoa nở Mặt trắng ngời tiên nữ Nàng Kim
Nhan sắc xinh đẹp của nàng Kim Thị được miêu tả rõ nét hơn cả khi nàng thoát kiếp người đội lốt khỉ, trở lại dung nhan ban đầu. Trong cuộc thi giữa Chúa Cả, Chúa Hai, Chúa Ba, nàng Kim đều được tiên nga, Bụt Cả giúp đỡ. Khi thì Bụt Cả sai người giúp làm cỗ, khi lại giúp may áo, nhờ thế, chiến thắng đều thuộc về Chúa Ba và Kim Thị. Cuộc thi thứ ba cũng là cuộc thi quyết định, mang tính chất bước ngoặt - cuộc thi người đẹp. Từ đây, nàng Kim được trở về với ngoại hình xinh đẹp, lộng lẫy của một tiên nga:
- Nàng Kim sáng choi chói thân người Da trắng tựa hoa mai mới nở - Trông Nàng Kim óng mượt xinh tươi
Chói lọi như mặt trời ban sớm Đem sánh cả mười tám lân bang Chẳng ai đẹp như nàng Kim Thị Đẹp nhất bậc dương thế cõi trung
Hán Xuân trong truyện thơ Nôm Lưu Đài - Hán Xuân cũng mang đặc điểm chung về ngoại hình của những nhân vật nữ chính trong truyện thơ Nôm Tày. Nàng là con nhà giàu, đang tuổi xuân thì và xinh đẹp vô cùng:
Ngời ngợi ánh hào quang hoa nở Thoa vàng gài mái tóc tựa tiên Nàng tuổi chừng mười lăm đang độ
…Mẹ nàng bảo con gái nõn nà …Mình ngọc ở lầu gác mới thưa
Có thể thấy, khi nhắc đến Hán Xuân, tác giả đã liên tục sử dụng những hình ảnh ước lệ cho vẻ đẹp của nàng. Khi mới sinh ra, Hán Xuân được ví như “một vườn mẫu đơn” lộng lẫy khoe sắc, vẻ đẹp “ngời ngợi ánh hào quang”. Đến khi trưởng thành, vẻ đẹp ấy không chỉ có thể so sánh với những điều tinh túy trên thế gian mà phải vượt lên khỏi giới hạn trần thế: “Thoa vàng cài mái tóc tựa tiên”.
Vẻ đẹp ngoại hình của Kim Nữ (Truyện Chiêu Đức) cũng được tô tạc với những nét vẽ lộng lẫy, xinh tươi như vậy. Nếu như khi giới thiệu hoàn cảnh xuất thân của nhân vật, những truyện thơ khác đều ngầm ý nói đến vẻ đẹp ngay thì truyện Chiêu Đức lại ngầm để chi tiết này lại phía sau. Phải cho tới khi Kim Nữ cất lời phải trái, nói cùng cha mẹ về lời hẹn ước giữa hai gia đình và thái độ kiên quyết của mình, những cụm từ miêu tả ngoại hình của nàng mới xuất hiện. Khi nghe tin cha mẹ có ý bội ước vì gia cảnh Chiêu Đức đổi thay, Kim Nữ không khỏi lo lắng:
Nàng Kim Nữ thanh tân đẹp đẽ Tháng năm trôi ơn kể mẹ cha Đầy tiết thái dương nga yểu điệu
Đoạn thơ vừa khắc họa sự lắng lo của Kim Nữ, vừa khéo léo miêu tả ngoại hình của nàng. Một loạt những từ ngữ gợi hình, gợi tả hiện lên rõ ràng. Đó là người con gái “thanh tân đẹp đẽ”, là nàng “dương nga yểu điệu”. Những đoạn thơ sau, tác giả đã không hề giấu diếm sự ngợi ca khi liên tiếp gắn tên tuổi Kim Nữ với những danh từ, những điển cổ quen thuộc trong hệ thống truyện thơ Nôm Tày như: Nàng Văn Đăm Kim Nữ, nàng ngọc, ngọc nữ, lụa hoa, Ngọc Khôi Châu… Tất cả đều gợi lên một vẻ đẹp duyên dáng, thướt tha, lộng lẫy của nàng.
Tuy nhiên một điều chúng ta cũng có thể nhận thấy đó là vẻ đẹp của những người phụ nữ này chỉ dừng lại ở việc miêu tả chung chung, mang tính khái quát ước lệ nhiều hơn là miêu tả cụ thể, chi tiết. Và sự truyền tải của nghệ
thuật ngôn từ ở đây đôi khi trở nên đơn điệu, chưa thực sự được trau chuốt như văn học chữ Nôm quốc ngữ. Đơn cử, trong thơ Hồ Xuân Hương, vẻ đẹp của người phụ nữ luôn được khắc họa một cách mĩ miều, gợi cảm nhưng không kém phần tế nhị, khéo léo:
Đôi gò Bồng Đảo sương còn đậm Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông
Hay trong Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn (bản diễn Nôm của Đoàn Thị Điểm), người chinh phụ cũng tự ý thức được vẻ đẹp của mình. Bản thân nàng là một phụ nữ trẻ có ngoại hình xinh đẹp “nhan sắc đương thì hoa nở”. Nàng kiêu hãnh ngầm so sánh với những mĩ nhân xưa như Văn Quân, Phan lang. Văn Quân tức Trác Văn Quân, sống ở đời Hán, nổi tiếng xinh đẹp, văn hay:
Kìa Văn Quân mĩ miều thuở trước E đến khi đầu bạc mà thương
Mặt hoa nọ gã Phan Lang Sợ khi mái tóc pha sương cũng ngừng Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở
Tiếc quang âm lần lữa gieo qua
Tóm lại, người phụ nữ trong các truyện thơ Nôm Tày ngay từ đầu đã hiện lên với vẻ đẹp đẽ, cao sang quyền quý, đúng như lời nhận xét của nhà nghiên cứu Vũ Anh Tuấn: “Các nhân vật chính là nữ giới thì ai cũng là người có dòng dõi quyền quý nhưng đều có đức hạnh, đẹp người đẹp nết” [42, 180]. Và đây chính là bước khởi đầu để người đọc tiếp tục được cảm nhận những vẻ đẹp trong tâm hồn, phẩm chất của họ.