7. Cấu trúc của luận văn
3.1.1. Miêu tả ngoại hình nhân vật
Ngoại hình đem đến cho độc giả cái nhìn, thiện cảm ban đầu khi tiếp xúc với nhân vật. Đây là một yếu tố dễ dàng để cảm nhận, bởi thế, các tác giả dân tộc Tày đã phát huy tối đa tác dụng của ngoại hình trong việc đem đến cho độc giả hình dung cụ thể về nhân vật. Trong số những hình tượng nhân vật người phụ nữ mà chúng tôi khảo sát, tất cả đều được hiện lên với ngoại hình xinh đẹp, trong sáng. Vẻ đẹp của họ được miêu tả qua hai cách: gián tiếp và trực tiếp.
Truyện thơ Nôm Tày giai đoạn này có lẽ cũng chịu sự ảnh hưởng của thi pháp văn học trung đại - lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho vẻ đẹp của con người. Đến với những tác phẩm thơ Nôm Tày, một lần nữa, chúng ta lại bắt gặp sự trở lại của hình ảnh thiên nhiên trong sự đối sánh với ngoại hình nhân vật. Đây là một trong những bút pháp tiêu biểu trong cách thức miêu tả gián tiếp.
Với cách thức gián tiếp, vẻ đẹp của người phụ nữ trong những trang viết này được miêu tả qua hệ thống hình tượng độc đáo, mang đậm tính biểu tượng của dân tộc Tày, tiêu biểu là hình tượng “Hoa”. Những người phụ nữ như: Ngọc Long, Hán Xuân, Nàng Kim, Lô Thị… đều gắn liền với biểu tượng “hoa”. Sống giữa núi rừng bao la, người Tày say sưa với thiên nhiên đại ngàn, họ vươn dài trải rộng cảm xúc trước muôn vật của tự nhiên. Giữa một núi rừng âm thanh và màu sắc thì hoa là vẻ đẹp tiêu biểu cho mọi vẻ đẹp của đại ngàn, đó là hoa mơ, hoa mận, hoa đào… Vì vậy mà người Tày dành cho hoa nhiều tình cảm, một tâm hồn lấy hoa làm cơ sở cảm xúc, một cảm xúc lấy hoa làm tiêu chuẩn và điểm tô, một quan điểm đạo đức lấy hoa làm nền. Biểu tượng hoa theo nghĩa đen được hiểu một cách đơn giản đó là vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của núi rừng. Hay nói cách khác, hoa là đại diện cho cái đẹp tự nhiên, cái đẹp thuần túy.
Trong quan niệm của người Tày, hoa không chỉ có ở mường người mà còn có ở mường trời. Người Tày có câu tục ngữ “Con trai con gái, hoa trái của mường”, nhiều bài Sli, Lượn có kiểu mở đầu: “Thân em như hoa” đó là một lối nói để hoa trở thành hình tượng con người. Hoa là người con trai cao quý “Thân anh như hoa vằng giữa chùa”, là những cô gái ăn nói mặn mà “giữa bến bạc kim quý, hoa nở các thứ hoa xứ sở có duyên”, là vẻ đẹp rực rỡ của người con gái có duyên “hoa em ngời tận mắt, hoa em ánh tận mắt”. Hoa ở đây là tuổi trẻ là mùa xuân của đời người “còn xuân ong còn níu còn vờn, hết xuân ong mất hồn bỏ chạy”. Ở đây, hoa là biểu tượng cho vẻ tươi đẹp nhất của con người, con người được đề cao, được ví như những bông hoa thơm ngát tại mường.
Trở lại với hình tượng người phụ nữ trong truyện thơ Nôm Tày, gắn với ý nghĩa biểu tượng “hoa” đã trình bày ở trên, chúng tôi nhận thấy, hoa không chỉ biểu trưng cho tình yêu, cho tín ngưỡng mà còn là một biểu tượng của cái đẹp. Mỗi khi nhân vật xuất hiện cùng hình ảnh hoa là thêm một lần, nhân vật người phụ nữ hiện ra xinh đẹp. Từ nước da, ánh mắt, cử chỉ, dáng vẻ… đều có thể so sánh với hoa. Truyện thơ Lưu Tương (tập 16) đã đưa ra rất nhiều chi tiết miêu tả ngoại hình nhân vật trong thế đối sánh với “hoa”:
- Mặt mũi nàng đẹp tựa như hoa
- Nét mặt như hoa nở xinh tân
- Nhìn tươi như hoa mới nở
- Câu nói như hoa lồm thơm tỏa
- Lời nói như hoa mạ nở vàng
Nét đẹp của nàng công chúa Long vương (truyện thơ Lưu Tương) đã được khắc họa cùng với hình tượng này. Nghệ sĩ dân gian dành những ngôn từ mộc mạc nhưng cũng đủ đầy để tô tạc nét đẹp người phụ nữ: “Chỏi chỏi như bjoóc lồm đang nở” (Nàng đẹp ngời ngời như hoa lồm đang nở). Hoa lồm - một loài hoa vào nở mùa thu, hoa nhỏ, có đài, mùi thơm nhẹ đã được ví von với vẻ đẹp cao sang, đài các của thiếu nữ đôi mươi.
Bên cạnh đó, khi miêu tả ngoại hình của những nhân vật khác như Nghi Xuân, Ngọc Long, Nàng Kim, Xuân Thị… tác giả dân gian có sử dụng điển tích, điển cố “Văn Đăm” nhằm chỉ người con gái xinh đẹp, lấy từ hình tượng mĩ nhân nổi tiếng ở Trung Quốc.
Dường như, ẩn ý là chưa đủ. Bởi thế, trong những sáng tác truyện thơ Nôm, chúng ta còn nhận thấy lời ngợi ca ngoại hình một cách trực tiếp của các tác giả. Họ trực tiếp sử dụng những tính từ như: “xinh đẹp” (Khuyên về hỡi Nghi Xuân xinh đẹp), “Nghi Xuân xinh tươi”, “nhan sắc xinh tươi” (Quan chết bởi Nghi Xuân xinh đẹp/ Vì cha mẹ gian ác chẳng thương)… Nhan sắc của nàng Ngọc Long cũng vậy, hiện lên qua những lời xưng gọi mang đậm màu sắc
ngợi ca: “nàng mặt ngọc”, “người ngọc”, “ngọc nữ”, “nàng tiên nga”, “nàng khôi châu”, “mĩ nữ”…
Như vậy, nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật ở đây có thể tóm gọn trong hai phương thức cụ thể: miêu tả trực tiếp và miêu tả gián tiếp. Dù là phương thức nào thì nhân vật người phụ nữ cũng hiện lên với một vẻ đẹp thuần khiết, duyên dáng, đúng như mơ ước của đồng bào Tày. Phải chăng, với cách khắc họa này, tác giả dân gian đã gửi gắm lời ngợi ca kín đáo, tế nhị đồng thời là niềm tự hào về con người Tày.