Ghép da tự do
Phương pháp ghép da tự do được ứng dụng từ lâu, là phương pháp đơn giản với những mảnh da ghép tự thân chuyển đến những vùng khuyết hổng da và mảng da ghép sống được nhờ sự thẩm thấu từ lớp tổ chức phần mềm nơi ghép. Cho đến nay, phương pháp ghép da khá phổ biến tại các bệnh viện, phương pháp này gồm hai loại là ghép da mỏng và ghép da dày, vùng da để ghép có thể lấy nhiều nơi trên cơ thể. Tuy nhiên, mảnh da ghép thường hay co, dễ dính và không phù hợp với vùng hay va chạm, tỳ đè. Do vậy, phương pháp ghép da thường ít được lựa chọn trong tạo hình che phủ khuyết da và phần mềm bàn, ngón tay [28], [29].
Vạt tại chỗ
Các vạt tại chỗ thường là các vạt ngẫu nhiên, được tạo hình bằng hình thức chuyển, trượt và xoay để che phủ khuyết phần mềm bàn và ngón tay. Các vạt tại chỗ có ưu điểm lớn về màu sắc da tương đồng, có phục hồi cảm
giác tốt và đảm bảo các yêu cầu đặt ra với tạo hình khuyết phần mềm bàn và ngón tay: Va chạm, tỳ đè và cầm nắm. Tuy nhiên, vạt tại chỗ vùng bàn - ngón tay thường có kích thước không lớn, và độ di chuyển không được nhiều, thích hợp cho những khuyết da và phần mềm nhỏ. Đôi khi, vạt tại chỗ thường không sử dụng được do các sang chấn làm ảnh hưởng các vạt lận cận. Một số vạt tại chỗ như: Vạt Atasoy, vạt Kutle, vạt Venkataswami, vạt Hueston, vạt da Moberg, vạt da trượt 2 cuống, Vạt chéo mu ngón tay [28], [30], [31], [32].
Vạt da lân cận
Các vạt da lân cận thường là vạt da ngẫu nhiên, có cuống nuôi từ mạng lưới mạch máu dưới da, vạt thường được làm 2 thì. Một số vạt được sử dụng như: Vạt cờ, vạt ô mô cái, vạt ô mô út [31], [32], [33].
Vạt da có cuống nuôi từ xa
Vạt có cuống nuôi từ xa là vạt da ngẫu nhiên, có cuống nuôi từ mạng lưới mạch máu dưới da. Vạt da có thể lấy được các vùng sao cho thuận tiện, để tay cố định khi chờ cắt cuống vạt thoải mái, thuận lợi cho sinh hoạt.Vạt có cuống nuôi từ xa là vạt có cuống nuôi là ngẫu nhiên, không hằng định, cuống mạch nuôi là lớp dưới da. Có thể vạt ở vùng cánh tay, cẳng tay đối diện, vùng ngực, vùng bụng và bẹn bụng.
Một số vạt hay dùng như: vạt da bụng, vạt da bẹn, vạt cánh tay bên đối diện, vạt cẳng tay bên đối diện…..Các vạt này đều phải phẫu thuật 2 thì, thời gian cố định tay lâu, và vạt phục hồi cảm giác kém và thường dày phải làm mỏng vạt một lần nữa. Do vậy, vạt có cuống nuôi từ xa cũng là giải pháp cuối cùng khi các vạt da khác đã thất bại, áp dụng bệnh viện hay phẫu thuật viện không có điều kiện ứng dụng các vạt da có kỹ thuật cao [32], [34].
Các vạt da có trục mạch
Các vạt da có trục mạch là vạt da có cuống nuôi là các mạch máu rõ ràng, các vạt da dựa trên mạch máu nhất định, vạt có thể được thiết kế theo
dòng mạch máu chảy hoặc ngược dòng mạch máu chảy. Một số vạt như sau: Vạt da đảo bên ngón, vạt da đảo ngược dòng bên ngón, vạt diều bay, vạt liên cốt bàn mu kẽ ngón tay, vạt cẳng tay quay ngược dòng, vạt cẳng tay trụ ngược dòng [28], [29], [35].
Các vạt da tự do có nối mạch vi phẫu
Các vạt da tự do có nối mạch vi phẫu là những vạt da được thiết kế dựa trên những động mạch có nhánh xuyên ra da, vạt được bóc rời khỏi nơi lấy vạt và được chuyển đến vùng che phủ khuyết hổng, tại nơi nhận động mạch và tĩnh mạch vạt sẽ được nối với động mạch và tĩnh mạch nơi nhận tương ứng bằng kỹ thuật vi phẫu phục hồi lưu thông dòng máu. Một số vạt tự do hay dùng như: Vạt delta, vạt cánh tay trong, vạt cánh tay ngoài, vạt da cân cẳng tay quay, vạt da cẳng tay trụ, vạt ô mô út, vạt ô mô cái, vạt đùi trước ngoài, vạt da mu chân, vạt da ngón chân, kẽ ngón chân [36].
Các vạt da tự do có nối mạch vi phẫu có nhiều ưu và nhược điểm, những hạn chế như vạt còn dày, hy sinh mạch nơi cho, mà đôi khi vạt không phải là lựa chọn tốt nhất cho tạo hình che phủ khuyết phần mềm bàn - ngón tay. Trong thời gian qua, nhiều tác giả cũng đưa ra một lựa chọn mới cho tạo hình che phủ bàn ngón tay là vạt tĩnh mạch, vạt tĩnh mạch hóa động mạch và là một hướng đi mới cho tạo hình che phủ bàn, ngón tay và khắc phục được một số nhược điểm các vạt cổ điển trước đây.