4.2.2.1 Nguyên nhân khuyết phần mềm
Trong số 19 trường hợp VTBT của chúng tôi, nguyên nhân hàng đầu là do TNLĐ (11 trường hợp), tiếp đến là do TNSH (5 trường hợp), 2 trường hợp do cắt sẹo và chỉ có 1 trường hợp do TNGT. Điều này cũng giống nhận xét của Nguyễn Hùng Thế [93] và Đào Văn Giang [94]: TNGT có thể gây ra nhiều thương tổn khác trên cơ thể, nhưng lại ít gây VTBT hơn so với các nguyên nhân còn lại.
4.2.2.2 Vị trí thương tổn
Trong nhóm nghiên cứu, chúng tôi gặp 2 ca bàn tay: Một ở mặt gan và một ở mặt mu. Thương tổn ngón cái chiếm 31,7%, các thương tổn này chỉ có ở mặt gan mà không có ở vùng mu ngón. Bên cạnh đó, tổn thương gặp có thể ở một đốt hay 2 đốt ngón cái. Nhiều nhất là tổn thương ngón tay dài (57,9%) với thương tổn cả mặt mu và mặt gan, vị trí có thể 2 đốt và 3 đốt. Tuy nhiên, phần thương tổn khuyết phần mềm lại chủ yếu ở vùng gan tay (vị trí thường tiếp xúc trực tiếp với nguyên nhân gây tai nạn). Theo Nguyễn Hùng Thế [93] thì khuyết phần mềm ngón tay gặp trong 92% các khuyết phần mềm bàn tay
nói chung. Tóm lại, nhóm nghiên cứu có vị trí thương tổn khuyết phần mềm khá đa dạng và phức tạp. Việc nghiên cứu vạt tĩnh mạch phù hợp luôn là thách thức với các phẫu thuật viên, các vạt này có tính linh hoạt trong việc che phủ khuyết phần mềm bàn và ngón tay, đồng thời cũng có thể đáp ứng các yêu cầu về chức năng, cũng như tính thẩm mỹ.
4.2.2.3 Tổn thương phối hợp
Tổ chức dưới da bàn tay rất mỏng, các cấu trúc như gân, xương, khớp nằm ngay dưới da. Do vậy, các tổn khuyết phần mềm thường hay phối hợp với các thành phần gân, xương và khớp. Tùy theo vị trí, mức độ tổn thương mà có các phương pháp điều trị thích hợp. Cần phải xử trí tốt các thương tổn kết hợp để có kết quả thuận lợi về sau, tránh ảnh hưởng đến chức năng bàn tay. Trong nghiên cứu, việc thương tổn gân, xương kèm với khuyết phần mềm chiếm gần 50%. Do vậy, ngoài việc thiết kế vạt che phủ chúng ta cũng tính đến việc xử trí các thương tổn phối hợp. Đặc biệt, trong nhóm nghiên cứu có một trường hợp khuyết cả xương và gân. Như vậy, ngoài việc thiết kế vạt tĩnh mạch che phủ cần tiến tới cả việc tạo vạt tĩnh mạch mang phức hợp gân, xương để tái tạo phục hồi chức năng ngón tay tốt nhất cho bàn tay - ngón tay.
4.2.2.4 Diện tích tổn thương
Có 2 trường hợp (10,5) khuyết da trên 25 cm2, một trường hợp là sau cắt bỏ sẹo co kéo ngón I do rắn cắn, trường hợp khác do tổn thương nhiễm trùng khuyết da toàn bộ mặt mu và gan đốt 2 ngón IV tay T. Còn lại điện tích nhỏ (<10 cm2) chiếm 31,6% và diện tích trung bình (từ 10 cm2 đến 25 cm2) chiếm 57,9%. Trong nghiên cứu này, diện tích thương tổn lớn nhất là 32 cm2. Theo nghiên cứu của Woo S.H. [47] cũng trong tạo hình che phủ các khuyết bàn tay, tổn khuyết lớn nhất là 7 x 6 cm. Như vậy việc thương tổn ngón và nhiều ngón một lúc có thể làm tăng diện tích vạt da, và chúng ta vẫn có thể lấy được vạt có diện tích rộng che phủ khuyết phần mềm bàn tay – ngón tay.