Đối với vạt tĩnh mạch hóa có cuống tĩnh mạch (13 vạt), chúng tôi rạch theo đường rích rắc dọc theo trục chi sao cho dễ dàng phẫu tích tất cả các cuống mạch. Cuống tĩnh mạch “động mạch hóa” được phẫu tích đủ dài để có thể nối được với động mạch nơi nhận. Cuống tĩnh mạch dẫn lưu cho vạt được phẫu tích đến tận điểm xoay của cuống. Điểm xoay này thường là điểm giữa khoảng cách giữa vạt và tổn thương. Sau khi xoay vạt xuống tổn khuyết, nếu đánh giá có nguy cơ gập cuống mạch thì chúng tôi tiếp tục phẫu tích về phía đầu ngón tay, để kéo dài cuống mạch vạt. Sau khi kiểm soát cuống mạch, chúng tôi tiến hành phẫu tích vạt. Vạt được phẫu tích cùng cân sâu để không làm tổn thương các thành phần phía dưới da và mạng tĩnh mạch dưới da, như vậy sẽ đảm bảo mạng tĩnh mạch lớp dưới da. Đi kèm theo vạt
lúc này chỉ có cuống vạt, tổ chức mỡ dưới da và hệ thống tĩnh mạch lớp dưới da. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu giải phẫu cũng hướng thiết kế điểm xoay vạt sao cho an toàn với điểm hình thành cung tĩnh mạch mu tay và vòng nối tĩnh mạch mu tay.
Đối với vạt tĩnh mạch động mạch hóa tự do (6 vạt), chúng tôi tiến hành rạch da theo chu vi vạt tĩnh mạch đã được thiết kế. Bóc tách cả cân sâu vào vạt, trên đường chu vi vạt có tĩnh mạch chạy vào vạt đều giữ lại để đánh giá. Rạch rích rắc vùng cuống vạt đã được thiết kế trước, bóc tách 2 cuống tĩnh mạch đã thiết kế làm tĩnh mạch động mạch hóa và tĩnh mạch dẫn lưu vạt. Nguyên tắc là tĩnh mạch làm động mạch không cần dài, nhỏ và tĩnh mạch dẫn lưu vạt cần to và dài. Sau khi bóc được cuống mạch thì bóc rời vạt da khỏi nơi lấy vạt, các tĩnh mạch chạy vào vùng chu vi vạt để lại khi cần nối thêm tăng dẫn lưu máu cho vạt.
Trong quá trình phẫu tích, chúng tôi tôn trọng nguyên tắc bảo tồn tối đa hệ thống thần kinh nông. Một số tác giả đã ứng dụng loại vạt phức hợp khi lấy kèm theo vạt các thành phần như gân, xương, thần kinh để tạo hình các khuyết phức hợp [63], [96].