Trong số 19 vạt tĩnh mạch hóa động mạch, kết quả gần có 10 vạt sống tốt, 2 trường hợp hoại tử một phần vạt, 7 vạt bị hoại tử toàn bộ. Vạt bị hoại tử một phần vạt tự biểu mô hóa và vạt kia đã được cắt lọc hoại tử, ghép da bổ sung.
Trong những ngày đầu, không có bệnh nhân nào phải mổ lại để can thiệp do các biến chứng sau mổ. Hầu như tất cả các vạt đều gặp tình trạng phù nề, xung huyết, nổi các nốt phỏng nước do bong thượng bì với các mức độ khác nhau, xuất hiện từ ngày thứ 2, 3 và tự hết sau thời gian 2 đến 3 tuần. Tuy nhiên, có một trường hợp chúng tôi nối thêm 1 tĩnh mạch dẫn lưu ở vạt tĩnh mạch có cuống thì việc ứ máu tĩnh mạch cũng ít hơn. Điều này cũng giống các khuyến cáo của các tác giả khác là tạo 2 – 3 nhánh tĩnh mạch dẫn lưu cho vạt tĩnh mạch [99], [104].
Tại thời điểm 3 tháng sau mổ, chúng tôi chỉ đánh giá 12 vạt tĩnh mạch sống, không đánh giá lại 07 vạt tĩnh mạch hoại tử toàn bộ. Do vậy, kết quả đạt được 10/12 bệnh nhân có kết quả tốt và 2/12 bệnh nhân có kết quả khá. Tại thời điểm 6 tháng sau mổ, chúng tôi cũng chỉ đánh giá kiểm tra lại 12 vạt tĩnh mạch sống, và tất cả bệnh nhân kiểm tra đều có kết quả tương tự tại thời điểm 3 tháng. Như vậy, kiểm tra đánh giá có thể ở thời điểm xa hơn nữa khoảng 1 hay 2 năm sau mổ.
Kết quả chung sau mổ chúng tôi đạt được 10/12 trường hợp kết quả tốt, 2/12 trường hợp kết quả khá.
Thực tế các tác giả trên thế giới cũng đã báo cáo kết quả với tỷ lệ thành công dao động rất khác nhau. Woo S.H. [47] và cs đã thành công với 151/154 vạt tĩnh mạch tạo hình bàn tay (98,1%). De Lorenzi F. [96] thành công với 37/40 vạt (92%). Kakinoki R. [101] có 35/51 vạt sống, đạt 68,6%. Klein C. [97] có 15/29 vạt sống. So sánh với các tác giả khác, kết quả của chúng tôi có thấp hơn (12/19 vạt sống). Tuy nhiên, do mới bắt đầu ứng dụng kỹ thuật này, số lượng bệnh nhân còn ít nên chúng tôi không đặt ra vấn đề so sánh kết quả so với các tác giả khác. Vì vậy, chúng tôi chỉ mới bước đầu mô tả kết quả nghiên cứu và đưa ra một số kinh nghiệm thiết kế, sử dụng vạt tĩnh mạch hóa động mạch hiệu quả. Chúng tôi cũng xin tiếp tục nghiên cứu thêm về vạt tĩnh mạch trong thời gian tới.
Chúng tôi nhận thấy yếu tố làm ảnh hưởng đến kết quả chung trong nghiên cứu này là chức năng bàn tay sau mổ. Phân tích lại đối với từng bệnh nhân, chúng tôi rút ra rằng việc xử lý các tổn thương phối hợp (gân, xương, khớp) chưa thật sự triệt để và tập phục hồi chức năng sau mổ chưa thật sự tốt. Điều này làm cho chức năng bàn tay chưa được hoàn hảo theo sự mong đợi.
Để kết quả sau mổ được cải thiện hơn, cần phải kết hợp phương pháp phục hồi chức năng sau mổ. Điều này cũng đã được Nguyễn Hùng Thế [93] nêu ra trong nghiên cứu của mình. Tập luyện phục hồi chức năng là rất quan trọng có tác dụng kích thích hệ tuần hoàn ở vùng bàn tay – ngón tay và tăng cường dẫn lưu máu về tĩnh mạch. Qua đó có tác dụng chống phù nề, giúp cho quá trình liền sẹo vết thương được thuận lợi. Nguyên tắc là tập luyện sớm sau mổ, chương trình luyện tập phù hợp với thương tổn. Mục đích của luyện tập nhằm phục hồi tối đa lại chức năng bàn tay, đưa người bệnh sớm trở lại hoạt động trong cuộc sống.