7. Kết cấu luận văn:
2.2.4 Thực trạng quỹ phát triển nhà ở, quỹ tiết kiệm nhà ở
2.2.4.1 Quỹ phát triển nhà ở
Theo Bộ Tài chính, đến hết 8/2012, cả nước đã có một số địa phương có Quỹ phát triển nhà; 30 tỉnh, thành có Quỹ đầu tư phát triển. Tổng số dư nguồn vốn hoạt động đến tháng 8/2012 đạt trên 15.000 tỉ đồng, các quỹ cho vay được 4.300 chương trình, dự án với tổng số vốn gần 25.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này không thấm vào đâu so với nhu cầu cấp bách về nhà ở xã hội hiện nay của hàng triệu CBCNV.
Tại Hà Nội, được thành lập năm 1999 đến trước khi chuyển đổi 2004, Quỹ phát triển nhà ở Hà Nội mới cho vay được 23 dự án với tổng số tiền 295 tỉ đồng, chủ yếu đầu tư cho nhà tái định cư, nhà ở cho thuê, nhà ở cho người thu nhập thấp. Sau khi được tổ chức lại vào 2005 và sáp nhập với Quỹ đầu tư
phát triển Hà Tây thành Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội, dù tổng số vốn điều lệ trên 1.000 tỉ đồng, nhưng hầu như số dự án xây dựng nhà ở, chung cư dành cho CBCNV được tài trợ vốn từ quỹ này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. TP Hồ chí Minh là một trong số các địa phương có quỹ phát triển nhà ở hoạt động đều đặn và hiệu quả hơn cả. Luận văn nghiên cứu thực trạng quỹ phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh như một trường hợp điển hình.
Quỹ phát triển nhà ở thành phố Hồ Chí Minh được thành lập theo quyết định số 3823/QĐ-UB ngày 04/08/2004 (Ho Chi Minh City Housing Development Fund – HOF), là tổ chức tài chính nhà nước trực thuộc Ủy Ban nhân dân thành phố, có vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng. Quỹ phát triển nhà ở thành phố Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các nhà đầu tư trên lĩnh vực nhà ở và các đối tượng mua nhà. Theo đó, người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có thể vay tiền từ Quỹ để mua nhà. Chức năng và hoạt động chủ yếu: tiếp nhận, quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách cấp, tổ chức huy động các nguồn vốn hợp lệ từ trong và ngoài nước để thực hiện chương trình nhà ở của thành phố. Tuy nhiên với hàng loạt các điều kiện để người có thu nhập thấp tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ, cùng với các thông tin về Quỹ phát triển nhà ở vẫn còn hạn chế, nên số lượng hồ sơ người lao động tiếp cận và được duyệt vay vốn mua nhà từ Quỹ còn rất ít.
Với sứ mệnh tạo chốn an cư cho cán bộ công nhân viên và người TNT ở thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ phát triển nhà ở đã xác định cho mình hai nhiệm vụ chính phải thực hiện: Thứ nhất, xây dựng tạo lập quỹ nhà khang trang, tiện ích, phù hợp với thu nhập của đại đa số người có thu nhập trung bình, thấp nhằm tạo nên một nơi an cư lâu dài cho cán bộ công nhân viên của thành phố. Bên cạnh đó, Quỹ tham gia chương trình nhà ở tái định cư thông qua việc mua lại quỹ nhà để phục vụ cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa tại các
quận theo chỉ đạo của UBND thành phố. Tổ chức khai thác và quản lý nhà lưu trú công nhân góp phần giải quyết một phần nhu cầu bức xúc về chỗ ở của công nhân. Thứ hai là cho vay vốn tạo lập nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp và cán bộ công nhân viên của thành phố, góp phần giải quyết khó khăn về vốn trong khi khả năng tích lũy phần vốn tự có của họ còn hạn chế để có thể mua nhà; song song đó Quỹ cũng cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp được vay vốn với lãi suất ưu đãi để các chủ đầu tư có thể đẩy nhanh tiến trình xây dựng,tạo lập quỹ nhà ở cho các chương trình về nhà ở thu nhập thấp theo định hướng của UBND Thành phố. Ngoài ra, Quỹ còn kết hợp Ngân hàng Thế giới (Worldbank) và Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị thành phố Hồ Chí Minh thành lập Quỹ quay vòng vốn với mục đích cung cấp các khoảng tín dụng vi mô để cho các hộ gia đình nghèo có điều kiện nâng cấp sữa chữa lại ngôi nhà của họ.
Theo số liệu báo cáo của HOF, Quỹ góp phần thực hiện các chính sách về nhà ở của thành phố nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho cán bộ, công nhân viên, người thu nhập thấp trên địa bàn TP. HCM. Qua 08 năm hoạt động, Quỹ đã giải quyết cho hơn 1.000 cán bộ công chức viên chức thành phố vay tiền để tạo lập nhà ở với tổng số tiền giải ngân trên 300 tỷ đồng; Tài trợ cho vay 09 dự án xây dựng nhà tái định cư, nhà ở xã hội với tổng số tiền giải ngân là 317 tỷ đồng; Triển khai chương trình cho vay sửa chữa, cải tạo nhà ở từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới cho hơn 4.726 hộ với tổng số tiền trên 69 tỷ đồng. Mặc dù số lượng cán bộ, công chức được vay vốn từ Quỹ ngày càng tăng nhưng vẫn còn quá khiêm tốn so với nhu cầu của hàng ngàn cán bộ, công chức khó khăn về nhà ở hiện nay.
Một trong những rào cản đối với người thu nhập thấp khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ phát triển nhà là người đi vay phải có tối thiểu 30% giá trị căn nhà và được vay không quá 300 triệu đồng/hồ sơ vay. Như
vậy, nếu làm bài tính ngược trên các con số quy định này thì người đi vay phải có ít nhất khoảng 130 triệu đồng, cộng với 300 triệu đồng vay từ Quỹ, tổng số tiền có để được mua nhà là khoảng 430 triệu đồng/căn, với mức giá này để kiếm được một căn nhà trên địa bàn thành phồ Hồ Chí Minh là rất khó với giá trị căn hộ trung bình cho đối tượng có thu nhập trung bình và thấp hiện nay cũng phải trên 500 triệu đồng. Còn nếu kiếm được căn hộ khoảng 600 - 700 triệu đồng/căn thì người đi vay phải có ít nhất 300 - 400 triệu đồng vốn tự có, đây là một con số mà cán bộ, công chức cũng khó có thể tích lũy được.
Quỹ Phát triển nhà ở là mô hình thí điểm của thành phố Hồ Chí Minh nên cơ chế hoạt động vẫn mang tính chất vận dụng. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, Quỹ dần dần tạo được thương hiệu của mình trên thị trường, hoạt động của Quỹ ngày càng phát triển, cùng góp phần với UBND thành phố Hồ Chí Minh giải quyết nhu cầu về nhà ở cho cán bộ công nhân viên-người thu nhập thấp trên địa bàn TPHCM.
Như vậy, hiệu quả hoạt động của các quỹ này thời gian qua quá hạn chế, số lượng dự án được vay quá ít, thủ tục rườm rà khiến chủ đầu tư các dự án cũng không mặn mà. Trong bối cảnh Hà Nội và TP.HCM đang tồn đọng hàng nghìn căn hộ, dự án dang dở, đây là cơ hội để chính quyền vào cuộc thông qua các quỹ giải quyết nhu cầu nhà ở cho CBCNV. Chính quyền có thể rà soát, chọn dự án để mua, bán lại hoặc đầu tư thành nhà cho thuê giá rẻ dành cho CBCNV. Cũng có thể xem xét hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng của một số dự án, đổi lại chủ đầu tư phải xây dựng các căn hộ giá thấp để bán cho CBCNV…