Đối với cây lạc, sử dụng các vật liệu che phủ đất đều có tác dụng tốt cho sự sinh trưởng phát triển của cây lạc và hiệu quả kinh tế như: Kết quả nghiên cứu về biện pháp che phủ cho lạc tại một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam cho thấy, che phủ làm rút ngắn thời gian nảy mầm, mật độ bảo đảm do tỉ lệ nẩy mầm cao, ra hoa sớm, tăng số lượng quả chắc/cây, tăng năng suất và hạn chế cỏ dại, tăng dinh dưỡng cho lạc và tăng độ phì nhiêu của đất, giữ nhiệt và ẩm độ cho đất (Ramakrishna et al., 2006).
Về ảnh hưởng của loại vật liệu phủ đất trong sản xuất lạc, theo nghiên cứu của Ramakrishna et al. (2006) thực hiện nghiên cứu trong vụ xuân ở miền Bắc Việt Nam và theo nghiên cứu dài hơi (từ năm 1992 đến năm 1999) của Ghosh et al. (2006) trong vụ hè ở Ấn Độ có đánh giá chung khi so sánh giữa che phủ bằng vật liệu ni lông chuyên dụng và rơm là: cả hai loại vật liệu cơ bản đều có ảnh hưởng tốt đến sinh trưởng, phát triển của lạc, hạn chế cỏ dại và hiệu quả kinh tế như nhau. Tuy nhiên, áp dụng phủ đất bằng rơm vừa tiện lợi và thân thiện với môi trường hơn ni lông, vừa cung cấp một phần đáng kể dinh dưỡng cho đất.
Ở Việt Nam việc sử dụng vật liệu che phủ để che phủ đất đã được ứng dụng từ lâu. Người nông dân đã sử dụng rơm rạ để che phủ mặt đất khi canh tác hành tỏi, cà chua, rau thơm, lạc, ngô... Ngoài biện pháp sử dụng tàn dư cây trồng nông dân còn sử dụng những thực vật sống (cây che phủ) để che phủ đất, sử dụng các biện pháp sinh học như trỗng xen, trồng gối, luân canh cây trồng. Các biện pháp che phủ đã có tác dụng tốt trong việc giữ ẩm, chống xói mòn, bảo vệ và cải tạo đất tốt, chi phí thấp, hiệu quả lại cao nên được nhiều nông dân chấp nhận. Các kết quả nghiên cứu tác dụng của che phủ cho thấy: Che phủ đất có tác dụng
hạn chế xói mòn rửa trôi đất, giữ ẩm cho đất, khống chế cỏ dại, cải thiện độ phì của đất, tăng cường hoạt tính sinh học đất, tăng năng suất cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất (Hà Đình Tuấn và cs., 2011).
Đối với cây lạc, Trung tâm thực nghiệm đậu đỗ tiến hành thử nghiệm kỹ thuật trồng lạc phủ ni lông từ năm 1996-1997 và đã được Hội đồng Khoa học công nghệ cho phép khu vực hóa mở rộng sản xuất. Việc áp dụng kỹ thuật che phủ ni lông ở các tỉnh phía Bắc đã mang lại nhiều kết quả tốt. Năng suất lạc trong vụ xuân ở Nam Định đạt 4,4 tấn/ha… Mức độ chấp nhận của người dân với tiến bộ kỹ thuật này được thể hiện rõ qua diện tích áp dụng kỹ thuật phủ ni lông mới chỉ được 11 ha năm 1996, tăng lên 150 ha năm 1998 và đạt 394 ha năm 1999, trong đó Nam Định là tỉnh ứng dụng kỹ thuật này nhanh và có hiệu quả cao nhất 92 ha, sau đó là tỉnh Bắc Giang 68 ha. Năm 2000 diện tích gieo trồng lạc bằng kỹ thuật này đã tăng lên gần 1000 ha (Trần Đình Long và cs., 1999).
Theo Nguyễn Thị Chinh và cs. (2001) cho rằng việc che phủ ni lông cho giống lạc L02 trong vụ xuân năng suất tăng 43%, trong vụ thu đông năng suất đã tăng lên 54,7% so với không che phủ. Nguyễn Thị Chinh và cs. (2002) kết luận về hiệu quả kinh tế của việc che phủ ni lông cho lạc: Trồng lạc có che phủ ni lông đã phải đầu tư thêm chi phí và thuốc trừ cỏ là 1.556.000 đ/ha. Ngoài ra mỗi ha phải tăng thêm 27 công gieo trồng, 54 công đục lỗ, thu lượm ni lông sau thu hoạch. Nhưng áp dụng kỹ thuật này người trồng lạc không phải tốn công làm cỏ, giảm bớt được khoảng 135 công/ha, tương đương 1.350.000 đ/ha. Mặc dù chi phí vật tư ban đầu cao hơn so với sản xuất không phủ ni lông nhưng năng suất đã tăng bình quân 1 tấn/ha và lãi thuần tăng lên 3.358.000 đ/ha.
Theo Vũ Ngọc Thắng và Vũ Đình Chính (2007) việc sử dụng vật liệu che phủ cho cây lạc trong vụ thu đông đã và đang đem lại hiệu quả to lớn cho sản xuất lạc tại Việt Nam. Các tác giả cũng cho rằng sử dụng các vật liệu che phủ có tác dụng làm tăng các chỉ tiêu sinh trưởng, sinh lý và các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất bên cạnh đó áp dụng công thức che phủ làm tăng độ ẩm đất hơn so với công thức không che phủ.
Ngoài che phủ bằng xác thực vật, để tăng năng suất cho lạc, người ta còn dùng nilon trắng phủ lên bề mặt luống. Điều này còn làm tăng nhiệt độ đất, hạn chế bốc hơi nước, chống xói mòn đất, rửa trôi phân bón, hạn chế cỏ dại, cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn là không che phủ. Với các ưu điểm nổi bật: điều chỉnh nhiệt độ đất, giữ ẩm cho đất, cải thiện kết cấu đất, hạn chế cỏ dại, tăng hoạt
động của hệ vi sinh vật trong đất do đó giúp cây mọc nhanh, đảm bảo mật độ, sinh trưởng, phát triển khoẻ, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 8-10 ngày và làm tăng năng suất lạc từ 25-35% (Đường Hồng Dật, 2007).
Nghiên cứu ảnh hưởng của các loại vật liệu che phủ đến sinh trưởng phát triển và năng suất giống lạc L14 gồm: nilon tự hủy, nilon thường, rơm rạ và không che phủ. Tác giả Vũ Văn Liết và cs. (2010) đã chứng minh rằng các vật liệu che phủ có tác dụng làm tăng các yếu tố cấu thành năng suất như tổng số quả/cây, tỷ lệ quả chắc/cây, năng suất thực thu.
Sản xuất lạc được đầu tư vật liệu phủ đất đã có tác dụng cải thiện được lý hoá tính, tăng độ phì của đất tạo điều kiện cho lạc sinh trưởng phát triển thuận lợi hơn trong suốt thời vụ gieo trồng góp phần tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, việc ứng dụng vật liệu phủ đất trong sản xuất lạc đã cải thiện nhiều chỉ tiêu hoá tính đất sau khi kết thúc vụ sản xuất, có lợi cho các cây trồng vụ sau. So sánh giữa hai loại vật liệu rơm và ni lông thì phủ đất bằng rơm có ưu điểm hơn so với phủ đất bằng ni lông (Hồ Khắc Minh, 2014). Việc che phủ đất có tác dụng rõ rệt đến việc nâng cao năng suất cây trồng. Kết quả nghiên cứu của một số tác giả trong nước cho thấy che phủ đất bằng xác thực vật khô (rơm, rạ, thân cây ngô, lạc....) đã làm tăng năng suất nhiều loại cây trồng như cây điều: 25- 35%; cây dâu: 18-20%; ngô từ 25-45%, lạc từ 25-50% và đậu tương từ 22-35%... (Lê Quốc Thanh và cs., 2016).