Trong cơ quan sinh dục của lợn nái tử cung là một trong những bộ phận quan trọng nhất, nếu tử cung xảy ra bất kỳ quá trình bệnh lý nào thì đều ảnh hưởng rất lớn tới khả năng sinh sản của lợn mẹ và sự sinh trưởng, phát triển của lợn con.
Theo F.Madec and C.Neva (1995), hiện tượng viêm tử cung âm ỉ kéo dài từ lứa đẻ trước đến lần động dục tiếp theo có thể giải thích nguyên nhân làm giảm độ mắn đẻ, từ đó làm giảm năng xuất sinh sản.
Theo Waller C. M. et al. (2002), bệnh đường sinh dục của lợn sau đẻ ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai của lứa sau, số con lứa sau sẽ ít hơn lứa trước, dẫn đến thu nhập kinh tế bị thiệt hại. Waller C. M. et al. (2002), đã cụ thể hóa kết quả nghiên cứu, cho thấy lợn nái sau đẻ chảy dịch lợn nái nào lứa 1 bị chảy dịch nhiều hơn 6 ngày thì số lượng lợn con sinh ra ở lứa sau sẽ ít hơn những con bị chảy dịch dưới 6 ngày
Theo Trần Tiến Dũng và cs. (2002); Trần Thị Dân (2004), khi lợn nái bị viêm tử cung sẽ dẫn tới một số hậu quả chính sau:
- Khi lợn bị viêm tử cung dễ dẫn tới sảy thai: lớp cơ trơn ở thành tử cung có đặc tính co thắt. Khi gia súc cái mang thai, dưới tác dụng của Progesterone sự co thắt của cơ tử cung giảm đi, do đó phôi thai có thể bám chặt vào tử cung. Khi tử cung bị viêm cấp tính do nhiễm trùng, tế bào lớp nội mạc tử cung tiết nhiều Prostaglandin F2α (PGF2α), PGF2α gây phân hủy thể vàng ở buồng trứng bằng cách bám vào tế bào của thể vàng để làm chết tế bào và gây co mạch hoặc thoái hóa các mao quản ở thể vàng nên gảm lưu lượng máu đi đến thể vàng. Thể vàng bị phá hủy không tiết Progesterone nữa, hàm lượng Progesterone trong máu giảm làm cho tính trương lực cơ của cơ tử cung tăng lên, do đó gia súc cái có chửa dễ bị sảy thai.
- Lợn mẹ bị viêm tử cung bào thai cũng phát triển kém hoặc thai chết lưu: lớp nội mạc tử cung có nhiệm vụ tiết các chất vào lòng tử cung để nuôi dưỡng phôi thai phát triển. Khi lớp nội mạc bị viêm cấp tính, lượng Progesteron giảm nên khả năng tăng sinh và tiết dịch của niêm mạc tử cung giảm, do đó bào thai nhận được ít, thậm chí không nhận được dinh dưỡng từ mẹ nên phát triển kém hoặc chết lưu.
- Sau khi sinh lợn con giảm sức đề kháng và khả năng sinh trưởng của lợn con theo mẹ: khi lợn nái bị nhiễm trùng tử cung, trong đường sinh dục thường có mặt của vi khuẩn E.coli, vi khuẩn này tiết ra nội độc tố làm ức chế sự phân tiết kích thích tố tạo sữa Prolactin từ tuyến yên, do đó lợn nái bị giảm hoặc mất hẳn sữa. Lượng sữa giảm, thành phần sữa cũng thay đổi nên lợn con của những lợn mẹ bị viêm tử cung thường bị tiêu chảy, còi cọc.
- Lợn nái bị viêm tử cung mạn tính sẽ ảnh hưởng đến khả năng động dục trở lại: nếu tử cung bị viêm mạn tính thì sự phân tiết PGF2α giảm, do đó thể vàng vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục tiết Progesterone. Progesterone ức chế thùy trước tuyến yên tiết LH, do đó ức chế sự phát triển của noãn bao trong buồng trứng, nên lợn nái không thể động dục trở lại được và không thải trứng được.
Theo F.Madec and C.Neva (1995), ảnh hưởng rõ nhất trên lâm sàng mà người chăn nuôi và bác sỹ thú y nhận thấy ở lợn viêm tử cung lúc sinh đẻ là: chảy mủ ở âm hộ, sốt, bỏ ăn. Mặt khác, các quá trình bệnh lý xảy ra lúc sinh đẻ ảnh hưởng rất lớn tới năng xuất sinh sản của lợn nái sau này. Tỷ lệ phối giống không đạt tăng lên ở đàn lợn nái viêm tử cung sau khi sinh. Hiện tượng viêm tử cung âm ỉ kéo dài từ lứa đẻ trước đến lứa đẻ sau là nguyên nhân làm giảm độ mắn đẻ. Ngoài
ra, viêm tử cung là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng MMA, từ đó làm cho tỷ lệ lợn con cai sữa thấp. Đặc biệt, nếu viêm tử cung kèm theo viêm bàng quang thì còn ảnh hưởng tới hoạt động của buồng trứng.
Theo Nguyễn Văn Thanh (2007), giữa bệnh viêm tử cung ở lợn nái và đàn lợn con nuôi theo mô hình trang trại có mối quan hệ tác động qua lại. Đàn lợn con được sinh ra từ những con mẹ mắc bệnh viêm tử cung sẽ bị mắc hội chứng tiêu chảy với tỷ lệ khá cao, trung bình 68,01%.
Qua đó ta thấy hậu quả của viêm tử cung là rất lớn, để tỷ lệ mắc bệnh giảm, người chăn nuôi phải có những hiểu biết nhất định về bệnh từ đó tìm ra biện pháp để phòng và điều trị hiệu quả.