Sau khi thẩm tách miễn dịch Western Blot sử dụng màng Polyvinylidene Fluoride đối với kháng nguyên chất tiết và kháng nguyên thân giun móc chó chúng tôi có kết quả được trình bày ở hình 4.2
Qua kết quả, chúng tôi đã xác định được các thành phần protein có đáp ứng miễn dịch đặc hiệu với kháng thể của chó nhiễm giun móc. Cụ thể, kháng nguyên thân có 10 vạch protein có khối lượng phân tử lần lượt là 12, 15, 28, 32, 40, 43, 50, 70, 95, 250 kDa. Đặc biệt hơn tại các vạch protein 28, 32, 50, 70, 95 kDa hiện rõ nét trên màng lai. Kháng nguyên chất tiết có 3 vạch protein là 95, 70, 50 kDa. Trong khi đó không thấy xuất hiện vạch protein trên đối chứng âm do kháng nguyên chất tiết không có đáp ứng miễn dịch với kháng thể âm lên không xuất hiện. Những protein có kích thước 95 và 250 kDa có nồng độ protein cao khi chạy SDS-PAGE không thấy xuất hiện khi làm Western Blot, cũng như các band hiện rõ nét trên màng lai không xuất hiện trên bản gel SDS-PAGE. Đó có thể là do phương pháp Western Blot có độ nhạy cao, dùng để phát hiện các thành phần protein có đáp ứng miễn dịch đặc hiệu với kháng thể chó nhiễm bệnh giun móc.
Hình 4.2: Kết quả thẩm tách miễn dịch Western Blot trên màng lai PVDF
Ghi chú: M: Thang khối lượng protein (10-250kDa); ES: Kháng nguyên chất tiết; SA: kháng nguyên thân; PC: Đối chứng dương; NC: Đối chứng âm.
Các thành phần protein có trong kháng nguyên thân và kháng nguyên chất tiết của giun móc được sử dụng nhiều trong các nghiên cứu về miễn dịch của căn bệnh này. Ngày nay, nhiễm giun móc vẫn là một vấn đề sức khoẻ lớn mà các phương pháp chẩn đoán mới sẽ giúp cải thiện các nghiên cứu dịch tễ học và các nỗ lực trong kiểm soát căn bệnh này. Theo nghiên cứu của Bungiro RD Jr et al.,
2002 thì khi nuôi cấy in vivo, giun trưởng thành A. ceylanicum tạo ra nhiều kháng nguyên chất tiết (protein ES) và 18 thành phần protein trong đó có khả năng miễn dịch cao.
Bin et al.(2005) sau khi thẩm tách miễn dịch trên màng lai PVDF với kháng nguyên chất tiết giun móc A. Caninum thấy protein hiện rõ nét ở khối lượng khoảng 30 kDa. Với mẫu huyết thanh chó đã nhiễm bệnh phát hiện các protein chất tiết loài Unicaria stenocephala có khối lượng phân tử dao động 43- 67 kDa. (Postigo et al., 2003). Andew et al.(1986) cũng xác định được phân tử kháng nguyên thân và chất tiết có khối lượng phân tử là 33 kDa có đáp ứng đặc hiệu với huyết thanh của người nhiễm giun móc N. americanus. So với kết quả của chúng tôi có sự khác nhau, có thể là do các loài giun móc nghiên cứu của các tác giả nêu trên khác với nghiên cứu của chúng tôi. Nhưng có thể nhận ra rằng các protein có khối lượng phân tử dao động 30 kDa đã được tìm thấy trên nhiều loài. Nên có thể protein có khối lượng phân tử 28 kDa và 32 kDa là kháng nguyên chính và có ý nghĩa trong chẩn đoán.