Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.3. Ứng dụng phương pháp elisa
Chúng tôi chẩn đoán giun móc cho 39 trường hợp tại phòng khám và chăm sóc Thú cưng GAIA, sử dụng đồng thời hai phương pháp phù nổi Fülleborn và phương pháp ELISA với nồng độ kháng nguyên 0,005 µg/ml, nồng độ pha loãng kháng thể là 1/800. Kết quả chẩn đoán được trình bày ở Hình 4.8.
p< 0,05
Hình 4.8. Biểu đồ kết quả chẩn đoán dương tính giun móc
Kết quả thí nghiệm cho thấy có sự chênh lệch rõ ràng giữa kết quả chẩn đoán của phương pháp ELISA và phương pháp phù nổi. Qua chẩn đoán bằng phương pháp ELISA, tỉ lệ dương tính với giun móc chó trong 39 cá thể đạt 69,23%. Đối với phương pháp phù nổi, tỉ lệ dương tính đạt 25,64%. Như vậy, tỉ lệ chẩn đoán mắc bệnh của phương pháp ELISA cao hơn rất nhiều so với phương pháp xét nghiệm phân. Các tác giả O. R. McCoy (1930) và Richard D. Bungiro et al.(2005) đã khẳng định rằng cần ít nhất từ 12 tới 17 ngày sau khi nhiễm ấu trùng mới có thể phát hiện trứng giun móc ở trong phân. Điều này cho thấy trong các trường hợp được chẩn đoán, một số cá thể mới nhiễm giun móc nhưng chưa tới giai đoạn thải trứng ra ngoài cơ thể. Như vậy phương pháp phát hiện trứng có độ nhạy kém hơn so với phương pháp huyết thanh học. Tuy nhiên, phương pháp ELISA chỉ có thể phát hiện kháng thể giun móc, không thể đưa ra kết luận là cá thể đó có bị nhiễm hay không vào thời điểm chẩn đoán vì kháng thể vẫn có thể tồn tại trong cơ thể vật chủ một thời gian sau khi đã khỏi bệnh. Mặc dù vậy,
phương pháp ELISA vẫn có ý nghĩa lớn trong việc hỗ trợ chẩn đoán và trong điều tra dịch tễ học.
Theo nghiên cứu của Richard D. Bungiro, JR. et al., 2005 thì khi tiến hành những nghiên cứu sơ bộ bằng ELISA trong phân có thể cung cấp phương tiện để hỗ trợ chẩn đoán nhiễm giun móc với cường độ thấp mà không thể phát hiện bằng các xét nghiệm phân thông thường, thay vào đó có thể ước tính chính xác hơn về tỷ lệ nhiễm giun móc. Trong một số trường hợp nhiễm trùng thực nghiệm với giun móc A. caninum thì phương pháp ELISA có kết quả dương tính 100% so với các xét nghiệm phân thông thường dựa trên phát hiện trứng trong phân. Ngoài ra, ELISA cũng có khả năng phát hiện nhiễm giun móc trong các giai đoạn trước, trên thực tế phản ứng ELISA cho loài A. caninum đã phát hiện nhiễm giun từ 2 tuần trước khi quan sát thấy trứng, điều này cho thấy phản ứng ELISA có khả năng phát hiện ở giai đoạn những con giun còn chưa phát triển đến dạng trường thành trong ruột (Elsemore et al., 2014)
Trong một nghiên cứu khác của Schad et al., 1982, phản ứng ELISA của loài A. caninum đều phát hiện số người nhiễm bệnh cao hơn so với phương pháp phù nổi thông thường (19 mẫu kháng nguyên dương tính và 13 mẫu dương tính với phương pháp phù nổi). Do đó, việc phát hiện kháng nguyên A. caninum mà không có trứng trong phân có thể được coi là đặc hiệu hơn. Nếu các mẫu dương tính với phương pháp phù nổi tiếp tục được kiểm tra bằng phương pháp ELISA thì rõ ràng có một tập hợp các mẫu dương tính với phương pháp phù nổi nhưng lại âm tính với phương pháp ELISA. Điều này có thể hữu ích trong việc giảm chẩn đoán nhầm căn bệnh.
Trong nhiều trường hợp, vật chủ vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh giun móc chó bất cứ lúc nào từ sự xâm nhập qua da của ấu trùng giun móc hay nuốt phải trứng hoặc ấu trùng giun móc ở giai đoạn gây nhiễm. Do đó, ngay cả khi vật chủ đã thường xuyên được phòng ngừa (sử dụng thuốc tẩy giun định kì) thì những con giun này vẫn có thể có một cơ hội nhỏ để phát triển đến giai đoạn trưởng thành và tiếp tục kí sinh trong ruột. Do đó phải tiến hành kiểm tra phân thường xuyên và có thể sử dụng phương pháp ELISA để chẩn đoán chính xác căn bệnh để điều trị kịp thời.