Tình hình và kinh nghiệm phát triển làng nghề truyền thống tại một số địa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển làng nghề vàng bạc truyền thống ở huyện bình giang, tỉnh hải dương (Trang 38 - 41)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Cơ sở thực tiễn của đề tài

2.2.2. Tình hình và kinh nghiệm phát triển làng nghề truyền thống tại một số địa

địa phương ở Việt Nam

a. Kinh nghiệm của tỉnh Bắc Ninh trong việc phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Ninh có 62 làng nghề, chủ yếu trong các lĩnh vực như đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, sản xuất giấy, gốm, sắt, thép tái chế, đúc đồng...; trong đó có 31 làng nghề truyền thống và 31 làng nghề mới, chiếm khoảng 10% tổng số làng nghề truyền thống của cả nước. Các làng nghề tập trung chủ yếu ở 3 huyện Từ Sơn, Yên Phong và Gia Bình (3 huyện này có 42 làng nghề, chiếm gần 68% số làng nghề của tỉnh). Nhiều làng nghề của Bắc Ninh như: gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, tranh Đông Hồ... có từ lâu đời và nổi tiếng cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh việc được chiêm ngưỡng và tự tay tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm truyền thống, du khách còn đồng thời được khám phá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc luôn gắn liền với lịch sử phát triển của sản phẩm làng nghề. Các di tích lịch sử văn hóa làng nghề đã được quan tâm tu bổ, tôn tạo, nhiều di tích tiêu biểu như đình, chùa, đền, nhà thờ tổ sư đã được Nhà nước cấp bằng công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh như: lăng mộ tổ sư nghề đồng Nguyễn Công Truyền ở Ðại Bái, lăng mộ và đền thờ tổ sư nghề đúc đồng Nguyễn Công Nghệ ở Quảng Bố, đình chùa làng Ðồng Kỵ, đình đền làng Trang Liệt, đền thờ Thái bảo Quận công Trần Ðức Huệ ở Ða Hội, đình chùa làng Phù Lưu, đình Ðình Bảng, đền Ðô, đình làng Dương Ổ... Lễ hội ở các làng nghề truyền thống cũng được khôi phục và duy trì với nhiều nghi thức trang nghiêm với các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian phong phú, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa cộng đồng của các làng nghề truyền thống như: lễ hội làng nghề Ðại Bái, lễ hội làng nghề Ðồng Kỵ, lễ hội đền Ðô - Ðình Bảng, lễ hội làng Ðống Cao, làng Châm Khê... (Nguyễn Thị Kim Liên, 2011).

b. Kinh nghiệm phát triển làng nghề của tỉnh Quảng Bình

Nhằm thúc đẩy nghề và làng nghề phát triển, tỉnh Quảng Bình đã tiến hành quy hoạch cụ thể xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu làng nghề tiểu thủ công nghiệp, chú trọng đầu tư những ngành nghề có lợi thế về nguyên liệu tại chỗ, trong đó, ưu tiên, khuyến khích phát triển mạnh những cơ sở chế biến các sản phẩm có nguyên liệu từ nông-lâm-thuỷ sản, sản xuất mỹ nghệ, hàng lưu niệm phục vụ du lịch và xuất khẩu.

Tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung bao gồm 10.000 ha cao su, 15.000 ha nhựa thông, 5000 ha cây công nghiệp ngắn ngày, 1000 ha dâu tằm.v.v.. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm, hình thành trung tâm xúc tiến thương mại du lịch để hướng dẫn, giúp đỡ và cung cấp thông tin về giá cả, thị truờng tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề. Hỗ trợ một phần kinh phí cho các các làng nghề trong tỉnh đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất theo phương châm kết hợp công nghệ tiên tiến, hiện đại với kinh nghiệm truyền thống để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả của sức cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài việc tăng cường bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, quản lý cho các chủ làng nghề, các trường quản lý, trường dạy nghề của tỉnh đổi mới phương thức dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động. Ngoài việc tổ chức các làng nghề đi tham quan, học tập, hàng năm, tỉnh và các huyện, thành phố trong tỉnh có kế hoạch mời các chuyên gia giỏi, các nghệ nhân có kinh nghiệm truyền nghề ở các tỉnh bạn về dạy nghề và truyền nghề cho lao động tại địa phương (Nguyễn Thị Kim Liên, 2011).

c. Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam hiện có 61 làng nghề, đa dạng về quy mô và loại nghề truyền thống. Những làng nghề này sau khi khôi phục hoạt động khá tốt còn trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Làng rau Trà Quế (thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An) là một trường hợp điển hình. Cũng những công việc hàng ngày như cuốc đất, vun luống, bón phân, gieo hạt, trồng rau… nhưng ngoài thu hoạch sản phẩm, nhà vườn ở đây còn có nguồn thu đáng kể từ du lịch. Từ năm 2003, khi tour "Một ngày làm cư dân phố cổ" ra đời, nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, đã đến thăm Trà Quế và trực tiếp tham gia việc trồng rau với các nhà vườn. Sau gần 5 năm đưa vào khai thác, đến nay đã có hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến thăm làng rau Trà Quế và tỏ ra rất thích thú với điểm đến du lịch này.

Tại làng gốm Thanh Hà, nằm bên bờ sông Thu Bồn, thuộc xã Cẩm Hà, cách phố cổ Hội An khoảng 2km về hướng Tây, người dân nơi đây đã mở ra các dịch vụ như hướng dẫn du khách cách làm gốm từ khâu nhào đất sét, nắn hình thù đến cách nung sao cho có màu bóng đẹp không bị cháy, bị chai.v.v.

Du khách đến đây, ngoài việc tha hồ lựa chọn các sản phẩm lưu niệm bằng gốm độc đáo, còn được tận mắt chứng kiến những thao tác điêu luyện từ những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề này.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch làng nghề như tổ chức thành công các Hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh mỗi năm một lần, tổ chức tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ du lịch trong nước và ngoài nước. Giới thiệu thông tin chi tiết về các sản phẩm làng nghề trên các tạp chí, các phương tiện thông tin đại chúng, các sách báo, ấn phẩm mà khách du lịch thường quan tâm theo dõi. Ðẩy mạnh việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các thành phố, đô thị lớn là nơi tập trung nhiều du khách. Các cửa hàng trưng bày này có thể kết hợp giới thiệu về những truyền

tích, giai thoại về các vị tổ sư, những người thợ cùng với kinh nghiệm kết tinh trí tuệ nét đẹp văn hóa của những làng nghề. Liên kết xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các công ty du lịch của tỉnh và các địa phương khác để xây dựng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin và có nguồn khách ổn định (Nguyễn Thị Kim Liên, 2011).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển làng nghề vàng bạc truyền thống ở huyện bình giang, tỉnh hải dương (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)