Các yếu tố ảnh hưởng đến chi ngân sách nhà nước cấp huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích chi ngân sách nhà nước huyện giao thủy tỉnh nam định (Trang 27 - 31)

2.1.3.1. Nhóm yếu tố khách quan

a. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ở địa phương

Ở mỗi vùng, mỗi lãnh thổ có điều kiện tự nhiên khác nhau thì chi ngân sách cũng sẽ khác nhau, những nơi có điều kiện tự nhiên không thuận lợi định mức phân bổ chi ngân sách sẽ được ưu tiên hơn. Chẳng hạn, ở địa phương miền núi sẽ được phân bổ định mức chi ngân sách cao hơn vùng đồng bằng hoặc những vùng nhiều sông, lại hay xảy ra lũ lụt thì các khoản chi NSNN sẽ tập trung vào xây dựng đê, kè, và tu sửa đê, khi xây dựng công trình phải tránh mùa mưa, bão và có những biện pháp hữu hiệu để tránh thiệt hại xảy ra nhằm đảm bảo chất lượng công trình; hoặc địa phương có địa hình chủ yếu là đồi núi, dốc thì chú ý đầu tư cho giao thông thuận lợi để có thể phát triển kinh tế và phát triển các ngành nghề phù hợp với điều kiện địa hình đó. Vì vậy, quản lý chi NSNN trong đầu tư xây dựng cơ bản chịu ảnh hưởng nhiều từ các điều kiện tự nhiên ở địa phương

Chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đều chịu ảnh hưởng bởi điều kiện kinh tế xã hội.Điều kiện kinh tế- xã hội càng cao thì các nguồn thu NSNN càng lớn, đồng thời cũng khai thác tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai thuận lợi cho việc khai thác các nguồn thu và khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tốt hơn sẽ thu hút được các nhà đầu tư và đầu tư kinh doanh, góp phần thức đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, tăng thu cho ngân sách và đáp ứng nhu cầu chi, cân đối thu-chi NSNN tại địa phương sẽ dễ dàng hơn. Khi trình độ phát triển KT-XH và mức thu nhập bình quân trên địa bàn thấp cũng như ý thức sử dụng các khoản chi chưa được đúng đắn, vẫn còn có tư

tưởng bao cấp, ỷ lại Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý chi NSNN. Vì vậy, có thể nói các yếu tố về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến chi NSNN trên địa bàn địa huyện.

b. Các quy định của Nhà nước về chi NSNN

Hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan chi ngân sách và quản lý nhà nước đối với chi ngân sách như: Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật thuế, Luật Quản lý thuế; thông tư, nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị về chi ngân sách, về chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn. Hệ thống văn bản pháp luật là nhân tố ảnh hưởng tới công tác chi và quản lý chi ngân sách địa phương vì các văn bản pháp luật là cơ sở để chính quyền địa phương tổ chức thực hiện và điều hành chi NS, xác định được các nhiệm vụ cần thực hiện và trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền trong quá trình điều hành chi ngân sách các cấp.

Hệ thống văn bản pháp luật về chi và quản lý chi ngân sách mà đồng bộ, không chồng chéo, các văn bản có sự hướng dẫn thống nhất, chi tiết, dễ hiểu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự chấp hành và điều hành thu, chi ngân sách, ảnh hưởng đến chất lượng công tác quản lý nhà nước về chi ngân sách.

Các quy định phù hợp với thực tiễn sẽ tạo thuận lợi cho công tác thực thi và nâng cao hiệu quả chi ngân sách.Chẳng hạn, định mức chi tiêu của Nhà nước là một trong những căn cứ quan trọng để xây dựng dự toán, phân bổ dự toán và kiểm soát chi NSNN, cũng là một trong những chỉ tiêu để đánh giá chất lượng quản lý và điều hành NSNN của các cấp chính quyền địa phương. Việc ban hành các định mức chi một cách khoa học, cụ thể, kịp thời sẽ góp phần không nhỏ trong việc quản lý chi tiêu NSNN được chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Ngược lại, định mức chi tiêu mà lạc hậu, không còn phù hợp nhưng vẫn được duy trì áp dụng dẫn đến khó thực hiện, phát sinh các hiện tượng biến báo trong thanh, quyết toán. Hay như, sự phân định trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, các cấp chính quyền trong việc quản lý chi NSNN cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác quản lý chi NSNN. Chỉ trên cơ sở phân công trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng của từng cơ quan, địa phương sẽ tạo điều kiện cho công tác quản lý chi NSNN đạt hiệu quả, không lãng phí công sức, tiền của. Sự phân định trách nhiệm, quyền hạn phải được tôn trọng và thể chế hóa thành Luật để các cơ quan cũng như từng cá nhân có liên quan biết được phạm vi trách nhiệm và quyền hạn

của mình trong thực hiện nhiệm vụ, qua đó công việc được tiến hành trôi chảy, dựa trên nguyên tắc rõ ràng, minh bạch không đùn đẩy trách nhiệm, và trách nhiệm giải trình rõ ràng sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản lý chi NSNN.

c.Khả năng nguồn lực ngân sách huyện

Quy mô nguồn thu sẽ quyết định đến nhiệm vụ chi NSNN. Dự toán về chi ngân sách được lập luôn luôn dựa vào tính toán có khoa học của nguồn thu ngân sách, tức là căn cứ vào thực tiễn thu ngân sách các năm trước và dự báo tăng thu trong năm nay mà đề ra kế hoạch thu ngân sách, vì vậy, chi ngân sách không được vượt quá thu ngân sách, đồng thời cũng căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để lập dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm. Đối với các địa phương có nguồn thu lớn không phụ thuộc vào ngân sách Tỉnh cấp thì chủ động hơn trong việc lập dự toán chi ngân sách và quản lý chi ngân sách.

2.1.3.2. Nhóm yếu tố chủ quan

a. Tổ chức bộ máy quản lý chi NSNN

Hoạt động quản lý chi NSNN được triển khai có thuận lợi và hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào tổ chức bộ máy quản lý chi NSNN trên địa bàn huyện và quy trình nghiệp vụ, trong đó đặc biệt là quy trình nghiệp vụ quản lý. Tổ chức bộ máy và quy trình quản lý, quyền hạn trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận, mối quan hệ của từng bộ phận trong quá trình thực hiện từ lập, chấp hành, quyết toán và kiểm toán chi NSNN có tác động rất lớn đến quản lý chi NSNN. Tổ chức bộ máy quản lý phù hợp sẽ nâng cao chất lượng quản lý, hạn chế tình trạng sai phạm trong quản lý. Quy trình quản lý được bố trí càng khoa học, rõ ràng thì càng góp phần quan trọng làm nâng cao chất lượng của thông tin tới cấp ra quyết định quản lý chi NSNN, giảm các yếu tố sai lệch thông tin.Từ đó nâng cao được hiệu quả quản lý chi NSNN trên địa bàn huyện.

b. Năng lực quản lý của người lãnh đạo và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong bộ máy quản lý chi ngân sách nhà nước.

- Năng lực quản lý của người lãnh đạo có tầm quan trọng đặc biệt đối với công tác quản lý ngân sách nhà nước nói chung và quản lý chi ngân sách nhà nước ở từng địa phương nói riêng. Nếu năng lực của người lãnh đạo yếu, bộ máy tổ chức không hợp lý, các chiến lược không phù hợp với thực tế thì việc quản lý chi ngân sách nhà nước sẽ không hiệu quả, dễ gây tình trạng chi vượt quá thu, chi giàn trải, phân bổ chi không hợp lý; có thể dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí ngân sách, không thúc

đẩy được sự phát triển của nền kinh tế, đảm bảo các vấn đề xã hội…

Ngoài ra, đối với người lãnh đạo cũng cần tránh bệnh chạy theo thành tích, bệnh cục bộ địa phương, bệnh quan liêu mệnh lệnh, coi thường pháp luật, xem trình tự thủ tục là thứ gò bó quyền lực của mình. Đây cũng có thể được coi là một trong những yếu tố làm giảm hiệu quả, thậm chí còn gây những hậu quả như thất thoát, lãng phí, tham nhũng,… trong công tác quản lý chi ngân sách nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn địa phương.

- Năng lực chuyên môn của các bộ phận quản lý chi ngân sách nhà ở địa phương là yếu tố quyết định hiệu quả chi ngân sách nhà nước. Nếu cán bộ quản lý có năng lực chuyên môn cao sẽ giảm thiểu được sai lệch trong cung cấp thông tin của đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, kiểm soát được toàn bộ nội dung chi, nguyên tắc chi và tuân thủ theo các quy định về quản lý chi ngân sách nhà đảm bảo theo dự toán đã đề ra.

Bên cạnh năng lực chuyên môn thì đối với cán bộ công chức cũng cần phải tránh bệnh xu nịnh, chiều ý cấp trên, là thói quen xin cho, hạch sách, thiếu ý thức chịu trách nhiệm cá nhân. Thậm chí là sa sút về phẩm chất đạo đức như đòi hối lộ, đưa đút lót, thông đồng, móc ngoặc, gian lận… đây là những nhân tố ảnh hưởng không tốt tới quá trình quản lý chi ngân sách nhà nước gây giảm hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước nghiêm trọng.

c.Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chi NSNN trên địa bàn huyện

Việc ứng dụng công nghệ tin học vào trong cuộc sống ngày nay đã và đang thực sự chứng tỏ vai trò không thể thiếu được của nó. Thực tế đã chứng minh với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác chi và quản lý chi NSNN ở địa phương sẽ giúp tiết kiệm được thời gian xử lý công việc, đảm bảo được tính chính xác, nhanh chóng và thống nhất về mặt dữ liệu, tạo tiền đề cho những quy trình cải cách về mặt nghiệp vụ một cách hiệu quả.. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý có thể ra quyết định điều chỉnh kịp thời để đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ chi, hạn chế tối đa việc lãng phí trong sử dụng NS. Chẳng hạn, như ứng dụng Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân sách và Kho Bạc (TABMIS viết tắt từ tiếng Anh “Treasury and Budget Management Information System”) sẽ hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước từ khâu lập kế hoạch, thực hiện NS và báo cáo NS, nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công, hạn chế tiêu cực trong việc sử dụng NS,…hay việc ứng dụng các phần mềm kế toán NS cũng giúp đơn

vị sử dụng NS thuận tiện hơn trong công tác thực hiện, điều hành và quản lý thu- chi NS, giúp cho công tác báo cáo cấp trên được nhanh chóng, kịp thời. Chính vì lẽ đó mà công nghệ thông tin là một trong những nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý chi NSNN trên địa bàn huyện.

d. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và các đơn vị trong công tác chi ngân sách địa phương

Phối hợp là sự kết hợp các hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị với nhau để cho các cơ quan, đơn vị này thực hiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhằm đạt được các lợi ích chung.

Sự phối hợp giữa giữa các cấp, các ngành và các đơn vị trong công tác chi và quản lý chi ngân sách nhịp nhàng, đồng bộ, đặc biệt trong khâu lập báo cáo điều hành ngân sách trên địa bàn, số liệu chi ngân sách giữa các đơn vị khớp đúng sẽ góp phần đưa ra các tham mưu sát thực, kịp thời phục vụ quá trình điều hành ngân sách trên địa bàn

đ.Ý thức của các đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước

Chi ngân sách địa phương diễn ra ở nhiều lĩnh vực, liên quan đến nhiều chủ thể và trong điều kiện môi trường luôn biến động, có nhiều chủ thể cùng tham gia vào công tác quản lý ngân sách địa phương do đó công tác quản lý NS gặp nhiều khó khăn. NSNN có được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức, trình độ của đối tượng thụ hưởng ngân sách. Nếu đối tượng thụ hưởng ngân sách có ý thức chấp hành và hiểu biết pháp luật tốt, có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực hoạt động của mình, chấp hành nghiêm kỷ luật tài khóa, đảm bảo chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Ngược lại, nếu các đối tượng này không tuân thủ pháp luật, không tuân thủ các quy định trong quá trình quản lý chi NSNN đã được quy định sẽ dễ làm phát sinh các hiện tượng tiêu cực như chi sai mục đích, chi không hiệu quả, tham ô, lãng phí.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích chi ngân sách nhà nước huyện giao thủy tỉnh nam định (Trang 27 - 31)