Kinh nghiệm về phát triển nhãn hiệu ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nhãn hiệu tập thể gà đông tảo trên địa bàn huyện khoái châu, tỉnh hưng yên (Trang 34 - 37)

2.2.2.1. Nhãn hiệu tập thể gạo thơm Yên Dũng tỉnh Bắc Giang

Đầu năm 2010, nhãn hiệu tập thể Gạo Thơm Yên Dũng đã được Cục sở hữu trí tuệ công nhận. Họ đã rút ra một số kinh nghiệm quý báu như sau: cần có dây chuyền kiểm nghiệm chất lượng lúa, gạo mang thương hiệu Gạo thơm Yên Dũng một cách ngặt nghèo để đảm bảo về chất lượng trước khi cung cấp ra thị

trường, đảm bảo uy tín trong kinh doanh và trao đổi buôn bán hàng hóa. Có chiến lược bảng bá rộng rãi dưới nhiều hình thức tuyên truyền cho thương hiệu trong phạm vi toàn tỉnh, các tỉnh lân cận và có kế hoạch tiếp cận thị trường Quốc tế. Hoàn thiện mẫu bao bì để đảm bảo tính thống nhất và ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng. Để được như vậy, bộ phận chịu trách nhiệm quản lý thương hiệu cần có quy chế hoạt động quy củ, sáng tạo, linh hoạt và có hiệu quả, tư duy quản lý phải đáp ứng nhu cầu trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Có kế hoạch và chiến lược cụ thể rõ ràng trong từng giai đoạn để đưa thương hiệu thực sự đi vào cuộc sống và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Tăng cường công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công tác khuyến nông trong sản xuất. Có quy trình sản xuất lúa thơm.

Nâng cao trình độ sản xuất và kiến thức thị trường cho nông dân. Đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền về phổ biến sản xuất hàng hóa, về kiến thức trồng lúa thơm và các yêu cầu về chất lượng cũng như yêu cầu về dư lượng hóa chất trong quá trình sản xuất của dây chuyền. Kiến thức thị trường cần được chính quyền địa phương quan tâm chắt lọc và tuyên truyền tới bà con dưới nhiều hình thức. Tuân thủ đúng quy trình sản xuất theo đăng ký thương hiệu và kiểm tra đầy đủ các bước, chặt chẽ trước khi đóng gói sản phẩm (Đào Văn Chính, 2013).

2.2.2.2. Nước mắm Phú Quốc

Nếu năm 2008, Phú Quốc sản xuất khoảng 15 triệu lít nước mắm, thì năm 2009 sản lượng chỉ đạt 7 triệu 900 nghìn lít, giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng đáng báo động này là thị trường tiêu thụ nước mắm Phú Quốc bị thả nổi với nhiều loại hàng giả, hàng nhái chất lượng nước mắm không được kiểm soát chặt chẽ. Công tác quy hoạch, định hướng phát triển bền vững nghề làm nước mắm truyền thống cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn nguyên liệu cá cơm đang cạn kiệt, giá điện, nước, giá nhân công ngày càng tăng... cũng là những yếu tố tác động không nhỏ. Đơn cử, mỗi năm giá cá cơm tăng bình quân từ 15% đến 20%, trong khi giá nước mắm không đổi, khiến nhiều nhà sản xuất không có lãi.

Trước thực trạng trên, từ cuối năm 2008, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quy định về việc quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm. Hầu hết người sản xuất trên đảo Phú Quốc đồng tình với chủ trương này. Việc đóng chai nước mắm tại Phú Quốc cũng có thể khiến chi phí tăng lên thay vì vận chuyển bằng can nhựa như hiện nay, nhưng về lâu dài, các doanh

nghiệp vẫn ủng hộ chủ trương xây dựng thương hiệu nước mắm Phú Quốc. Chính các doanh nghiệp cũng hiểu việc xây dựng thương hiệu là rất quan trọng, nên gần đây nhiều công ty, đơn vị đã chú trọng hơn đến các tiêu chuẩn nước mắm cũng như tìm cách mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trên thực tế, từ tháng 6/2001, Hội Nước mắm Phú Quốc đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu Nước mắm Phú Quốc cho 89 nhà sản xuất thành viên tại Cục Sở hữu trí tuệ. Theo quy định, lô hàng nào được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý phải đồng nhất về chất lượng, đóng gói tại Phú Quốc và phân phối trực tiếp đến khách hàng. Chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc cũng quy định cụ thể, chi tiết về vùng khai thác, loại nguyên liệu, tỷ lệ cá tạp (ngoài cá cơm) không quá 15%, vật liệu sản xuất, dụng cụ, phương pháp chế biến, các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ghi nhãn và kỹ thuật bảo quản... Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định về chỉ dẫn địa lý đối với nước mắm Phú Quốc vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Hiện UBND huyện Phú Quốc đã quy hoạch hai cụm làng nghề nước mắm tập trung quy mô 100 ha, huyện sẽ di dời các cơ sở sản xuất nước mắm vào làng nghề tập trung để dễ quản lý về chất lượng cũng như áp dụng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm. Hội Nước mắm Phú Quốc cũng đã thành lập Ban giám sát chất lượng chịu trách nhiệm chứng nhận lô hàng cũng như chất lượng nước mắm.

Trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc sớm triển khai áp dụng quy định chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm là giải pháp hữu hiệu và bền vững để bảo vệ thương hiệu cho loại đặc sản nổi tiếng này. Quy định đã có, tổ chức thực hiện đã hình thành, các nhà sản xuất cũng đồng tình ủng hộ. Hy vọng trong tương lai không xa, nước mắm Phú Quốc sẽ được trả lại tiếng thơm vốn đã được bao thế hệ người dân nơi đây chắt chiu xây dựng (Báo thương hiệu, 2013).

2.2.2.3. Phát triển nhãn hiệu tập thể bánh đa nem làng Chều của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

Để quản lý cũng như khai thác tối đa giá trị thương mại của nhãn hiệu tập thể của bánh đa nem làng Chều, hiệp hội sản xuất và kinh doanh bánh đa nem làng Chều đã dưa ra một số kinh nghiệm như sau: cần phải xây dựng một hệ thống văn bản làm cơ sở cho công tác quản lý, đó là các văn bản pháp luật của nhà nước liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Có quy trình kỹ thuật chuẩn sản xuất sản phẩm, cơ chế giám sát tuân thủ quy trình. Quy trình kiểm tra

chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn mang nhãn hiệu tập thể bao gồm đảm bảo quy định về công bố chất lượng sản phẩm, thực hiện kiểm tra, kiểm soát trong cơ sở, phối hợp kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm công bố.

Xây dựng hệ thống phương tiện quảng bá sản phẩm, để người tiêu dùng biết đến ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thì việc đầu tư cho quảng bá giới thiệu sản phẩm là yếu tố then chốt. Để làm được điều này hiệp hội sản xuất và kinh doanh đã xây dựng hệ thống truyền thông như các ấn phẩm quảng cáo, phát tờ rơi, duy trì website giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tiếp, tham gia các hội chợ.

Phát triển thị trường và khai thác thương mại đối với nhãn hiệu, nghiên cứu thị trường lựa chọn các kênh hàng để hỗ trợ phát triển, trước hết xác định các kênh tiêu thụ và phân tích mối quan hệ giữa các tác nhân trong kênh tiêu thụ, khả năng mở rộng thị trường, xây dựng phương án đề xuất các kênh tiêu thụ, thị trường nào, các đầu mối có thể liên kết với nhau. Thiết lập kênh tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, xác định các thị trường tiềm năng và mở các đại lý, cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm ở các tỉnh, thành phố. Xây dựng hệ thống thương mại hóa sản phẩm, để làm được điều này cần phải tổ chức thử nghiệm các kênh hàng tiêu thụ. Theo dõi, thu thập và phân tích thông tin phản hồi từ khách hàng nhằm điều chỉnh và nâng cao hiệu quả của việc tiêu thụ hàng hóa (Trần Thăng Long, 2011).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển nhãn hiệu tập thể gà đông tảo trên địa bàn huyện khoái châu, tỉnh hưng yên (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)