Một số hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý ngân sách xã trên địa bàn huyện ba vì, thành phố hà nội (Trang 65 - 67)

 Một số hạn chế

Thứ nhất, công tác lập dự toán ở các xã trong huyện Ba Vì vẫn chưa được

chú trọng một cách thích đáng, việc lập dự toán đôi khi chỉ mang tính hình thức, dự toán được lập ra không bám sát với điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội hiện tại của địa phương dẫn đến phải bổ sung thay đổi dự toán nhiều lần. Có thể thấy việc lập dự toán khai thác một số nguồn thu tại địa phương còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó lập dự toán không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương dẫn đến lập dự toán thu NSX không bao quát được hết các khoản thu.

Thứ hai, công tác quản lý thu ngân sách xã còn nhiều bất cập

- Một số đối tượng nộp thuế chưa chấp hành nghiêm túc các chính sách thuế quy định, chưa chấp hành nghiêm chế độ kế toán thống kê, kê khai thuế không đầy đủ và quản lý hoá đơn chưa tốt dẫn đến việc quản lý thu chưa chặt chẽ và triệt để.

- Một số khoản thu có tăng nhưng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng và tình hình sản xuất kinh doanh chung của xã, số thu không ổn định và vững chắc.

- Việc quản lý thuế đối với hộ kinh doanh còn chưa chặt chẽ, chưa điều chỉnh mức thuế kịp thời so với doanh số phát sinh; hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch phát triển chưa nhiều, hộ kinh doanh công thương nghiệp có tăng về diện hộ nhưng quy mô nhỏ, việc khai thác tài nguyên nhỏ lẻ không tập trung... từ thực tế trên dẫn đến việc chưa tạo ra nguồn thu vững chắc cho ngân sách. Do vậy phần nào ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách của địa phương.

Thứ ba, công tác quản lý chi chưa được chặt chẽ

- Chưa chủ động trong việc sắp xếp, bố trí các nhiệm vụ chi trong kế hoạch được giao, còn đề nghị xin bổ sung thêm kinh phí.

- Một số cán bộ làm công tác quản lý NSX trên địa bàn huyện Ba Vì chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý tài chính kế toán theo quy định của luật NSNN và các chế độ kế toán hiện hành. Do vậy việc quản lý chi tiêu theo chế độ, định mức chưa tốt dẫn đến việc thực hiện các thủ tục, chứng từ chi trong mua sắm, sửa chữa tài sản, chi thường xuyên chưa đúng và chưa đủ theo quy định.

Thứ tư, công tác quyết toán chi ngân sách xã chủ yếu là quyết toán theo số cấp phát. Việc thẩm định quyết toán ngân sách xã chưa đảm bảo theo quy định do khối lượng quyết toán khá nhiều, trong khi đó đội ngũ cán bộ có số lượng rất ít. Tại phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Ba Vì chỉ có một cán bộ chuyên quản ngân sách của 31 xã, thị trấn. Vì vậy, trong khâu quyết toán không thể kiểm tra hết các nội dung, chứng từ chi ngân sách xã dẫn đến tình trạng quyết toán theo số cấp phát và không thể kiểm soát được việc thực hiện các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng.

 Nguyên nhân của những hạn chế

- Về chính sách pháp luật

+ Luật NSNN có nhiều điểm thay đổi so với trước kia. Mặc dù đã được sự hướng dẫn sự chỉ đạo của cơ quan tài chính cấp trên song cán bộ tài chính xã trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn còn gặp nhiều lúng túng trong quá tình thực hiện và thi hành Luật NSNN.

+ Còn nhiều bất cập trong thực hiện văn bản của cấp trên. Quyền hạn giữa các cấp còn trùng lặp.

+ Cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị có thu chưa thực sự được triển khai có hiệu quả.

- Về đội ngũ cán bộ

Đội ngũ cán bộ tài chính làm công tác quản lý NSX trên địa bàn huyện còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, còn yếu về nghiệp vụ và thiếu lý luận thực tiễn nên khi nghiên cứu các văn bản pháp luật tài chính chưa nắm bắt được toàn bộ nội dung để vận dụng vào nhu cầu thực tế, tình hình hiện tại của địa phương phục vụ cho công tác quản lý.

Thủ trưởng của đơn vị sử dụng NSNN chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý tài chính kế toán.

Cán bộ kế toán của các cơ sở kinh doanh còn yếu về trình độ chuyên môn nên việc sử dụng hoá đơn, chứng từ kế toán, việc kê khai, thu nộp thuế còn nhiều sai phạm dẫn đến gây khó khăn cho công tác quản lý ngân sách và ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách trên địa phương.

* Công tác thanh tra, kiểm tra

Công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động NSX trên địa bàn huyện còn yếu. Nên đã dẫn tới tình trạng thực hiện công tác quản lý ngân sách tại một số xã còn lỏng lẻo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đề ra.

Qua phân tích như trên có thể thấy, tình hình quản lý ngân sách xã trên địa bàn huyện Ba Vì năm 2014-2016 mặc dù có chuyển biến tích cực từ khâu lập dự toán đến quyết toán ngân sách xã, nhưng trong quá trình quản lý còn nhiều điểm bất cập. Trong đó, khâu yếu nhất trong quy trình quản lý ngân sách xã là khâu chấp hành dự toán với nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Để hoàn thiện công tác quản lý ngân sách xã trên địa bàn huyện Ba Vì trong thời gian tới, việc duy trì các điểm tích cực là cần thiết nhưng việc khắc phục các điểm hạn chế cũng mang ý nghĩa quan trọng. Và trong công cuộc đó cần nhiều giải pháp và sự tham gia của nhiều cấp chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý ngân sách xã trên địa bàn huyện ba vì, thành phố hà nội (Trang 65 - 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)