Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.1. Kinh nghiệm phát triển cây cao su trên thế giới
Cây cao su là loại cây nhiệt đới có nguồn gốc từ vùng sông Amazon Nam mỹ. Sau sự phát hiện của Côlông, các nhà khoa học Châu Âu đã nghiên cứu và tìm ra nhiều thuộc tính quý báu của mủ cây cao su. Từ đó, người ta bắt đầu khai thác nguồn mủ cây cao su Nam Mỹ và nhân giống ra nhiều và nhanh chóng được coi là cây trồng quan trọng nhất của nông nghiệp thế giới.
Ở Nam Mỹ, rừng cây cao su nguyên thuỷ tới thế kỷ 18 được phân bổ trên một diện tích khoảng 5-6 triệu ha chủ yếu nằm trong lãnh thổ Brazin. Từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, Brazin hầu như độc quyền về cung cấp mủ cây cao su cho thế giới với sản lượng năm 1900 là khoảng 50.000 tấn. Năm 1912 khoảng 90.000 tấn.
Cuối thế kỷ 19, các nhà truyền giống châu Âu đã tích cực nhân giống cây cao su ở các vùng khí hậu nhiệt đới của châu á, châu Phi. Từ đó, việc trồng cây cây cao su lấy mủ đã trở thành một ngành sản xuất mới của nhiều nước. Trong vòng một thế kỷ qua, diện tích cây cao su đã tăng rất nhanh. Tính đến năm 1990 toàn thế giới đã có trên 7 triệu ha cây cao su. Hiện nay, đứng đầu các nước trồng nhiều cây cao su là Indonesia, Thái Lan Malaysia và Việt Nam.
Cây cao su thiên nhiên đã và đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, sản phẩm của cây cao su được xem như là nguồn ngoại tệ cho các nước trồng cao su và là nguồn thu nhập chính cho hàng triệu người. Cây cao su tiểu điền chiếm khoảng 80% tổng sản lượng và diện tích của bốn quốc gia sản xuất cây cao su hàng đầu: Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cây cao su thiên nhiên (ANRPC), trong 7 tháng đầu năm 2016, sản lượng mủ cây cao su thiên nhiên của các nước thành viên ước đạt 5,89 triệu tấn, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sản lượng mủ cây cao su thiên nhiên có xu hướng tăng tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam nhưng lại giảm ở Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ. Trong 7 tháng đầu năm nay, tiêu thụ mủ cây cao su thiên nhiên của các nước thành viên ANRPC tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,7 triệu tấn (Nguồn: Nghề nông, 2016).
2.2.2. Kinh nghiệm phát triển sản xuất cây cao su ở Việt Nam
Việt Nam là một trong những nước có điều kiện thuận lợi cho cây cao su phát triển trên diện rộng. Năm 1897, người Pháp đưa cây cao su vào trồng ở nước Việt Nam. Cây cao su được trồng tập trung ở Đông Nam Bộ, kế đến là ở Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Qua nhiều thập kỷ, cây cao su phát triển theo sự thăng trầm của đất nước Việt Nam. Có những thời kỳ cây cao su tưởng chừng như bị phá huỷ, đó là những năm 1962 trở đi khi thực dân Pháp rút khỏi nước Việt Nam. Một mặt do tiềm lực về vốn, kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật còn yếu, mặt khác do bị chiến tranh tàn phá. Sau khi thống nhất đất nước Việt Nam năm 1975 trở đi, Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn xác định cây cao su là một cây xuất khẩu mũi nhọn của sản xuất nông nghiệp nên đã tìm mọi cách để phục hồi và phát triển ngành cây cao su.
Trong 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu mủ cây cao su thiên nhiên ước đạt 571.683 tấn, trị giá 714,6 triệu USD, đơn giá xuất khẩu bình quân 1.250 USD/tấn (tăng 10,2% về lượng, nhưng giảm 5,7% về giá trị, do giá giảm 14,5%).Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc với 322.353 tấn, chiếm 56,4% tổng lượng xuất khẩu (tăng 30,1% so với cùng kỳ năm trước), giá trị đạt 396,8 triệu USD (tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước). Tiếp đến là thị trường Ấn Độ 45.376 tấn, chiếm 7,9% (tăng 12,9%) và Malaysia đạt 43.642 tấn, chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (giảm 50,6% so với cùng kỳ 2015).
Theo Bộ NN&PTNT, trong 2 tuần đầu tháng 8, lượng mủ cây cao su xuất khẩu giảm nhẹ, từ 9.000 tấn xuống 8.860 tấn, giá xuất khẩu ổn định ở mức 10.400 NDT/tấn. Ước khối lượng xuất khẩu tháng 8 đạt 129 nghìn tấn, trị giá 165 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 8 tháng đạt 701 nghìn tấn, tương đương 880 triệu USD (tăng 10,4% về khối lượng nhưng giảm 4,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015) (Nguồn: Bộ NN&PTNT Việt Nam, 2016).
2.2.3. Kinh nghiệm phát triển sản xuất cây cao su ở Lào
Lào là một trong các nước chậm phát triển, vậy khi nói đến khoa học – kỹ thuật - công nghệ cũng lạc hậu nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới. Nền kinh tế của Lào chủ yếu dựa vào ngành nông nghiệp, xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu tự nhiên và nông sản dưới dạng nguyên liệu thô.
Ở Lào, cây cao su được du nhập vào rất muộn so với các nước đang sản xuất và xuất khẩu mủ cây cao su khác. Do là nước chưa có công nghệ hiện đại
cho nên sản xuất cây cao su của Lào hoàn toàn là xuất khẩu sang nước ngoài. Phần lớn vùng trồng cây cao su là ở miền Bắc Lào. Thị trường xuất khẩu mủ cây cao su của Lào là Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Diện tích trồng cây cao su của Lào rất ít, vì vậy sản lượng cao su của Lào rất nhỏ bé so với các nước cùng sản xuất và xuất khẩu cao su. Điều đặc biệt là Lào hầu như không tiêu thụ mủ cây cao su trong nước do chưa có nhà máy chế biến sản xuất mủ cây cao su hiện đại, và cũng không nhập khẩu mủ cây cao su tức là Lào hoàn toàn là sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Lào xuất khẩu mủ cây cao su sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam theo phương thức xuất khẩu thông qua sự hợp tác giữa công ty cao su, cũng như là giữa công ty với đơn vị sản xuất đó, điều khác là do phẩm chất mủ cây cao su của Lào còn kém nên bị xuống giá một cấp so với giá mủ cây cao su của các nước khác. Do vậy giá xuất khẩu mủ cây cao su của Lào thấp hơn giá bình quân của thị trường 20 – 25%.
Nước CHDCND Lào là một nước mà cây cao su được du nhập vào rất muộn so với các quôc gia cùng sản xuất và xuất khẩu cao su. Cây cao su được đưa vào trồng đầu tiên ở tỉnh Chăm Pa Sắc từ năm 1987 trước khi trồng cây cao su ở miền Bắc. Nhưng do họ chưa có kinh nghiệm và chưa có kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, kỹ thuật cạo lấy mủ theo đúng cách cũng như theo thời gian, lại không tiêu thụ được do chưa có sự hợp tác trong tiêu thụ nào, nên cây cao su không được cạo mủ trong nhiều năm và dần thành cây không cho mủ nữa và cuối cùng bị bỏ lại thành rừng cây cao su không cho sản phẩm. Vùng Bắc Lào cũng tiến hành trồng cao su nhưng mới bắt đầu từ năm 1988, với diện tích đầu tiên chỉ là vài trăm ha trong đó tiến hành đầu tiên là tỉnh Luông Năm Tha, nhưng do các hộ nông dân là người sản xuất với quy mô chưa lớn chỉ từ 1 – 2 ha.
Điều khó khăn nhất mà Lào phải gặp đó là việc hoà nhập vào thị trường thế giới, vì Lào phải chấp nhận sự cạnh tranh của thị trường, nhất là các nước cùng sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu mủ cây cao su, phải thừa nhận rằng bước vào cạnh tranh Lào có nhiều bất lợi hơn họ đó là: sản lượng mủ cây cao su nhỏ bé do quá trình tiến hành trồng cây cao su từ cách đây chưa lâu, và lại chưa khai thác trồng hết trên các vùng có điều kiện. Phần lớn diện tích cây cao su trong nước đang là diện tích kiến thiết cơ bản và trồng mới ở các tỉnh như: tỉnh Luông Năm Tha, Uđômxay, Bokẹo, Luông Pra Bang, Bolykhămxay và Ặttapư. Vì vậy, đây sẽ là vấn đề mà Đảng và Nhà nước Lào phải quan tâm để làm sao trong tương lai
hàng hoá nông sản của mình sẽ xâm nhập được vào thị trường thế giới và có thể tránh khỏi sự chèn ép về giá của thị trường cao su thế giới với sản lượng dự đoán là hàng trăm nghìn tấn (Bộ Nông Lâm nghiệp Lào, 2016).