3.2.2.1. Phương pháp xử lý thông tin
Kiểm tra và làm sạch phiếu điều tra: Bảng hỏi sau khi được tiến hành phỏng vấn sẽ được kiểm tra để phát hiện sai sót, bổ sung và sửa chữa các thông tin chưa chính xác.
Mã hóa thông tin và nhập số liệu: Các thông tin thu được hầu hết là định tính, do đó cần được mã hóa thành các con số để thuận tiện cho việc nhập và xử lý thông tin.
Xử lý số liệu: Đề tài tiến hành xử lý số liệu bằng công công cụ Excel trong bộ Microsoft Office.
3.2.2.2. Phương pháp phân tích thông tin
a, Phương pháp phân tích thông tin định lượng
* Phương pháp thống kê mô tả
Sử dụng các chỉ tiêu số bình quân, số tuyệt đối để phân tích thực trạng phát sinh, thực trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt và các yếu tố ảnh hưởng đến
quản lý chất thải rắn sinh hoạt như: lượng chất thải rắn sinh hoạt bình quân đầu người phát sinh theo hộ gia đình; số đánh giá các hoạt động quy hoạch, thu gom, vận chuyển, xử lý…
Phân tổ thống kê để để phân nhóm các vấn đề theo từng mặt, từng khía cạnh có liên quan để phân tích, đánh giá: phân nhóm hộ nghèo, hộ kinh doanh; phân nhóm các vấn đề về quy hoạch, phân loại, trung chuyển, xử lý; phân nhóm các yếu tố ảnh hưởng để phân tích
* Phương pháp so sánh
Mỗi xã, phường khác nhau có những điều kiện khác nhau về vị trí, điều kiện kinh tế - xã hội, về dân số của địa phương...; Mỗi hộ gia đình có đặc điểm khác nhau về ngành nghề, điều kiện kinh tế....Vì thế, phương pháp so sánh được sử dụng nhằm đánh giá, phân tích vấn đề nghiên cứu giữa các địa điểm, giữa các nội dung và khía cạnh liên quan trong việc xả chất thải rắn sinh hoạt và quản lý chất thải rắn sinh hoạt: So sánh giữa lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt của hộ kinh doanh với mức bình quân; so sánh giữa mức phát sinh, tỷ lệ thu gom… giữa các phường với các xã; so sánh giữa thành phố và các huyện thuộc tỉnh Thái Bình…
* Phương pháp thang đo điểm
Trong đề tài sử dụng thang đo thái độ giản đơn được thiết lập để ghi nhận sự đánh giá hoặc lựa chọn của người dân về một tính chất hay đối tượng nào đó. Thang đo bao gồm các loại phụ: Thang đo thái độ giản đơn với hai lựa chọn (ví dụ: có/ không, hợp lý/ không hợp lý); thang đo nhiều lựa chọn, một trả lời gồm có nhiều mục lựa chọn và chỉ có một trả lời; thang đo nhiều lựa chọn, nhiều trả lời.
Thang đo này được sử dụng trong thiết kế bảng hỏi phỏng vấn người dân, người thu gom, cán bộ quản lý để đánh giá mức độ xả thải, nhận thức của người dân và cán bộ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.
b, Phương pháp phân tích thông tin định tính
Các thông tin định tính sau khi được thu thập bằng phương pháp phỏng vấn sẽ tiến hành phân tích theo quá trình gồm 3 giai đoạn:
- Thu gọn dữ liệu: làm sạch thông tin thu thập được, tạo các bản ghi nhớ về những phát hiện khi xem xét thông tin, nhập và lưu trữ thông tin.
- Thể hiện thông tin: cô đọng lại nguồn thông tin, đặt tên cho thông tin, có thể phân tích, tái cấu trúc lại để người đọc hiểu ý của bài nghiên cứu.
- Phác thảo kết luận và kiểm định lại: từ thông tin dạng chữ (ý kiến, quan điểm, câu chuyện cá nhân,..) đưa ra giả thuyết và lồng ghép với các thông tin định lượng để kiểm định lại kết luận.
Phân tích thông tin định tính được sử dụng khi nghiên cứu một số ý kiến, quan điểm của người dân, người thu gom, cán bộ quản lý về chất thải rắn sinh hoạt và quản lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua những câu hỏi mở và ý kiến, quan điểm của các cán bộ chuyên môn tại các phòng ban chức năng, trên cơ sở đó đưa ra định hướng, giải pháp.