Đặc điểm và vai trò của quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh bắc ninh (Trang 26 - 28)

thương mại

2.1.2.1. Đặc điểm của quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại - Quản lý rủi ro tín dụng bảo đảm sự tồn tại và phát triển bền vững của Ngân hàng thương mại

Quá trình xây dựng khung lý thuyết cho quản trị hoạt động của NHTM đa phần được đúc kết từ thực tiễn hoạt động của NHTM. Vì vậy, trong lịch sử hoạt động NHTM, RRTD là loại rủi ro được đề cập sớm nhất và cũng là nhiều nhất. Điều này xuất phát từ bản chất của hoạt động NHTM với vai trò của một trung gian tài chính, huy động vốn để cho vay. Hoạt động tín dụng là chức năng chính của NHTM với việc trao quyền sử dụng vốn cho người khác sử dụng và nhận được lời cam kết sẽ hoàn trả đủ gốc và lãi sau một thời gian nhất định. Như vậy, bản thân khi khoản tiền vay xuất ra khỏi NHTM đã tiềm ẩn rủi ro không có khả năng thu hồi, một khi kinh doanh của khách hàng vay vốn gặp rủi ro thì ngay lập tức khoản vốn cho vay của NHTM cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, giống như bảo hiểm, hoạt động kinh doanh ngân hàng là hoạt động kinh doanh rủi ro. Hoạt động tín dụng vẫn là hoạt động chính của NHTM, mang lại thu nhập chính cho sự tồn tại và phát triển của NHTM, nhưng đi liền bên cạnh là RRTD cũng mang lại hậu quả thiệt hại thu nhập, thậm chí có thể phá sản một NHTM; ở mức cao có thể gây khủng hoảng cả hệ thống tài chính ngân hàng. Vấn đề là để chấp nhận một mức rủi ro và đạt được lợi nhuận tối đa NHTM cần phải tổ chức quản trị tốt RRTD. Hay nói cách khác quản lý RRTD chính là chốt hết sức quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của một NHTM (Nguyễn Văn Tiến, 2010).

- Quản lý rủi ro tín dụng phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của nhà nước và quy định của pháp luật. Tuân thủ quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của NHTM không những từng bước đưa hoạt động của các NHTM Việt Nam xích gần tới các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế mà còn nâng cao chất lượng cho hoạt động ngân hàng nói chung và giảm thấp rủi ro tín dụng nói riêng (Nguyễn Văn Tiến, 2010).

- Quản lý rủi ro tín dụng nhằm hoàn thiện chính sách tín dụng an toàn và hiệu quả, vừa đáp ứng được các tiêu chuẩn pháp lý vừa đảm bảo đạt được các mục tiêu kinh doanh của mỗi NHTM. Bởi vì, chính sách tín dụng cung cấp cho cán bộ tín dụng và các nhà quản trị ngân hàng một khung chỉ dẫn chi tiết để ra các quyết định tín dụng và định hướng danh mục đầu tư tín dụng của một NHTMPhải góp phần hạn chế phòng ngừa rủi ro tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của khách hàng (Nguyễn Văn Tiến, 2010).

2.1.2.2. Vai trò của quản lý rủi ro tín dụng của ngân hàng thương mại

Quản lý rủi ro tín dụng để giảm thiểu thiệt hại cho ngân hàng. Trong môi trường hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu công tác quản trị rủi ro tín dụng yếu kém, khi rủi ro tín dụng xảy ra sẽ có thể gây ra thiệt hại nặng nề không thể kiểm soát được cho ngân hàng (Nguyễn Văn Tiến, 2009).

Quản lý rủi ro tín dụng là cơ sở để đảm bảo ngân hàng có thể hoạt động ổn định và phát triển, tăng khả năng cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận trong kinh doanh. Khả năng quản trị rủi ro tín dụng của ngân hàng yếu kém sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng trên thị trường, khiến công tác huy động vốn công tác tín dụng của ngân hàng bị hạn chế, đồng thời ngân hàng sẽ mất dần khách hàng tốt, giảm thị phần trên địa bàn. Khi đó lợi nhuận sẽ giảm sút nghiêm trọng, ngân hàng có thể bị thua lỗ và đối mặt với nguy cơ phá sản.

Quản lý rủi ro tín dụng cũng có ý nghĩa quan trọng đối với khách hàng. Vì khi để khoản vay chuyển thành nợ quá hạn, nợ xấu, khách hàng sẽ phải chịu mức lãi phạt cao hơn lãi vay trong hạn nhiều, tạo ra áp lực tài chính, khiến khách hàng càng khó khăn hơn trong việc thanh toán nợ gốc và lãi. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến uy tín của khách hàng với ngân hàng và các đối tác khác trong kinh doanh, ảnh hưởng đến việc thiết lập các quan hệ trong kinh doanh của khách hàng.

Quản lý rủi ro tín dụng còn có tác động đến hiệu quả đầu tư xã hội. Khi rủi ro tín dụng xảy ra nghĩa là khoản đầu tư của khách hàng vay đã không hiệu quả như mong đợi, không thể mang lại lợi ích cho khách hàng vay, ngân hàng và xã hội. Thậm chí nó còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Tóm lại, quản lý rủi ro tín dụng giúp ngân hàng tránh được thiệt hại và đem lại lợi ích cho ngân hàng và mọi đối tượng khác có liên quan đến hoạt động tín dụng. Góp phần làm giảm bớt tổn thất cho ngân hàng và nền kinh tế, lành mạnh hoá hệ thống tài chính, tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng, giúp tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh bắc ninh (Trang 26 - 28)