Những tồn tại và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro dịch vụ cho vay tại phòng giao dịch nguyễn gia thiều, ngân hàng thương mai cổ phần công thương việt nam, chi nhánh KCN quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 88 - 93)

Công tác quản trị rủi ro mặc dù đã được tập thể PGD coi trọng và chú ý thực hiện nhưng vẫn không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế như sau:

- Công tác nhận dạng rủi ro chưa sử dụng những kỹ thuật phòng tránh và ngăn ngừa rủi ro hiệu quả, việc kiểm tra hồ sơ, thông tin khách hàng và thẩm định tín dụng còn chưa chặt chẽ, thiếu chính xác

Hiện naycông tác nhận dạng rủi ro chỉ dựa trên những nhận định cảm quan, kinh nghiệm và những phân tích truyền thống vốn chứa nhiều nguy cơ cho kết quả không chính xác.

Ngay từ bước lựa chọn khách hàng thì ngân hàng chỉ thông qua các phân tích tài chính, dựa vào các bảng báo cáo để tính toán các chỉ tiêu để đưa ra quyết định mà không đo lường mức độ rủi ro một cách chính xác thông qua các phương pháp hiện đại. Đây là điểm yếu chung của hệ thống ngân hàng, vì hiện nay ở Việt Nam mới chỉ có các ngân hàng lớn hoặc tại các hội sở mới bắt đầu áp dụng các

chương trình, các phần mềm tính toán đo lường rủi ro để cảnh báo và ngăn ngừa rủi ro từ đầu nhưng cũng mới chỉ là các phương pháp đơn giản nhất. Việc cảnh báo, phòng ngừa rủi ro từ xa còn thụ động và chưa thật sự hiệu quả; chủ yếu là xử lý khi những dấu hiệu rủi ro đã xuất hiện như khách hàng trả nợ không đúng hạn hay kinh doanh thua lỗ, khách hàng liên quan đến các vụ án kinh tế,…

- Việc đo lường và đánh giá mức độ rủi ro thực hiện chưa đầy đủ, chính xác và hiệu quả

Do PGD không có bộ phận quản trị rủi ro tín dụng độc lập mà chỉ do cán bộ tín dụng và lãnh đạo phòng kiêm nhiệm nên dẫn đến một thực tế là chính ngân hàng cũng không thống kê số liệu phản ánh mức độ rủi ro tín dụng ngân hàng gặp phải. PGD chỉ có thể nhận biết được những biểu hiện của rủi ro và các tác động khi rủi ro đã xảy ra, cụ thể như đo lường về kết quả về các món nợ xấu ngân hàng phải xử lý hay con số dự phòng rủi ro trích lập hàng năm.

Thông tin về khách hàng mà PGD thu thập được hầu hết là từ chính khách hàng cung cấp. Do đó tính khách quan và chính xác không cao làm ảnh hưởng đến kết quả chấm điểm xếp hạng khách hàng và chất lượng quản trị rủi ro tín dụng.

Kết quả chấm điểm và xếp hạng khách hàng chưa được khách quan nên chưa phản ánh đúng tình hình tài chính thực của khách hàng vay; chất lượng của khoản vay cũng như phụ thuộc quá nhiều vào cảm tính của CBTD khi thực hiện chấm điểm và xếp hạng tín dụng cho khách hàng. Do mô hình chấm điểm tín dụng khách hàng được áp dụng trong toàn Chi nhánh nên PGD không thể tự điều chỉnh để thích ứng kịp thời với những thay đổi của nền kinh tế mà phải chờ sự điều chỉnh của Chi nhánh.

- Công tác kiểm soát rủi ro thiếu đồng bộ, kiểm soát nội bộ chưa thường xuyên

+ Công tác kiểm soát rủi ro đối với khách hàng vay vốn của Phòng giao tập trung nhiều vào kiểm tra trước và trong khi cho vay; công tác kiểm tra sau khi cho vay thực hiện còn hời hợt, mang tính hình thức, chưa được thường xuyên và chặt chẽ.

+ Công tác kiểm soát nội bộ chưa được thực hiện thường xuyên, chất lượng còn thấp, chưa dự báo và đưa ra cảnh báo sớm đối với các rủi ro cũng như đề ra các biện pháp hạn chế rủi ro kịp thời. Công tác kiểm soát nội bộ chỉ mới dừng lại ở mức độ là phát hiện, xử lý vụ việc khi xảy ra rủi ro.

- Công tác trích lập dự còn thiếu chính xác

Do một cán bộ tín dụng quản lý nhiều khách hàng nên việc thống kê phân loại nợ theo 5 nhóm nợ đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp của cán bộ tín dụng còn để xảy ra nhầm lẫn, sai sót.

- Ngoài ra công tác quản trị rủi ro cho vay của PGD Nguyễn Gia Thiều còn một số hạn chế khác

+ Các cơ chế chính sách của PGD còn chưa đồng bộ và chưa theo kịp thông lệ quốc tế: Vietinbank đã ban hành các quy chế và văn bản quy định về chính sách tín dụng, tuy nhiên vẫn còn một số chính sách chưa được ban hành hoặc đã ban hành nhưng chưa được bổ sung chỉnh sửa kịp thời và hệ thống hóa thành quy định chung để thực hiện như: chính sách ưu đãi khách hàng; chính sách cạnh tranh; chính sách lãi suất, ...

+ Quản lý khách hàng chưa hiệu quả: Hiện nay PGD căn bản là quản lý trên hồ sơ chứ việc nắm bắt các hoạt động hiện tại của họ ra sao thì rất hạn chế. Số lượng và trình độ của cán bộ là có hạn nên đòi hỏi cán bộ theo dõi sát sao quá trình hoạt động và thực hiện dự án của khách hàng sau vay vốn là yêu cầu khó thực hiện. Mỗi cán bộ tín dụng không phải chỉ quản lý một khách hàng duy nhất mà sau khi ký hợp đồng với khách hàng này thì họ còn phải tiếp tục tiếp cận các khách hàng khác nên công tác quản lý khách hàng sau vay vốn còn nhiều hạn chế. Các điều kiện vay vốn mới chỉ được quan tâm trước khi ký hợp đồng, còn trong quá trình sử dụng vốn thì việc kiểm soát khách hàng có còn tiếp tục thỏa mãn các điều kiện đó không lại chưa được quan tâm đúng mức.

+ Quy trình tín dụng được ban hành, hướng dẫn cụ thể, chi tiết các bước thực hiện, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng cá nhân, … tuy nhiên, tình trạng khoản vay không được thực hiện theo đúng quy trình vẫn thường xuyên xảy ra.

+ Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, cán bộ tín dụng chưa nhận thức hết được yêu cầu và tính phức tạp của hoạt động tín dụng trong môi trường cạnh tranh ngày càng cao, cán bộ tín dụng còn gặp khó khăn trong việc đánh giá tài chính của khách hàng vay. Việc đánh giá không chính xác tài chính của khách hàng còn xảy ra nhiều, còn tình trạng một khách hàng vay tại nhiều ngân hàng nhưng không có sự kiểm tra, đánh giá về mức độ rủi ro.

+ Tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng tại một số thời điểm trong khi con người không đủ, năng lực quản trị rủi ro còn hạn chế làm cho nợ xấu gia tăng; tỷ

lệ nợ quá hạn, nợ xấu còn ở mức cao so với yêu cầu.

Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên trước hết thuộc về bản thân PGD, thứ hai là do từ phía khách hàng và các cấp quản lý.

- Nguyên nhân thuộc về PGD Nguyễn Gia Thiều

Công tác giám sát thực hiện quy trình tín dụng chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều khoản tín dụng được cấp vội vàng theo yêu cầu của khách hàng mà thiếu sự phân tích, thẩm định tín dụng; cấp tín dụng theo cảm tính, nặng về tài sản đảm bảo mà không dựa vào quá trình thu thập thông tin, phân tích và xử lý thiếu thận trọng…

Sự hiểu biết của cán bộ tín dụng về ngành nghề kinh doanh mà ngân hàng cấp tín dụng hoặc không nắm rõ các yếu tố về pháp lý, thị trường các ngành nghề cho vay,... cũng có thể đưa ra những phán quyết không hợp lý làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.

Trình độ, kinh nghiệm về quản trị rủi ro của cán bộ tín dụng còn hạn chế; trên thực cán bộ tín dụng của PGD có năng lực, giỏi nghiệp vụ, tác nghiệp tốt nhưng xét về hoạt động quản trị rủi ro thì chưa được đào tạo chuyên môn chính thức về công tác quản trị rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế. Điều này gây khó khăn cho công tác quản trị rủi ro tại đơn vị, đặc biệt là rủi ro tín dụng, một công việc đòi hỏi phải nắm vững cơ sở lý luận và có trình độ chuyên môn.

Việc kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng chưa thường xuyên và kịp thời là do khối lượng công việc nhiều cộng với tâm lý ngại gây phiền hà cho khách hàng cùng với việc kiểm soát sự tuân thủ thực hiện quy trình còn lỏng lẻo. Cán bộ tín dụng chưa quan tâm đúng mức công tác kiểm tra giám sát sau khi cho vay, không thực hiện đầy đủ quy định kiểm tra giám sát sau khi cho vay hoặc thực hiện mang tính hình thức đối phó bằng cách đưa biên bản kiểm tra cho khách hàng ký mà không có kiểm tra thực tế dẫn đến việc khách hàng sử dụng vốn sai mục đích mà vẫn tiếp tục giải ngân cho khách hàng trong hạn mức tín dụng đã được cấp.

Một số khâu trong quy trình tín dụng đối với khách hàng dễ bị bỏ qua hoặc thực hiện sơ sài, qua loa; bên cạnh đó, để đạt được ưu thế trong cạnh tranh vì hiện nay một số ngân hàng thương mại trên địa bàn đã hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng, giảm thời gian thẩm định, ... để lôi kéo khách hàng.

Đạo đức của người làm công tác tín dụng là một trong những yếu tố quan trọng trong việc hạn chế rủi ro tín dụng; trong thời gian qua cũng trường hợp cán

bộ bị tha hóa đạo đức mặc dù chưa xảy ra vi phạm nghiêm trọng nhưng cũng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của PGD.

- Nguyên nhân thuộc về khách hàng

Lợi dụng những điểm yếu của ngân hàng, nhiều khách hàng đã tìm cách lừa đảo để được vay vốn. Để có thể vay được vốn, nhiều khách hàng đã tìm mọi cách để “qua mặt” cán bộ tín dụng; lập phương án sản xuất kinh doanh giả, giấy tờ thế chấp, cầm cố giả mạo hoặc đi vay ở nhiều ngân hàng với cùng một bộ hồ sơ; chỉ cần một chút sai lầm từ phía ngân hàng là dẫn đến rủi ro.

Một số khách hàng kinh nghiệm và năng lực hoạt động còn hạn chế; không nắm bắt được thông tin kịp thời, thiếu thích nghi với cạnh tranh. Vì vậy, khi dự án vay vốn gặp khó khăn, khả năng trả nợ của khách hàng gặp vấn đề, rủi ro tín dụng là điều khó tránh khỏi.

Sử dụng vốn sai mục đích so với hợp đồng tín dụng khiến cho nguồn trả nợ trở nên bấp bênh. Đây là hậu quả của việc kiểm tra giám sát không chặt chẽ, hoặc do khách hàng đã dự định từ trước khi vay vốn, nhưng do yếu tố khách quan, kinh doanh đổ vỡ, nên họ sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến việc thanh toán gốc, lãi đúng hạn rất khó xảy ra, rủi ro tín dụng xuất hiện.

Việc trốn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ đã ủy quyền hoặc bảo lãnh cũng là một nguyên nhân dẫn đến rủi ro. Một số khách hàng đứng ra bảo lãnh hoặc ủy quyền cho khách hàng khác thực hiện vay vốn; khi khách hàng vay vốn mất khả năng thanh toán bên bảo lãnh không chịu thực hiện nhiệm vụ trả nợ thay.

- Nguyên nhân thuộc về Vietinbank

Chưa hoàn thiện chiến lược, chính sách QTRR đặc biệt là rủi ro tín dụng phù hợp. Chưa áp dụng các mô hình quản lý rủi ro hiện đại để có giải pháp kịp thời và hữu hiệu trong QTRR và điều hành HĐKD có hiệu quả. Chưa hoàn thiện hệ thống chấm điểm tín dụng và xếp hạng khách hàng hiện đại. Chất lượng đội ngũ cán bộ tín dụng của toàn hệ thống còn yếu về đánh giá, đo lường, phân tích và kiểm soát rủi ro tín dụng…

Nguyên nhân thuộc về Nhà nước

Các văn bản pháp lý của Nhà nước tạo điều kiện cho ngân hàng hoạt động trong hành lang pháp lý. Tuy nhiên, khi các văn bản pháp lý chưa hoàn thiện và đồng bộ hoặc thay đổi theo hướng bất lợi khiến cho các khoản vay của ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị rủi ro dịch vụ cho vay tại phòng giao dịch nguyễn gia thiều, ngân hàng thương mai cổ phần công thương việt nam, chi nhánh KCN quế võ, tỉnh bắc ninh (Trang 88 - 93)