4.2.4.1. Lập dự án đầu tư
Chủ đầu tư có trách nhiệm lập (hoặc thuê tổ chức tư vấn) báo cáo đầu tư (báo cáo nghiên cứu tiền khả thi); dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi) hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư để trình người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt. Hiện tại phần lớn các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đều do UBND huyện Tiên Du làm chủ đầu tư, đối với các dự á, công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách của các xã, thị trấn trên đia bàn thì do UBND các xã, thị trấn đó làm chủ đầu tư. Do đó, việc lập và quản lý các dự án trên đang gặp phải nhiều khó khăn về nhân lực và vật lực, cho nên UBND huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện khi tiến hành lập dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đều phải thuê các đơn vị tư tư vấn có chức năng (trừ một số các công trình lập báo cáo kinh tế kỹ thuật có quy mô nhỏ, đơn giản). Việc lựa chọn được các đơn vị tư vấn chất lượng tốt, đảm bảo về tiến độ thực hiện có ý nghĩa quan trọng đến tính khả thi và hiệu quả của dự án.
Thực tế trong thời gian qua, các đơn vị chủ đầu tư đã tiến hành lựa chọn các đơn vị tư vấn theo đúng quy định của Luật Đấu thầu nhưng vẫn còn mang tính hình thức. Do không được xem xét, đánh giá năng lực các đơn vị tư vấn khách quan nên một số nhà tư vấn được lựa chọn rất yếu, thậm chí có nhà tư vấn thiếu kinh nghiệm trong việc lập dự án, nên dự án lập ra thiếu sức thuyết phục, có nhà thầu tư vấn trong quá trình lập dự án bỏ qua các quy định của Nhà nước, không áp dụng quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn, quy phạm thiết kế, công tác khảo sát chưa được chú trọng, không khảo sát điều kiện thi công, nguồn vật liệu, đánh giá tác động môi trường. Tư vấn lập dự án đầu tư ở một số công trình chưa đưa ra nhiều phương án để lựa chọn. Có tình trạng ở một số công trình tư vấn làm theo yêu cầu của chủ đầu tư hoặc tự ý tăng quy mô, số liệu điều tra, khảo sát không chính xác, tình trạng sao chép của các công trình khác vẫn còn xảy ra nhất là đối với các công trình xây dựng dân dụng; tư vấn thiết kế thường tính thiên về an toàn quá lớn, khâu xác định tổng mức đầu tư, dự toán áp dụng đơn giá, định mức và các chế độ chính sách về quản lý dự án đầu tư còn nhiều sai sót; tính toán khối lượng không phù hợp với bản vẽ thiết kế…
Hộp 4.2. Công tác lập dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn…
Cũng do trình độ tư vấn hạn chế, nhiều dự án phải phê duyệt lại do điều chỉnh phương án thiết kế, điều chỉnh quy mô, công suất, tính sai khối lượng, sai định mức, đơn giá và các chế độ chính sách theo quy định. Một số các dự án phải trả lại hồ sơ vì chất lượng dự án quá thấp; một số dự án phải điều chỉnh lại nhiều lần do thay đổi chế độ chính sách về giá cả, tiền lương và thời gian thi công kéo dài.
Bác Nguyễn Huy Ngà – 50 tuổi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Du, trả lời phỏng vấn ngày 24/11/2015
4.2.4.2. Thẩm định dự án đầu tư
Theo quy định của nhà nước, chủ đầu tư xác định nhiệm vụ và tổ chức tuyển chọn tư vấn độc lập có đủ tư cách pháp nhân và đủ năng lực đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật để lập dự án đầu tư. Dự án đầu tư nói chung phải qua 2 bước: Bước 1, Lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Bước 2, lập báo cáo khả thi. Các báo cáo này phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định, phải dựa trên các căn cứ pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, tình hình thực tế,… để dự án đầu tư được thiết lập có chất lượng, thuận tiện cho việc thẩm định để triển khai thực hiện.
Các dự án đã thẩm định cơ bản đã được bố trí kế hoạch thực hiện đầu tư; một số dự án đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao như các dự án nâng cấp hạ tầng y tế nông thôn và các dự án về tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học cho các xã đang trong quá trình về đích xây dựng nông thôn mới.
Hộp 4.3. Công tác thẩm định dự án vẫn còn nhiều bất cập
Công tác thẩm định các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, do nguồn nhân lực chưa được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thẩm đinh và đánh giá đầu tư. Mặt khác sự phối hợp giữa các ngành còn chậm, chất lượng thẩm định chưa cao, vẫn còn tình trạng nể nang, cơ chế xin cho trong việc lập dự án gây nhiều sức ép cho quá trình thẩm định dự án.
Ông Nguyễn Quang Thành– 51 tuổi, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, trả lời phỏng vấn ngày 25/11/2015
Tuy vậy, công tác thẩm định còn bộc lộ những yếu điểm sau:
- Độ chính xác của công tác thẩm định chưa cao do chất lượng hồ sơ dự án cũng như thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán thấp, chưa đề cập đầy đủ các nội dung
của một dự án như quy định (Ví dụ: Số liệu khảo sát, nghiên cứu hiện trạng và dự báo không chính xác...). Đặc biệt vẫn có tình trạng chạy dự án, bằng mọi cách có quyết định phê duyệt dự án đầu tư để “xin vốn”, một số dự án thẩm định và phê duyệt nhưng không thực hiện hoặc thực hoặc thực hiện không đảm bảo quy mô, tiến độ ban đầu được duyệt.
- Thời gian thẩm định của một số dự án kéo dài so với quy định do việc phối hợp giữa Chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước thiếu chặt chẽ, việc lấy ý kiến thẩm định của các đơn vị có liên quan thường không đúng theo thời gian đã quy định.
- Thời gian khởi công - hoàn thành: Thường các chủ đầu tư đề xuất thời gian khởi công - hoàn thành ngắn, nhiều dự án chưa thực hiện đúng theo thời gian trong quyết định đầu tư, thậm chí có dự án hết thời gian thực hiện vẫn chưa khởi công xây dựng. Nguyên nhân của việc kéo dài thời gian thực hiện dự án là: Khả năng nguồn vốn cho các dự án không đáp ứng được; số lượng dự án bố trí trong kế hoạch chuẩn bị đầu tư và cho phép lập dự án quá nhiều; một số dự án do yêu cầu của các nhà tài trợ vốn phải lập và phê duyệt dự án trước đã gây không ít khó khăn cho công tác thẩm định.
- Quy chuẩn xây dựng có nhiều điểm không phù hợp với tình hình hiện tại. Ví dụ diện tích sử dụng bình quân trên đầu người, định mức này không thể áp dụng chung cho tất cả các cơ quan mà phải tuỳ chức năng cụ thể, đặc thù của từng cơ quan. Ví dụ: Diện tích bình quân đầu người của các cơ quan khối Đảng, Đoàn thể phải khác với khối Chính quyền; ….
- Mỗi một nội dung thẩm định do một cơ quan chịu trách nhiệm, thời gian thẩm định dự án nhanh hay chậm không chỉ do một cơ quan mà phụ thuộc vào thời gian giải quyết các vấn đề cụ thể của các cơ quan có liên quan.
Tóm lại: Trong quá trình thẩm định dự án đầu tư phải tuân thủ theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch vùng, ngành, áp dụng đúng chế độ chính sách của Nhà nước hiện hành, đúng thời gian quy định và giảm các thủ tục phiền hà thực hiện theo chế độ một cửa liên thông. Áp dung linh hoạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong xây dựng cơ bản đảm bảo phù với yêu cầu thực tiễn.
4.2.5.3. Lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán
Theo quy định có một số công trình đầu tư không cần xây dựng dự án đầu tư chỉ cần lập thiết kế kỹ thuật và xin thẩm định thiết kế - dự toán này.
Các khâu trên được thực hiện trong quản lý các dự án XDCB trên địa bàn huyện như sau:
- Lập thiết kế - dự toán:
Tuy nhiên thực tế khâu này còn có một số hạn chế sau:
+ Một số tổ chức tư vấn có xu hướng chạy theo doanh thu, quá trình thực hiện không nghiên cứu đưa ra các phương án thiết kế, trên cơ sở đó lựa chọn phương án tối ưu.
+ Một số tổ chức tư vấn yếu kém về chuyên môn nên đã bỏ sót nhiều yếu tố, bỏ sót hạng mục của công trình hoặc thiết kế công trình không theo đúng quy định của Nhà nước, chưa áp dụng đúng các tiêu chuẩn quy định của nhà nước.
+ Tổ chức thiết kế chưa kháo sát thực tế đầy đủ để lựa chọn công nghệ, phương án thi công phù hợp với điều kiện thực tế.
Hộp 4.4. Công tác lập thiết kế - dự toán còn nhiều thụ động
Lập dự toán phải áp dụng theo đơn giá nhà nước do UBND tỉnh Bắc Ninh công bố, tuy nhiên nhiều hạng mục có biến động lớn như giá nhân công, chi phí khảo sát, giá các vật tư trong xây dựng có nhiều biến đổi, do đó công tác lập dự toàn chưa theo kịp đươc thực tế.
Ông Phạm Văn Hưng– 45 tuổi, Trưởng phòng Tư vấn, giám sát và đánh giá đầu tư - Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Hưng Phát, trả lời phỏng vấn ngày 25/11/2015
- Thẩm định thiết kế - dự toán
Theo quy định người có thẩm quyền quyết định đầu tư phải tổ chức thẩm định thiết kế - dự toán. Hồ sơ thẩm định phải đầy đủ, nội dung thẩm định phải bao quát tất cả yêu cầu theo quy định pháp luật hiện hành như sự cần thiết phải đầu tư, căn cứ pháp lý, cơ sở thông tin sử dụng để lập thiết kế, sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội, tính hợp lý về quy mô đầu tư, tính hợp lý về phương án công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng, căn cứ xác định và mức độ chuẩn xác về nhu cầu vốn đầu tư cho cả dự án và từng hạng mục, phương án huy động vốn, giải ngân, giải pháp bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội,…
Hộp 4.5. Đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định và phê duyệt dự toán còn non yếu.
Công tác thẩm định thiết kế và phê duyệt dự toán các công trình xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ chuyên trách không được đào tạo bài bản, kinh nghiệm thẩm định thiết kế - dự toán còn yếu, chủ yếu dựa vào các đơn vị tư vấn, do đó việc thẩm định thiết kế và phê duyệt dự toán chưa đạt được hiệu quả cao nhất.
Ông Đào Hồng Sơn– 40 tuổi, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - UBNF huyện Tiên Du, trả lời phỏng vấn ngày 25/11/2015
Tuy nhiên, thực tế đang có một số khó khăn tồn tại trong thẩm định thiết kế - dự toán công trình XDCB như sau:
+ Chủ đầu tư không đủ năng lực, không có chuyên môn về quản lý dự án đầu tư nên không tổ chức nghiệm thu hoặc nghiệm thu một cách thụ động sản phẩm thiết kế - dự toán do cơ quan tư vấn lập trước khi trình thẩm định và phê duyệt.
+ Có cơ quan thẩm định quá tin tưởng ở đơn vị tư vấn. + Thời gian thẩm định kéo dài.
Như vậy: quá trình lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật – dự toán phải đảm bảo nguyên tắc là lựa chọn các đơn vị tư vấn đủ năng lực và có nhiều kinh nghiêm trong lập thiết kế - dự toán. Khi thẩm định thiết kế kỹ thuật – dự toán cần phối hợp với các đơn vị chuyên ngành liên quan tới từng lĩnh vực đảm bảo không trái với quy định của pháp luật.