Một số kết quả đánh giá đất và xây dựng bản đồ đơn vị đất đai tại Việt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng bản đồ đơn vị đất đai phục vụ đánh giá đất huyện yên khánh, tỉnh ninh bình (Trang 33)

VỊ ĐẤT ĐAI TẠI VIỆT NAM

Nghiên cứu về đánh giá đất đai ở Việt Nam được thực hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước, thời kỳ này công tác đánh giá đất đai chủ yếu tập trung vào việc phân hạng đất lúa trong phạm vi hợp tác xã. Bùi Quang Toản (1986) đã đề xuất quy trình phân hạng đất đai áp dụng cho các hợp tác xã và các vùng chuyên canh gồm 4 bước, các yếu tố chất lượng đất được chia ra thành yếu tố thuận và yếu tố nghịch, đất đai được chia thành 4 hạng: rất tốt, tốt, trung bình và kém.

Năm 1983, Tổng cục Quản lý ruộng đất đã ban hành dự thảo “Phương pháp phân hạng đất lúa nước cấp huyện”. Theo phương pháp này, đất đai được chia làm 8 hạng, chủ yếu dựa vào năng suất cây trồng là chính, ngoài ra còn sử dụng các chỉ tiêu như độ dày tầng canh tác, địa hình, thành phần cơ giới, độ nhiễm mặn và nhiễm phèn (Tổng cục Quản lý ruộng đất, 1992).

Năm 1986 Tôn Thất Chiểu đã nghiên cứu đánh giá, phân hạng đất khái quát toàn quốc trên tỷ lệ bản đồ 1/500.000, tác giả đã áp dụng đánh giá phân loại khả năng đất đai của Bộ Nông nghiệp Mỹ, kết quả là đã phân lập ra các nhóm khả năng thích hợp đất đai trên toàn quốc. Trong đó có 4 nhóm được sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, 2 nhóm có khả năng sử dụng cho sản xuất lâm nghiệp và 2 nhóm được sử dụng vào các mục đích sử dụng khác (Tôn Thất Chiểu, 1986).

Phương pháp đánh giá sử dụng đất thích hợp của FAO bắt đầu được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam vào những năm cuối của thập kỷ 80. Năm 1989 Vũ Cao Thái lần đầu tiên thử nghiệm đánh giá sử dụng đất thích hợp cho một số cây trồng như cà phê, cao su, chè, dâu tằm ở Tây Nguyên. Tiếp đó phương pháp đánh giá đất của FAO đã lần lượt được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trên phạm vi đánh giá khác nhau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng bản đồ đơn vị đất đai phục vụ đánh giá đất huyện yên khánh, tỉnh ninh bình (Trang 33)