Nội dung xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện hương khê, tỉnh hà tĩnh (Trang 28 - 33)

Phần 1 Mở đầu

2.1. Cơ sở lý luận về xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt

2.1.5. Nội dung xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt

2.1.5.1. Xã hội hoá trong công tác thu gom và tổ chức quản lý rác thải sinh hoạt

Cộng đồng tham gia vào giải quyết các vấn đề môi trường trước hết là nội dung thể hiện tính dân chủ, tức là mọi người dân có quyền và được khuyến khích tham gia vào công việc quản lý của nhà nước, góp phần cùng với nhà nước thực hiện việc BVMT. Tuy nhiêu, vấn đề cần được nhấn mạnh ở đây là ý thức của cộng đồng về môi trường. Đó là cơ sở, là nền tảng cho các yếu tố nhận thức, thái độ và hành động cụ thể của các thành viên trong cộng đồng.

Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mang lại lợi ích rất lớn, giúp cho việc thu gom dễ dàng hơn, tái sử dụng và tái chế lại những loại rác có thể sử dụng được đơn giản hơn. Phân loại rác sẽ tiết kiệm được nguồn ngân sách trong việc thu gom, xử lý, giảm diện tích bãi rác đồng thời giảm ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất và nước ngầm, việc làm phân bón hữu cơ sẽ hiệu quả hơn, tiết kiệm nguồn tài nguyên, chi phí khai thác nhiên liệu. Ngoài ra phân loại rác tại nguồn giúp cho việc quản lý rác thải sinh hoạt tốt hơn, hạn chế sự ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Khó khăn trong quản lý rác thải thể hiện ở các khâu thu gom, vận chuyển và xử lý. Việc thu gom rác thải sinh hoạt và xử lý như thế nào cho đúng cách là điều rất cần thiết đối với mỗi cá nhân, tập thể. Xã hội hóa công tác BVMT được đặt ra song phải có hướng đi và các giải pháp đúng đắn. Trong đó việc xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hay mô hình xã hội hóa BVMT là một nội dung quan trọng. Theo (Vũ Quốc Chính, Nguyễn Duy Phú, Lê Văn Cư, 2014) dưới đây là một số mô hình được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu và tính cấp thiết của vấn đề nóng bỏng này:

- Mô hình thu gom tự quản do dân tự tổ chức: Đây là hình thức phổ biến ở các vùng nông thôn, do người dân tự thỏa thuận và cử người thu gom cho 1 xóm hoặc 1 cụm dân cư. Mô hình này thường được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên. Rác thải sau khi thu gom thường là đổ tại ven đường làng, bờ mương, chưa được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp địa phương cả về tài chính và chính sách, người thu gom rác phải tự trang bị phương tiện thu gom, thu nhập trung bình chỉ đạt 100.000-150.000 đ/người/tháng (do hộ gia đình đóng góp), không được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, xã hội và bảo hộ lao động. Hoạt động không chuyên nghiệp, số lần thu gom trung bình 1 lần/tuần, có nơi 2 tuần/1 lần chủ yếu thu gom rác cho khu vực ven đường chính và khu tập trung dân cư.

- Mô hình thu gom do xã, thôn tổ chức: Đã có sự quan tâm của chính quyền địa phương như hỗ trợ về phương tiện thu gom, nhiều địa phương đã qui hoạch được điểm tập kết, bãi chôn lấp rác. Tuy nhiên, các mô hình này cũng chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thu gom rác thải từ khu dân cư đến các điểm tập kết, chưa có các biện pháp kỹ thuật trong phân loại, XLRT. Chưa xây dựng được cơ chế và nguồn tài chính để duy trì công tác thu gom, XLRT. Số lần thu gom rác 2-3 lần/tuần. Thu nhập của người thu gom trung bình 200.000-300.000 đ/tháng, người thu gom chưa được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, xã hội. Hoạt động thiếu chuyên nghiệp dẫn đến hiệu quả thấp. Trách nhiệm của các cấp địa phương chủ yếu là hỗ trợ mà chưa xây dựng được qui trình thu gom, XLRT đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường (VSMT).

- Các mô hình hợp tác xã (HTX) dịch vụ VSMT: Được coi là mô hình hoạt động hiệu quả nhất ở các vùng nông thôn. Hoạt động theo luật HTX, có điều lệ

hoạt động, phương án sản xuất dịch vụ, kết hợp nhiều loại dịch vụ môi trường như thu gom rác thải, thoát nước, cây xanh, quản lý nghĩa trang... Hình thức này chủ yếu ở các thị trấn, rất ít các xã có hình thức dịch vụ này. Hầu hết các HTX dịch vụ môi trường đã được đầu tư xe thu gom rác, một số nơi đã được đầu tư xe vận chuyển rác thải. Thu nhập của người làm dịch vụ môi trường trung bình từ 1.000.000 – 2.000.000 đ/người/tháng, người lao động được trang bị bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Số lần thu gom/tuần 3-7 lần/tuần.

- Mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hoặc công ty cổ phần: Rất ít có ở các vùng nông thôn do các dịch vụ về môi trường không mang lại lợi nhuận về kinh tế

- Mô hình công ty Môi trường đô thị (MTĐT): Một số vùng ven đô, các công ty Môi trường đô thị đã mở rộng dịch vụ thu gom rác thải cho các các xã lân cận. Công ty có thể làm dịch vụ trọn gói từ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải hoặc chỉ vận vận chuyển và xử lý. Kinh phí hoạt động của công ty từ nguồn thu phí của dân và ngân sách của thành phố. Hiện chỉ có một số rất ít các xã ven các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh được hưởng các dịch vụ này.

2.1.5.2. Xã hội hoá trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt

Hoạt động sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình thải ra một lượng rác đáng kể, trong đó rác hữu cơ chiếm một tỷ lệ lớn. Nếu mỗi gia đình có ý thức phân loại tại nguồn và biết cách xử lý rác hữu cơ ngay tại nhà thì không những vừa có đất để trồng rau sạch, trồng hoa, cây cảnh rất tốt mà còn góp phần giảm thiểu được một lượng rác rất lớn phải chuyển lên bãi rác mỗi ngày, giảm diện tích chôn lấp, góp phần bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta. Có rất nhiều phương pháp xử lý rác hữu cơ ngay tại nhà, tuy nhiên do chưa được quan tâm cũng như chưa được hướng dẫn hay tuyên truyền một cách cụ thể nên việc xử lý rác hữu cơ đúng cách đối với người dân còn xa lạ. Hầu hết các hộ còn chưa tận dụng được triệt để tài nguyên rác (Lê Văn Khoa, 2010).

Xử lý rác thải sinh hoạt là việc được rất nhiều người quan tâm hiện nay. Xử lý rác thải sinh hoạt tốt sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường và làm giảm phát sinh các mầm bệnh, tiết kiệm tài nguyên. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu nên nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng cao.

Hộp 2.1. Công tác xử lý rác thải không hợp vệ sinh

Xử lý rác thải đang là vấn đề bức xúc không chỉ ở các đô thị mà còn là vấn đề nóng, cấp bách ở các khu vực dân cư nông thôn. Phần lớn chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm môi trường, chiếm diện tích lớn.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, 14:54, 09/09/2015, báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Xử lý chất thải sinh hoạt đã và đang thật sự là nỗi bức xúc của con người. Ở hầu hết các địa phương, người dân thường trực tiếp tham gia vào công tác phân loại, thu gom rác gia đình còn công việc xử lý rác họ mặc định đó là nhiệm vụ của chính quyền, cơ quan có trách nhiệm. Một số ít tự xử lý bằng việc đem chôn, lấp hoặc đốt, một số ít tái chế, một số làm phân bón, nhưng việc tự xử lý của người dân vẫn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.

2.1.5.3. Xã hội hoá trong công tác kiểm tra và giám sát

Công tác kiểm tra, giám sát biểu hiện ở hai chiều cạnh. Thứ nhất, các đoàn thể xã hội và nhóm tự quản tại khu dân cư có trách nhiệm nhắc nhở, đôn đốc người dân thực hiện đúng cách thức phân loại và thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Thứ hai là người dân thực hiện công tác kiểm tra ngay trong cộng đồng.

Hàng năm Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường thực hiện kế hoạch đôn đốc, kiểm tra công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn các Tỉnh thành chỉ đạo các công ty, đơn vị tham gia duy trì vệ sinh môi trường thực hiện nghiêm túc trách nhiệm được giao, đặc biệt chú ý đối với các tuyến phố trung tâm trong các quận nội thành, nơi công cộng, các điểm vui chơi, giải trí tập trung đông người… tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải, phế thải, sự cố môi trường.

Bên cạnh đó, người dân phải chủ động và tích cực tham gia các sinh hoạt của cộng đồng để nâng cao các kiến thức và nắm được các thông tin về thực trạng quản lý rác thải tại địa phương. Đảm nhận vai trò là người giám sát, thường xuyên chia sẻ và báo cáo nhanh cho các nhóm/tổ chức xã hội khác trong cộng đồng khi phát hiện có vấn đề rác thải nảy sinh. Hơn nữa, cần xác định rõ vai trò nam giới và nữ giới trong công tác quản lý rác thải, loại bỏ

định kiến giới trong quá trình thực hiện các hoạt động quản lý rác thải. Nam giới không chỉ đóng vai trò là người truyền tải thông tin từ các cuộc họp cho nữ giới trong gia đình, mà cần tham gia trực tiếp vào các hoạt động phân loại và thu gom rác. Chính quyền nên thiết lập cách thức xử phạt hợp lý hơn. Cần xây dựng một bộ máy giám sát kiểm tra chuyên trách về vệ sinh môi trường hoạt động ngay tại các địa bàn khu dân cư, và nhóm này có quyền xử phạt “nóng” ngay tại chỗ những hành vi vi phạm thông qua hình thức các phiếu phạt trực tiếp.

Các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình cũng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các xã, thị trấn, khu dân cư, hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không để xảy ra vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Bảo đảm việc chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp đóng trên địa bàn (Nguyễn Thị Kim Nhung, 2014).

- Rà soát, kiểm tra các hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ các ngành nghề đã và đang hoạt động trong việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường theo quy định.

- Tổ chức kiểm tra, xử lý, yêu cầu khắc phục và bồi thường thiệt hại đối với các hộ gia đình, cá nhân, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

2.1.5.4. Xã hội hoá trong công tác huy động tài chính và nguồn nhân lực

Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động của các ngành, các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị; Hệ thống các giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến tổ chức, bộ máy triển khai thực hiện cơ chế, chính sách; Nguồn lực đầu tư, bao gồm cả nhân lực, khoa học, công nghệ, tài chính, trong đó, nguồn lực tài chính có vai trò đặc biệt quan trọng.

Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư kinh phí từ ngân sách cho công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường. Kinh phí đầu tư cho điều tra cơ bản về tài nguyên đã được bảo đảm ở mức ngày càng tốt hơn. Huy động nguồn thu từ tài nguyên đầu tư trở lại cho công tác bảo vệ tài nguyên đã được thí điểm thực hiện bước đầu. Đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, chi trả dịch vụ môi trường rừng,... là những hướng đi, cách làm mới đang được triển khai thực hiện.

Huy động nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA cho bảo vệ môi trường cũng tăng nhanh. Một số cơ chế tài chính về bảo vệ môi trường được hình thành, đi vào hoạt động như: Quỹ bảo vệ môi trường, quỹ môi trường xanh của một số ngành, địa phương, góp phần tăng cường các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Một số công cụ kinh tế như thuế, phí bảo vệ môi trường đã góp phần tạo nguồn thu từ xã hội để tái đầu tư cho bảo vệ môi trường. Ngoài ra các địa phương còn tranh thủ nguồn vốn đầu tư của trung ương, tỉnh để đầu tư xây dựng khu xử lý rác tập trung, các công trình bảo vệ môi trường của huyện, xã.

Bên cạnh đó cũng không ngừng triển khai các biện pháp huy động sự tham gia của doanh nghiệp, của người dân đóng góp nguồn lực phục vụ việc thu gom, xử lý rác thải, xây dựng khu chứa, bãi chôn lấp, xử lý rác và trực tiếp tham gia bằng các hoạt động vệ sinh, bảo vệ môi trường. Sử dụng nguồn lực của Nhà nước chủ yếu để phục vụ công tác tuyên truyền, quản lý, chỉ đạo các hoạt động về bảo vệ môi trường. (Nguyễn Thị Kim Nhung, 2014)

- Thành lập các hợp tác xã dịch vụ môi trường hoặc tổ dịch vụ môi trường tại các xã, thị trấn để thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

- Nâng cao năng lực của công nhân môi trường trong việc xử lý các lò đốt rác thải tại khu vực trung tâm huyện. Tăng cường bộ máy hoạt động của Ban quản lý các công trình công cộng, mở rộng thu gom rác, tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường đến các xã vùng sâu vùng xa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện hương khê, tỉnh hà tĩnh (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)