Từ việc nêu kinh nghiệm quản lý chợ tại những thành phố nêu trên, tác giả nhận thấy mỗi địa phương sẽ có những cách thức quản lý khác nhau, có thể trực tiếp ban quản lý chợ quản lý; có thể giao cho tư nhân hoặc có thể giao cho Hợp tác xã, nhưng tựu chung lại vẫn là làm sao quản lý chợ có hiệu quả, Thành phố Việt Trì cần tập trung vào việc chuyển đổi mô hình các chợ, quy hoạch chợ; thu hút đầu tư xây dựng chợ; tổ chức phân công, phân cấp quản lý chợ sao cho hợp lý. Bên cạnh đó cần tăng cường các công tác thanh tra, kiểm tra hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố Việt Trì. Công tác tuyên truyền các chính sách mới, các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho mọi hộ kinh doanh cũng như người mua hàng trong chợ. Ngoài ra, để nâng cao trình độ của cán bộ quản lý, Thành phố Việt Trì cũng cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý chợ.
Tư nhân trực tiếp đứng ra quản lý được chủ động hoàn toàn vấn đề tài chính nhưng vẫn theo chủ trương của Nhà nước, được Nhà nước theo dõi và hỗ trợ nên hiệu quả sẽ cao hơn quản lý theo kiểu bao cấp. Một khi tư nhân tự bỏ vốn và đứng ra quản lý thì họ sẽ tìm ra phương án kinh doanh tốt nhất để thu được lợi nhuận cho mình, nếu không họ sẽ bị phá sản. Ngoài vấn đề tài chính, vấn đề vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự… cũng được quản lý sâu sát hơn.
Hợp tác xã Nông nghiệp chuyển sang "đa ngành nghề" thực hiện mô hình khai thác chợ cũng khá hiệu quả, đem lại việc làm thu nhập ổn định cho các xã viên, hàng hoá đổ về chợ ngày càng phong phú. Hợp tác xã Bình Tây đã không chỉ quan tâm tạo ra một cái chợ sầm uất mà còn làm đầu mối giao thương với các vùng lân cận. Cách thức mới trong quản lý hoạt động chợ này là một bước tiến rất lớn, là bài học quý giá cho ban quản lý chợ trên địa bàn thành phố Việt Trì.