Đối với bộ tài chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính tuân thủ pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp tại cục thuế tỉnh thái bình (Trang 119 - 121)

- Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, ít có sự sửa đổi bổ sung bất thường.

Hệ thống chính sách pháp luật thuế là cơ sở pháp lý trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và cũng là để NNT tuân thủ theo, trong đó xác định việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình và cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước xác định việc NNT có hành vi vi phạm pháp luật hay không. Để nâng cao tính tuân thủ của NNT thì hệ thống chính sách, pháp luật thuế cần điều chỉnh nhằm đạt được các yêu cầu sau:

+ Hệ thống chính sách, pháp luật thuế phải tạo môi trường pháp lý bình đẳng, công bằng; có mối liên hệ chặt chẽ trong điều chỉnh trách nhiệm thuế của NNT, mang tính ổn định tránh gây ra những cú sốc về mặt chính sách.

+ Hệ thống chính sách thuế phải được hoàn thiện theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai; tách chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế.

+ Hệ thống chính sách, pháp luật thuế phải đảm bảo huy động đầy đủ các nguồn thu vào NSNN, đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên của nhà nước và giành một phần cho tích lũy phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

+ Hệ thống chính sách, pháp luật thuế phải là công cụ quản lý và điều tiết vĩ mô có hiệu quả của nhà nước đối với nền kinh tế, động viên được các nguồn lực, thúc đẩy phát triển nhanh sản xuất, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

+ Hệ thống chính sách, pháp luật thuế phải tạo điều kiện thúc đẩy cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Đặc biệt, các quy định về thủ tục hành chính thuế phải đảm bảo phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính của nhà nước, cắt giảm dần thủ tục hành chính thuế, vừa đáp ứng các yêu cầu quản lý thuế của Nhà nước, vừa không gây phiền hà, tốn kém cho các tổ chức, cá nhân nộp thuế và cơ quan thuế.

Cùng với xu hướng cải cách thuế của các nước trên thế giới và quan điểm cải cách thuế đến năm 2020, chính sách thuế TNDN cần được bổ sung theo hướng cụ thể như sau:

+ Về chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế: Hợp lý hóa hệ thống ưu đãi hiện hành, các ưu đãi thuế phải phục vụ cho số ít các mục tiêu cụ thể hơn. Ưu đãi thuế dễ bị đối tượng nộp thuế lợi dụng để trốn, tránh thuế. Vì vậy, các ưu đãi thuế cần được rà soát lại, tính hiệu quả của các ưu đãi thuế phải được nghiên cứu, đánh giá qua phân tích chi phí và lợi ích. Hình thức ưu đãi, miễn, giảm thuế TNDN theo quy định hiện hành chủ yếu được thực hiện đối với các doanh nghiệp trong thời gian đầu mới thành lập từ khi dự án bắt đầu có lãi hoặc nếu dự án không có lãi thì sau 3 năm kể từ khi dự án bắt đầu có doanh thu. Quy định này có nhược điểm là dễ bị nhà đầu tư lợi dụng để trốn thuế. Để ngăn chặn gian lận trên, có thể nghiên cứu điều chỉnh thời điểm bắt đầu tính thời kỳ miễn, giảm thuế là thời điểm dự án bắt đầu đi vào hoạt động nhằm hạn chế sự chuyển giá vào tài sản đầu tư kéo dài thời gian bắt đầu tính miễn thuế. Ngoài ra, cần phải có ràng buộc những dự án hưởng ưu đãi này phải có thời gian đầu tư đủ dài để đảm bảo các dự án không dừng hoạt động trong thời kỳ miễn thuế và có các hướng dẫn cụ thể về hạch toán, phân bổ chi phí đầu tư.

+ Về chi phí khấu hao TSCĐ: Cần thu gọn việc phân loại TSCĐ theo hướng đơn giản dễ tính khấu hao. Các tài sản có thể được chia thành 3 hoặc 4 loại lớn có hiệu quả cao hơn như: nhóm các tài sản có thời gian sử dụng lâu dài như nhà cửa thành một nhóm; nhóm các tài sản nhanh mất giá như các TSCĐ công nghệ cao, phương tiện thương mại...thành một nhóm; và một hoặc hai nhóm máy móc thường, các thiết bị và nhà xưởng khác. Để đơn giản hóa và minh bạch, chỉ nên quy định một đến 2 tỷ lệ khấu hao cho từng nhóm tài sản.

+ Về Chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế: Nên sửa đổi một số qui định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế như: quy định tỷ lệ khống chế chi phí được trừ đối với hoạt động quảng cáo, tiếp thị,... Về định mức DN phải lưu các tài liệu chứng minh quá trình DN sản xuất thử, xây dựng định mức để xuất trình khi cơ quan thuế yêu cầu.

+ Chính sách thuế TNDN nên giảm thiểu sự khác biệt giữa quy định về thuế với chế độ kế toán để đơn giản hóa việc quyết toán thuế TNDN.

Mặt khác, chính sách thuế cần nâng cao tính ổn định. Thời gian qua, chính sách thuế thường xuyên sửa đổi đã gây khó khăn cho các đối tượng nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ. Để DN an tâm đầu tư, tìm kiếm thị trường, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thì chính sách thuế cần ổn định. Khi cần thiết phải sửa đổi cần thông báo rộng rãi, lấy ý kiến DN để DN có thời gian chuẩn bị chuyển hướng đầu tư hay tránh thiệt hại cho DN bằng cách ghi rõ thời gian hiệu lực, không áp dụng đối với các hoạt động bị điều chỉnh từ thời gian quy định cụ thể.

- Xây dựng lộ trình về điều chỉnh đối tượng nộp thuế TNDN cho phù hợp với thời điểm của nền kinh tế, điều chỉnh thuế suất cho phù hợp và hợp lý với cơ cấu ngành nghề, với loại hình, với mặt bằng các nước trong khu vực nhằm động viên, khuyến khích cá nhân, DN làm giàu hợp pháp;

- Phối hợp với các Bộ liên quan để xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn trao đổi, phối hợp, cung cấp thông tin NNT;

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu tính tuân thủ pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp tại cục thuế tỉnh thái bình (Trang 119 - 121)