Các yếu tố ảnh hưởng đến chuỗi giá trị bí xanh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu chuỗi giá trị bí xanh tại huyện kỳ sơn, tỉnh hòa bình (Trang 29 - 30)

Nghiên cứu một chuỗi giá trị sản phẩm cần trả lời được các câu hỏi: Các tác nhân trong chuỗi hoạt động có hiệu quả hay không? Sự phân phối giá trị gia tăng, lợi ích giữa các tác nhân ra sao? Kết quả hoạt động của tác nhân này ảnh hưởng như thế nào đến các tác nhân còn lại trong chuỗi?…Câu trả lời của các câu hỏi trên phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.Trong nghiên cứu này, sẽ đề cập đến hai nhóm yếu tố là các yếu tố khách quan và các yếu tố chủ quan (Nguyễn Thị Ngọc Huyền, 2015).

2.1.6.1. Các yếu tố khách quan

Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến chuỗi giá trị sản phẩm bí xanh bao gồm: - Một là các chính sách của Nhà nước và địa phương về phát triển sản phẩm rau theo hướng hàng hóa: Các chính sách là một trong những hoạt động bổ trợ quan trọng cho hoạt động của toàn bộ chuỗi giá trị, đặc biệt là người sản xuất. Các chính sách vừa mang tính chỉ đạo, vừa mang tính định hướng và góp phần tạo động lực cho chuỗi phát triển. Các chính sách, luật pháp được đề ra tạo điệu kiện thuận lợi cho các tác nhân liên kết với nhau, hoạt động một cách chuyên môn hóa nên hiệu quả hoạt động sẽ được nâng cao (Michael van den Berg et al., 2013).

- Hai là sự phát triển khoa học công nghệ (Michael van den Berg et al., 2013): + Với việc nghiên cứu và chọn tạo được các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt và độ đồng đều cao sẽ góp phần nâng cao giá trị của cây bí xanh.

+ Quy trình công nghệ tiên tiến với việc áp dụng các kỹ thuật canh tác mới, công cụ lao động hiện đại trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và bao gói sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển bền vững của chuỗi giá trị sản phẩm bí xanh trong thời kỳ tới.

- Ba là các yếu tố rủi ro khác như thời tiết, sâu bệnh, thiên tai,… đều nằm ngoài những dự tính của con người, do vậy việc chủ động phòng tránh, tăng cường công tác dự báo là cách tốt nhất để đối phó với rủi ro (Michael van den Berg et al., 2013).

2.1.6.2. Các yếu tố chủ quan

Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng tới chuỗi giá trị sản phẩm bí xanh bao gồm: - Một là: trình độ của cán bộ địa phương, HTX: Cán bộ địa phương, HTX có vai trò quản lý, giám sát, hỗ trợ đối với các hoạt động của các tác nhân trong

chuỗi giá trị sản phẩm bí xanh được đảm bảo thực hiện tốt (Michael van den Berg et al., 2013).

- Hai là: trình độ và nhận thức của người dân trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm: Yếu tố quyết định để nâng cao giá trị gia tăng và lợi ích của toàn chuỗi giá trị sản phẩm chính là chất lượng sản phẩm. Đối với các mặt hàng nông sản nói chung, rau bí xanh nói riêng, chất lượng sản phẩm ngoài phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như đất, nước, khí hậu, còn phụ thuộc rất lớn vào trình độ, sự hiểu biết của người trồng. Người trồng bí xanh có trình độ, kinh nghiệm canh tác thuần thục, khả năng nhận thức các biến động, xu hướng thị trường sẽ có cách thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sao cho hiệu quả nhất, hạn chế tối đa các rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng được niềm tin vững chắc với các tác nhân khác trong chuỗi, thúc đẩy chuỗi phát triển

(Michael van den Berg et al., 2013).

- Ba là: sự liên kết giữa các tác nhân trong kênh tiêu thụ: Yếu tố này là điều kiện kiên quyết hình thành nên chuỗi giá trị, sự liên kết bền chặt giữa các tác nhân sẽ giúp người sản xuất yên tâm sản xuất, các tác nhân trung gian yên tâm có nguồn hàng để phân phối, tiêu thụ. Các tác nhân thực hiện đúng chức năng chuyên môn của mình thì tất yếu sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.Tuy nhiên, trên thực tế sự liên kết giữa người trồng với các trung gian còn lỏng lẻo, liên kết yếu. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự phân phối không hiệu quả giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị mà người chịu thiệt thường là người nông dân (Michael van den Berg et al., 2013).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu chuỗi giá trị bí xanh tại huyện kỳ sơn, tỉnh hòa bình (Trang 29 - 30)