Kết quả giao đất, cho thuê đất tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác giao đất, cho thuê đất trên địa bàn huyện sóc sơn, thành phố hà nội giai đoạn 2012 2016 (Trang 41 - 44)

2.5.1.1. Kết quả thực hiện giao đất, cho thuê đất cho các đối tượng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2012), tổng diện tích đã được Nhà nước giao, cho thuê và công nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng 24.996 nghìn ha, chiếm 75,53% tổng diện tích tự nhiên của cả nước, cụ thể:

- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng 14.878 nghìn ha, chiếm 59,52% tổng diện tích đã giao, cho thuê; trong đó diện tích đất nông nghiệp là 13.915 nghìn ha, chiếm 93,53% diện tích đất nông nghiệp Nhà nước đã giao, cho thuê cho các đối tượng sử dụng.

- Các tổ chức trong nước sử dụng 9.735 nghìn ha, chiếm 38,95 % tổng diện tích đã giao, cho thuê; trong đó diện tích đất phi nông nghiệp 1.021 nghìn ha, chiếm 59,50% diện tích đất phi nông nghiệp Nhà nước đã giao cho các đối tượng sử dụng.

-Tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê sử dụng là 56 nghìn ha, chiếm 0,22% tổng diện tích đã giao, cho thuê; trong đó đất nông nghiệp là 30 nghìn ha, chiếm 53,57% tổng diện tích mà đối tượng này được giao, cho thuê.

- Cộng đồng dân cư được giao 325 nghìn ha, chiếm 1,30% tổng diện tích đã giao, cho thu; trong đó đất nông nghiệp 274 nghìn ha, chiếm 1,10% diện tích đất nông nghiệp Nhà nước đã giao cho các đối tượng sử dụng (Bộ Tài nguyên Môi trường, 2012).

2.5.1.2. Đánh giá những mặt được và những hạn chế của việc giao đất, cho thuê tại Việt Nam

a. Tác động tích cực

- Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và bước đầu phát huy nguồn lực của đất đai trong phát triển của đất nước. Đến nay, trên 90,25% diện tích tự nhiên của cả nước được khai thác đưa vào sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế- văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc phân bổ quỹ đất cơ bản đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Kết quả giao đất, cho thuê đất đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất, cơ bản phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Quỹ đất nông nghiệp đã đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ và phát triển rừng. Quỹ đất dành cho công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đô thị hóa. Diện tích đất chưa sử dụng cơ bản đã được đưa vào sử dụng. Việc sử dụng đất ngày càng tiết kiệm và hiệu quả.

- Thực hiện chính sách giao đất, cho thuê đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản đã tạo động lực cho người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nhờ đó ngành thủy sản đã từng bước phát triển và trở thành một trong những ngành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp.

- Chính sách, pháp luật đất đai đã đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc khôi phục và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng khoanh nuôi tái

sinh, rừng trồng kinh tế. Việc giao đất, giao rừng đã góp phần ngăn chặn được tình trạng suy thoái rừng nghiêm trọng.

- Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu của giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và nhu cầu đô thị hoá.

- Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được thực hiện theo đúng quy định; đã từng bước khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không đúng đối tượng. Đất được giao, cho thuê, được chuyển mục đích về cơ bản là phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xét duyệt và quá trình chuyển đổi cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

b. Những mặt hạn chế và khó khăn vướngmắc

- Đối với các trường hợp được giao đất không thu tiền sử dụng đất từ những năm trước đây, theo quy định hiện nay phải thu tiền sử dụng đất hoặc chuyển sang thuê đất thì tại nhiều địa phương chưa thực hiện hoặc kết quả thực hiện còn hạn chế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

- Tình trạng đất được giao, cho thuê sử dụng không đúng mục đích, vi phạm pháp luật, găm giữ đất, chậm đưa vào sử dụng hoặc chuyển nhượng dự án còn xảy ra ở nhiều địa phương dẫn đến lãng phí đất đai và gây bất bình trong dư luận. Nhiều địa phương còn thiếu cân nhắc trong việc chuyển mục đích sử dụng chuyên trồng lúa nước, đất lâm nghiệp có rừng, giao đất, cho thuê đất tại các khu vực nhạy cảm, vùng biên giới. Còn tình trạng nhiều tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền nhưng sử dụng lãng phí và thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra nhiều sai phạm.

- Quy định về căn cứ giao đất, cho thuê đất cùng với việc định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường, đặc biệt là giá cho thuê đất quá thấp cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một nhà đầu tư được giao đất, thuê đất để thực hiện nhiều dự án nhưng găm giữ đất, chậm đưa vào sử dụng hoặc chuyển nhượng dự án.

- Quy định giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất chưa được nhiều địa phương nghiêm túc thực hiện. Nhiều địa phương chạy theo nhà đầu tư trong việc phát triển các dự án đô

thị nhỏ lẻ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thiếu sự phối hợp thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh; chưa xem xét đồng bộ với điều kiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội, khả năng và thực tế lấp đầy các khu công nghiệp. Một số địa phương chưa đánh giá hết năng lực các nhà đầu tư khi giao đất, cho thuê đất. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm sau khi giao đất, cho thuê đất chưa được tiến hành một cách thường xuyên. Chưa thống nhất các thủ tục về đầu tư, xây dựng và đất đai trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hồ sơ còn phức tạp, thời gian thực hiện còn kéo dài.

- Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đã được thực hiện theo đúng quy định; đã từng bước khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không đúng đối tượng. Đất được giao, cho thuê về cơ bản là phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xét duyệt và quá trình chuyển đổi cơ cấu đầu tư, cơ cấu lao động và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn hạn chế như về hình thức giao đất, cho thuê đất, định giá đất trên thực tế vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp như: hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc, phổ biến vẫn là giao đất, cho thuê đất theo hình thức chỉ định, cùng với việc quy định đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất quá rộng đã ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước; khung giá đất, bảng giá đất và giá đất cụ thể chưa theo kịp thị trường và thấp hơn nhiều so với giá thị trường, gây thất thoát cho ngân sách, gia tăng khiếu kiện trong nhân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác giao đất, cho thuê đất trên địa bàn huyện sóc sơn, thành phố hà nội giai đoạn 2012 2016 (Trang 41 - 44)