Điều kiện tự nhiên huyện Sóc Sơn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác giao đất, cho thuê đất trên địa bàn huyện sóc sơn, thành phố hà nội giai đoạn 2012 2016 (Trang 50 - 53)

4.1.1.1. Vị trí địa lý

Sóc Sơn là huyện ngoại thành thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 40 km về phía Bắc, có tổng diện tích tự nhiên 30.475,96 ha, bao gồm 26 đơn vị hành chính: 25 xã và 01 thị trấn. Ranh giới hành chính của huyện Sóc Sơn cụ thể như sơ đồ sau:

Sơ đồ 4.1. Vị trí địa lý huyện Sóc Sơn

- Phía Bắc giáp huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; - Phía Nam giáp huyện Đông Anh;

- Phía Đông giáp huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; - Phía Tây giáp huyện Mê Linh.

Huyện có vị trí cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội: phía Bắc theo Quốc lộ 3, phía Tây theo Quốc lộ 2, phía Đông theo Quốc lộ 18. Đây là địa bàn có vị trí thuận lợi với hệ thống giao thông đối ngoại khá phát triển, đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các trục quốc lộ Hà Nội- Thái Nguyên, Bắc Ninh- Hà Nội- Việt Trì. Vì vậy, huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

4.1.1.2. Địa hình

Sóc Sơn là vùng bán sơn địa với 3 loại địa hình chính: vùng đồi gò, vùng giữa và vùng đồng bằng ven sông.

- Vùng đồi gò của Sóc Sơn là hệ thống núi thấp và đồi gò, là một phần kéo dài về phía Đông của dãy núi Tam Đảo, có độ cao trung bình 200-300 m so với mặt nước biển. Đỉnh núi cao nhất là núi Hàm Lợn với đỉnh 485m, Cánh Tay với đỉnh 332m, núi Đền Sóc với đỉnh 308m… điểm thấp nhất của vùng này là 20m.

- Vùng giữa nằm trên địa bàn 9 xã Tân Minh, Quang Tiến, Tân Dân, Hiền Ninh, Phù Linh, Trung Giã, Mai Đình, Tiên Dược và thị trấn Sóc Sơn với diện tích khoảng 9.300 ha, độ cao trung bình từ 20 - 40m.

- Vùng đồng bằng ven sông: nằm trên địa bàn 12 xã là Thanh Xuân, Phù Lỗ, Việt Long, Kim Lũ, Xuân Giang, Phú Minh, Phú Cường, Đông Xuân, Đức Hoà, Tân Hưng, Xuân Thu và Bắc Phú. Địa hình của vùng khá bằng phẳng, độ cao trung bình từ 10 - 20 m.

4.1.1.3. Khí hậu

Sóc Sơn nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm mưa nhiều, với 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10; mùa khô, lạnh từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau.

Nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 24,460C. Số giờ nắng trung bình khá dồi dào với 1.645 giờ. Lượng mưa trung bình năm 1.600 - 1.700 mm. Lượng bốc hơi trung bình năm đạt 650mm. Độ ẩm không khí trung bình 84%.

4.1.1.4. Thuỷ văn

Hệ thống sông ngòi của huyện dày đặc, quan trọng nhất là sông Cầu, sông Công và sông Cà Lồ, có ảnh hưởng đến chế độ thuỷ văn của huyện. Hệ thống sông không chỉ là nguồn cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt mà còn là nơi tiếp nhận nguồn nước thải và tiêu nước khi mùa mưa lũ đến.

Đối với vùng đồi gò Sóc Sơn là một phần của nguồn sinh thuỷ, với mạng lưới suối và kênh mương khá dày từ 1,2-1,5 km/km2, bao gồm: suối Cầu Chiền,

suối Cầu Lai, suối Thanh Hoa, suối Lương Phú, suối Đồng Quang, ngòi Nội Bài, chảy ra 3 sông bao quanh huyện là: sông Công (phía Bắc), sông Cầu (phía Đông) và sông Cà Lồ (phía Nam).

4.1.1.5. Các nguồn tài nguyên

a) Tài nguyên đất

Tài nguyên đất của huyện có 15 loại đất chính, trong đó chủ yếu là:

- Đất phù sa có diện tích phân bố ở hầu khắp trên địa bàn huyện, nhưng tập trung nhiều ở các xã phía Nam huyện.

- Đất bạc màu bao gồm 2 loại là đất bạc màu phát triển trên phù sa cũ có sản phẩm feralitic và đất dốc tụ xen đồi núi bạc màu không có sản phẩm feralitic.

- Nhóm đất feralitic: là nhóm đất đặc trưng của vùng đồi gò Sóc Sơn. b) Tài nguyên nước

- Nguồn nước mặt: Huyện Sóc Sơn có trữ lượng nước mặt khá dồi dào tuy nhiên nguồn nước mặt đang bị nguy cơ ô nhiễm đe dọa, khó khăn cho khai thác phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hàng năm, vùng đồi gò đã tiếp nhận trung bình 50-60 triệu m3 nước mưa, phân bố không đều trong năm.

- Nguồn nước ngầm: Vùng đồng bằng của huyện nước ngầm nông ở độ sâu 0,7-1,3m vào mùa mưa, vào mùa khô có độ sâu 3,2m. Nước ngầm ổn định ở độ sâu 3,1-3,2m với áp lực yếu không ảnh hưởng lớn đến các công trình xây dựng. Vùng đồi gò, mực nước ngầm có độ sâu từ 30-40m với tầng chứa nước khoảng 4- 20m tuỳ theo các khu vực tăng từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Chất lượng nước tốt thuộc loại nước nhạt, nước mềm đến rất mềm, hàm lượng sắt cao nên khi sử dụng cần phải có biện pháp xử lý.

c) Tài nguyên rừng

Theo kết quả thống kê đất đai ngày 31/12/2016, toàn huyện hiện có 3977,99 ha đất lâm nghiệp, phân bố ở khu vực núi phía Bắc huyện. Trong đó, xã Nam Sơn có diện tích rừng lớn nhất là 1103,71 ha (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, 2016).

d) Tài nguyên khoáng sản

Nguồn khoáng sản của huyện chủ yếu là than bùn ở các xã phía Bắc huyện. Vàng sa khoáng ở Minh Trí (Sóc Sơn) phân bố dài 500 m bề rộng 30 - 50 m, kèm theo là 1 vành đai thiếc sa khoáng bậc 1 có diện tích 2,2 km2. Ngoài ra còn có

nhiều loại khoáng sản có giá trị là nguyên vật liệu xây dựng như Kaolin, đá ong, cát xây dựng.

Trong đó nổi bật là tiềm năng về Kaolin ở khu vực Minh Phú, Phù Linh với trữ lượng khá lớn có thể khai thác để phát triển công nghiệp sứ dân dụng cho địa phương. Bên cạnh đó là cát vàng, sỏi phục cho xây dựng có thể khai thác dọc sông Công và sông Cầu.

e) Tài nguyên nhân văn

Vùng đất Sóc Sơn đã gắn với nhiều truyền thuyết, các di tích lịch sử đã ghi lại những truyền thống hào hùng của dân tộc ta trong đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt là di tích lịch sử Đền Sóc (xã Phù Linh) gắn với truyền thuyết Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó còn có hơn 300 di tích lịch sử, văn hoá khác nằm rải rác ở các xã trong huyện đã minh chứng cho một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và đậm chất nhân văn. Sóc Sơn đã và đang cùng với các quận, huyện khác góp phần đưa Thủ đô Hà Nội thành một trung tâm văn hoá của đất nước, nơi hội tụ và thu hút nhân tài, bách nghệ bốn phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác giao đất, cho thuê đất trên địa bàn huyện sóc sơn, thành phố hà nội giai đoạn 2012 2016 (Trang 50 - 53)