Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.3. Một số quan điểm sử dụng đất
2.3.2. Quan điểm sử dụng đất bền vững
Phát triển nông nghiệp bền vững sẽ vừa đáp ứng nhu cầu của hiện tại, vừa đảm bảo được nhu cầu của các thế hệ tương lai (Phạm Vân Đình và cs., 1998). Một quan điểm khác lại cho rằng: Phát triển nông nghiệp bền vững là sự quản lý và bảo tồn sự thay đổi về tổ chức và kỹ thuật nhằm đảm bảo thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của con người cả hiện tại và mai sau. Để phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta, cần nắm vững mục tiêu về tác dụng lâu dài của từng mô hình, để duy trì và phát triển đa dạng sinh học.
Sử dụng đất hợp lý là một bộ phận quan trọng hợp thành chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Các quan điểm cụ thể sử dụng đất nông nghiệp dựa trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững là:
- Chuyển đổi hệ thống cây trồng trên quan điểm sản xuất hàng hoá và đạt hiệu quả cao.
- Sản xuất nông nghiệp phải gắn liền với chuyên môn hoá, tập trung hoá. Chuyên môn hoá đòi hỏi người sản xuất phải đạt tới trình độ cao, tập trung vào một đến vài sản phẩm chủ yếu, mà ở đó sản phẩm làm ra chứa đựng một dạng tri thức khoa học kỹ thuật và tổ chức quản lý cao, nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh để bán sản phẩm của mình, tiêu thụ được trên thị trường hàng hoá (Nguyễn Duy Tính, 1995).
- Chuyển đổi hệ thống cây trồng theo hướng đa dạng hoá sản phẩm trong điều kiện kinh tế hộ nông dân trong điều kiện ít đất.
- Chuyển đổi hệ thống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá trong các hộ là khuyến khích các hộ ra sức khai thác đất đai trong gia đình họ phát triển mô hình canh tác mới ứng dụng nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật và quản lý để không ngừng nâng cao hiệu quả và tỷ xuất hàng hoá trên một đơn vị diện tích.
- Chuyển đổi hệ thống cây trồng đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng hệ thống nông nghiệp bền vững và an toàn lương thực.
Để đánh giá tính bền vững trong sử dụng đất cần dựa vào 3 tiêu chí sau:
* Bền vững kinh tế:
Cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường chấp nhận.
Hệ thống sử dụng đất phải có mức năng suất sinh học cao trên mức bình quân vùng có điều kiện đất đai. Năng suất sinh học bao gồm các sản phẩm chính và phụ (đối với cây trồng là gỗ, hạt, củ, quả... và tàn dư để lại). Một hệ bền vững phải có năng suất trên mức bình quân vùng, nếu không sẽ không cạnh tranh được trong cơ chế thị trường.
Về chất lượng: sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn tiêu thụ tại địa phương, trong nước và xuất khẩu, tùy mục tiêu của từng vùng.
Tổng giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích là thước đo quan trọng nhất của hiệu quả kinh tế đối với một hệ thống sử dụng đất.
* Bền vững xã hội
Đáp ứng nhu cầu của nông hộ là điều quan tâm trước, nếu muốn họ quan tâm đến lợi ích lâu dài (bảo vệ đất, môi trường...). Sản phẩm thu được cần thỏa mãn cái ăn cái mặc và nhu cầu sống hàng ngày của người nông dân. Nội lực và nguồn lực của địa phương phải được phát huy. Về đất đai, hệ thống sử dụng đất phải được tổ chức trên đất mà nông dân có quyền hưởng thụ lâu dài, đất đã được giao, rừng đã được khoán với lợi ích các bên cụ thể.
Sử dụng đất bền vững nếu phù hợp với nền văn hóa của dân tộc và tập quán của địa phương, nếu ngược lại sẽ không được cộng đồng ủng hộ.
* Bền vững về môi trường
Loại hình sử dụng đất phải được bảo vệ độ màu mỡ của đất, ngăn chặn thái hóa đất và bảo vệ môi trường sinh thái. Giữ đất được thể hiện bằng giảm thiểu lượng đất mất hàng năm dưới mức cho phép.
Độ phì nhiêu đất tăng dần là yêu cầu bắt buộc đối với quản lý sử dụng đất bền vững.
Độ che phủ tối thiểu phải đạt ngưỡng an toàn sinh thái (>35%)
Tóm lại: Sử dụng đất nông nghiệp bền vững là phải đảm bảo khả năng sản xuất ổn định của cây trồng, chất lượng tài nguyên đất không suy giảm theo thời gian và việc sử dụng đất không ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của con người, của các sinh vật.