Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.1. Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội
4.1.3. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội
* Những lợi thế
Thị xã Từ Sơn nằm ở vị trí địa lý rất thuận lợi, cách không xa các đô thị lớn, đặc biệt là khu tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, khí hậu, thuỷ văn khá thuận lợi, tạo điều kiện cho Từ Sơn trong việc giao lưu và nắm bắt được những thông tin kinh tế, thị trường, kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận công nghệ cao, phục vụ cho công cuộc phát triển KT-XH của thị xã.
- Địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ phì nhiêu, nguồn nước dồi dào, khí hậu ôn hoà, nền nhiệt độ cao, lượng mưa thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp.
- Có nguồn lao động dồi dào, lực lượng lao động trẻ, khoẻ, thuận lợi cho việc học tập tiếp thu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Kinh tế phát triển toàn diện với nhịp độ tăng trưởng nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hài hòa, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được tăng cường, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có những khởi động quan trọng cho bước phát triển mới, sản xuất nông nghiệp có nhiều cố gắng, các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị được kiện toàn, đội ngũ cán bộ được củng cố, đoàn kết thống nhất, Quốc phòng an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên; bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng đổi mới. Kết quả đạt được trong thời gian qua là tiền đề rất quan trọng cho bước phát triển mới trong những năm tới của thị xã.
* Những hạn chế
- Nằm ở cửa ngõ Thủ đô Hà Nội và gần vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Từ Sơn tuy có điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng cũng gặp thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh thu hút đầu tư, thu hút lao động có chất lượng cao, tiêu thụ sản phẩm.
- Lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ chưa cao, phần lớn hộ nông dân vẫn có thói quen sản xuất nhỏ lẻ, tự phát.
- Từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của thị xã cho thấy áp lực đối với đất đai ngày càng gia tăng, đặc biệt trong thời kỳ phát triển công nghiệp và đô thị hoá như hiện nay, áp lực đối với đất đai được thể hiện ở các mặt chính sau: + Cơ cấu kinh tế của thị xã hiện nay đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp. Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ kéo theo chuyển mục đích sử dụng đất, dẫn đến có nhiều diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế.
+ Theo quy luật, công nghiệp và dịch vụ phát triển, các đô thị cũng sẽ hình thành và phát triển theo, kèm theo đó là hệ thống giao thống và kết cấu hạ tầng xã hội. Sự phát triển này cũng làm mất đi một diện tích đáng kể đất nông nghiệp. Quá trình sử dụng đất cần phải thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, trong tương lai để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thị xã cần phải xem xét kỹ việc khai thác sử dụng quỹ đất một cách khoa học, hợp
lý, tiết kiệm, có hiệu quả và chú trọng đến việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ diện tích đất lúa theo quy định của Chính phủ, đó là yếu tố quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của thị xã.
Tóm lại từ nay đến năm 2020, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu đất cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội ... sẽ gây áp lực lớn đối với đất đai. Do vậy việc sử dụng đất đai sao cho tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả là vấn đề cần quan tâm hàng đầu.