Tình hình quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới huyện lập thạch, tỉnh vĩnh phúc (Trang 33 - 39)

Phần 2 Tổng quan vấn đề nghiên cứu

2.2. Cơ sở thực tiễn của quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên thế giới và

2.2.2. Tình hình quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam

2.2.2.1. Tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc

Việt Nam đi lên từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu, vì vậy ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất phong trào thi đua ở vùng giải phóng với ba nội dung chủ yếu: “Thi đua tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, thi đua học chữ quốc ngữ để diệt giặc dốt, thi đua giúp đỡ bộ đội, xây dựng dân quân du kích để diệt giặc ngoại xâm”.

Ngày 03/04/1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc vận động xây dựng đời sống mới trong toàn quốc. Đây là những tiền đề để tiến hành xây dựng NTM trong suốt quá trình chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, quá trình này vẫn tiếp tục được duy trì và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần ổn định chính trị - xã hội; xóa bỏ tàn dư văn hóa thực dân do Mỹ ngụy để lại; phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia; tạo ra những tiền đề cho quá trình đổi mới đất nước.

Sau hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế nông thôn đã chuyển từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Đây là bước chuyển biến cơ bản làm thay đổi cấu trúc Kinh tế - Văn hóa - Xã hội ở nông thôn. Xây dựng và phát triển cơ cấu hạ tầng nông thôn - tiền đề để đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Trong những năm qua, mạng lưới điện nông thôn phát triển nhanh, đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Năm 1994, cả nước có 60,4% số xã, 49,6% số thôn, ấp, bản và 53,2% số hộ có điện. Đến nay, 98,6% số xã và 93,3% số hộ có điện lưới quốc gia (Phùng Hữu Phú và cs., 2009).

Đường giao Lập Thạch thôn được xây dựng và nâng cấp về cả số lượng và chất lượng. Sự phát triển mạnh mẽ giao Lập Thạch thôn với phương châm “Nhà Nước và nhân dân cùng làm” đã góp phần đầu tư vào khu vực nông thôn, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển Kinh tế - Xã hội ở nông thôn. Đến năm 2006, 96,9% tổng số xã cả nước đã có đường ô tô đến khu trung tâm. Các đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa ở các mức độ khác nhau, chiếm 64,8% tổng số xã.

Đảng và Nhà nước ta đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu nên đã chú trọng công tác giáo dục và đào tạo ở nông thôn. Hệ thống trường học các cấp liên tục được mở rộng về số lượng và chất lượng và cơ bản xóa trường, lớp tạm. Năm 2006, có 88,3% số xã có trường mẫu giáo; 99,3% số xã có trường tiểu học; 90,8% số xã có trường trung học cơ sở; 10,8% số xã có trường trung học phổ thông.

Hệ thống y tế nông thôn được quan tâm xây dựng rộng khắp và trở thành tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Năm 2006, có 99,3% tổng số xã có trạm y tế. Bình quân một trạm y tế có 0,63 bác sỹ và 1,000 dân có một bác sỹ. Đến nay, có 45% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 70% dân cư nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Mạng lưới thông tin, văn hóa phát triển nhanh góp phần nâng cao đời sống tinh thần của dân cư nông thôn. Năm 2006, 85,5% tổng số xã có bưu điện và văn hóa xã; 17,7% tổng số xã có bưu điện được nối Internet; 21,2% số hộ có máy điện thoại.

Hệ thống chợ, làng nghề, cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản có bước phát triển nhanh, góp phần đa dạng hóa các hình thức sản xuất, kinh doanh ở nông thôn, tạo điều kiện tiếp xúc với khoa học - công nghệ, kích thích sản xuất phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên thì vẫn còn nhiều tồn tại đang gây nhức nhối khiến cho quá trình xây dựng NTM chưa được hoàn thiện: Thu nhập của người dân nông thôn vẫn đang ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chênh lệch giàu nghèo vẫn gay gắt, hệ thống an sinh xã hội chưa được cải thiện, tình trạng thiếu việc làm kéo dài, môi trường tự nhiên ở một số vùng đang bị ô nhiễm, môi trường văn hóa - xã hội chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp.

Để khắc phục tình trạng này, Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra giải pháp cho chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020:

Mục tiêu

- Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội hiện đại;

- Có cơ cấu kinh tế và các tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch;

- Xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; - Dân trí được nâng cao;

- Môi trường sinh thái được bảo vệ;

- Hệ thống chính trị nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; - Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - tri thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp CNH - HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hôi chủ nghĩa.

Nhiệm vụ và giải pháp

- Xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phù hợp với đặc điểm của từng vùng;

- Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn hiện đại, gắn với phát triển đô thị và đô thị hóa;

- Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, nhất là vùng khó khăn;

- Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn.

2.2.2.2. Tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của hết thẩy cộng đồng các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, đến hết tháng 4/2017, toàn tỉnh có 02 huyện (Yên Lạc và Bình Xuyên) và 74 xã (66,07%) đạt chuẩn NTM, bình quân mỗi xã đạt 17,40 tiêu chí, tăng 10,74 tiêu chí so với năm 2010.

Chương trình xây dựng NTM đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn: 100% số xã đã được quy hoạch; 90,5% đường liên xã, trục xã (1,459/1,612 km), 76,6% đường trục thôn, ngõ xóm

(1,603/2,094 km) và 61,8% đường giao thông nội đồng (689,5/1,115 km) được cứng hóa; 100% kênh loại I, II và 94,18% kênh loại III được kiên cố hóa; 100% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; hàng trăm phòng học các cấp ở 112 xã được xây mới, cải tạo đạt chuẩn, nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia lên 89,2% (348/390 trường); 71/112 xã có trung tâm văn hóa thể thao xã đạt chuẩn và 1,072 thôn có nhà văn hóa.

Hệ thống chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, hoàn thiện, có 32 chợ xây mới và 27 chợ cải tạo, nâng cấp; 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ truy cập Internet cho tổ chức, cá nhân.

Toàn tỉnh đã hỗ trợ xóa được 5,348 nhà tạm cho hộ nghèo, gần 15,000 nhà ở do cộng đồng dân cư tự đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp. Hỗ trợ kinh phí cho 100 xã xây dựng, hoàn thiện các hạng mục công trình thiết yếu của các trạm y tế xã (xây mới 7 trạm, cải tạo 93 trạm); đồng thời hỗ trợ xây dựng 15 công trình xử lý nước thải khu dân cư, 400 nghĩa trang và hơn 600 km rãnh thoát nước thải được xây mới, nâng cấp...

Nâng cao thu nhập cho người dân

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề cốt lõi trong xây dựng NTM, luôn được tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm chỉ đạo, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân được ban hành.

Trong những năm qua, nông nghiệp Vĩnh Phúc liên tục tăng trưởng, sản xuất phát triển toàn diện, đúng hướng; cơ cấu cây trồng - vật nuôi chuyển dịch tích cực, đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh hoặc thâm canh cao với phương thức sản xuất tiên tiến theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Tốc độ tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân ước đạt 3,4%/năm (mục tiêu là 3 - 3,5%/năm), trong đó, chăn nuôi tăng 4,1%/năm, thủy sản tăng 9,45%/năm.

Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai tích cực; tạo việc làm mới cho hàng trăm nghìn lao động. Các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ tiền điện, mua thẻ BHYT và được trợ giúp pháp lý. Hàng chục nghìn học sinh được miễn giảm học phí...

Từ những hoạt động đó, trong 5 năm qua, đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở khu vực nông thôn, thu nhập đầu người năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,31%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,5% (bình quân giảm 1,71%/năm). Năm 2016, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,93%.

Phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM” phát triển rộng khắp các địa phương trong tỉnh với số lượng và chất lượng ngày càng cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng dân cư nông thôn ổn định và phát triển.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ và nhân dân được quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng hàng năm (năm 2016 đạt 79,9%).

Tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập THCS ở tất cả các xã và có 94,5% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học phổ thông, bổ túc, học nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%; 71,8% số thôn đạt thôn văn hóa 05 năm liên tục; 88% số người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (số hộ sử dụng nước sạch ước đạt 47%).

Từ quan điểm “Xây dựng NTM là làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của người dân khu vực nông thôn để cuộc sống, bộ mặt nông thôn khởi sắc, tiếp tục huy động sức dân cùng tham gia. Thống nhất không đầu tư dàn trải, không bố trí nguồn lực trực tiếp cho các công trình, dự án mà sẽ phân cấp, phân quyền, trách nhiệm cho cụ thể cho từng trưởng ban chỉ đạo nông thôn các địa phương” - Đó là khẳng định của bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng NTM”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” thực chất, hiệu quả. Nâng cao chất lượng thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa; thôn, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; gắn với chương trình xây dựng NTM và xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả, dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM. Cũng qua chương trình này, khu vực

nông thôn đã có sự thay đổi lớn, phong trào xây dựng NTM trở thành sự nghiệp của toàn đảng, toàn dân. Các địa phương hình thành nhiều phong trào, mô hình hay và phát hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, góp phần giúp bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc đổi thay từng ngày.

Tuy nhiên, còn hạn chế: sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, việc ứng dụng công nghệ cao vẫn còn yếu. Điều này là một khó khăn lớn khi sắp tới nước ta hội nhập với nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, khoảng cách thành thị và nông thôn vẫn còn khá lớn. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ở một số làng nghề trở thành vấn đề đáng lo ngại, việc sản xuất nông sản còn chưa có quy hoạch tổng thể.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới huyện lập thạch, tỉnh vĩnh phúc (Trang 33 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)