Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới huyện lập thạch, tỉnh vĩnh phúc (Trang 43 - 46)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu

4.1. Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện LậpThạch

4.1.1. Điều kiện tự nhiên

4.1.1.1. Vị trí địa lý

Lập Thạch là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc cách tỉnh lỵ Vĩnh Yên 20 km. Với tọa độ địa lý: 21010’ - 21030’ vĩ độ Bắc. 105030’ - 105045’ kinh độ Đông.

Phía Bắc giáp huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang và dãy núi Tam Đảo; Phía Tây giáp huyện Sông Lô và thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ;

Phía Nam giáp huyện Vĩnh Tường và một phần tỉnh Phú Thọ; Phía Đông giáp huyện Tam Đảo và huyện Tam Dương.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập huyện Sông Lô (năm 2009), huyện Lập Thạch có 17.301,22 ha diện tích tự nhiên; dân số trên 12 vạn người, có 20 đơn vị hành chính cơ sở (18 xã và 2 thị trấn), trong đó có 14 xã miền núi. Đảng bộ huyện có 60 chi, đảng bộ cơ sở trong đó có 20 Đảng bộ xã, thị trấn; 40 chi, Đảng bộ cơ quan hành chính sự nghiệp.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đoàn kết, tập trung trí tuệ cho phát triển kinh tế xã hội; Kiện toàn nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, các lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất tinh thần của người dân càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc.

4.1.1.2. Đặc điểm địa hình, địa mạo

Lập Thạch có cấu tạo địa tầng rất cổ. Khu vực xung quanh núi Sáng và các xã Quang Sơn, Thái Hòa, Bắc Bình, Liễn Sơn ở hữu ngạn sông Phó Đáy có diện tích hàng chục km2 có tuổi đại nguyên sinh. Như vậy, huyện Lập Thạch nằm trên một địa tầng rất vững vàng, rất cổ xưa, nơi trẻ nhất cũng cách ngày nay trên 200 triệu năm. Địa bàn huyện có thể chia thành 3 tiểu vùng:

Tiểu vùng miền núi: Gồm 9 xã, thị trấn (Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Tử Du, Thái Hòa, Bắc Bình, Vân Trục, Xuân Hòa, Liễn Sơn, TT Hoa Sơn) với tổng diện

tích tự nhiên là 93,73 km2, chiếm 54,15% diện tích tự nhiên toàn huyện. Địa hình tiểu vùng này thường bị chia cắt bởi độ dốc khá lớn (từ cấp II đến cấp IV), hướng dốc chính từ Bắc xuống Nam. Độ cao trung bình so với mực nước biển từ 200 - 300m. Tiểu vùng này đất đai có độ phì khá, khả năng phát triển rừng còn khá lớn. Điều kiện địa hình và đất đai thích hợp với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp và chăn nuôi gia súc.

Tiểu vùng trũng ven sông: Gồm 3 xã (Sơn Đông, Triệu Đề, Đồng Ích) với tổng diện tích tự nhiên 27,94 km2, chiếm 16,14% diện tích tự nhiên toàn huyện. Tiểu vùng này đa phần là đất lúa 1 vụ, thường bị ngập úng vào mùa mưa, thích hợp cho việc vừa cấy lúa vừa nuôi trồng thủy sản.

Tiểu vùng giữa: Gồm 8 xã, thị trấn (TT Lập Thạch, Liên Hòa, Bản Giản, Xuân Lôi, Hợp Lý, Tiên Lữ, Đình Chu, Văn Quán) với tổng diện tích tự nhiên 51,43 km2, chiếm 29,71% diện tích tự nhiên toàn huyện. Tiểu vùng này thường có một số ít đồi thấp xen lẫn với đồng ruộng, độ dốc cấp II đến cấp III. Tiểu vùng này đất trồng cây hàng năm (lúa, màu) chiếm chủ yếu do vậy đây là vùng chủ lực sản xuất lương thực cũng như rau màu hàng hóa để phục vụ nội huyện và các địa phương lân cận.

Địa hình Lập Thạch khá phức tạp, thấp dần từ Bắc xuống Nam, ruối đất xen kẽ những dãy đồi thấp. Độ cao phổ biến từ 11- 30 m là huyện thuộc vùng núi thấp nhiều sông suối. Địa hình bị chia cắt đa dạng, dốc dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

4.1.1.3. Khí hậu

Theo phân vùng khí hậu của tỉnh Vĩnh Phúc thì Lập Thạch nằm trong vùng chịu ảnh hưởng cuả khí hậu vùng đồi trung du miền núi phía Bắc với những đặc trung chủ yếu sau:

- Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 23-24°C, nhiệt độ trong ngày cao nhất là 40°C ( xảy ra vào tháng 6,7) và thấp nhất là 4°C (vào các tháng 12,1). Tổng tích ôn nhiệt hàng năm vào khoảng từ 8400-8500°C.

- Lượng mưa trung bình hàng năm 1603mm. Mưa ở đây cũng rất thất thường, năm nhiều kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10, tập trung vào các tháng 6,7,8 kèm theo gió lốc mạnh; năm ít chỉ có 1-2 tháng. Tổng lượng mưa năm nhiều nhất tới 2600mm, năm ít nhất chỉ có 1000-1100mm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mưa ít, khô hanh và rất lạnh.

- Độ ẩm không khí trung bình hang năm là 81%. Lượng bốc hơi nước mặt từ 45-50%.

- Chế độ gió thổi theo 2 mùa rõ rệt:

+ Gió mùa đông Bắc thổi vào mùa lạnh, kéo dài từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau, gió lạnh kèm theo mưa phùn gây ra hiện tượng băng giá, xương muối nhưng ít xảy ra;

+ Gió mùa đông Nam thổi vào mùa nóng, kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 9 trong năm.

4.1.1.4. Tài nguyên nước

- Tài nguyên nước mặt

Phía Nam và phía Đông huyện Lập Thạch có sông Phó Đáy ngăn cách huyện Vĩnh Tường và huyện Tam Dương với tổng lưu lượng khá lớn. Ngoài ra, huyện còn có hệ thống các ao hồ phục vụ cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn. Tuy nhiên lượng nước chủ yếu tập trung vào mùa mưa, mùa khô chỉ chiếm 10% tổng lượng dòng chảy.

- Tài nguyên nước ngầm.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và qua điều tra ở một số xã cho thấy nguồn nước ngầm của huyện rất hạn chế, trữ lượng không lớn và sâu, hàm lượng ion canxi và ôxit sắt trong nước ngầm tương đối lớn do đó việc khai thác rất khó khăn.

- Đánh giá tài nguyên nước.

Nguồn nước của huyện được đánh giá là phong phú dồi dào, tuy nhiên phân bố không đều trong năm. Về mùa khô vẫn có thời điểm thiếu nước. Để đảm bảo hài hoà nguồn nước cho phát triển kinh tế cần quan tâm xây dựng thêm những công trình điều tiết và có biện pháp khai thác nước ngầm bổ sung mới đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt.

4.1.1.5. Tài nguyên đất đai

Đất canh tác của huyện Lập Thạch gồm 3 nhóm chính:

- Nhóm đất phù sa ven Lập Thạch, Sông Phó Đáy, chiếm 7,25% tổng diện tích tự nhiên, tập trung ở những xã phía Nam và một số xã phía Đông của huyện.

- Nhóm đất bạc màu trên phù sa cổ có sản phẩm feralit, chiếm khoảng 9,46% tổng diện tích tự nhiên, tập trung ở phía Nam và giữa huyện.

- Đất đồi núi: Chiếm khoảng 24,86% tổng diện tích tự nhiên, tập trung ở phía Bắc và giữa huyện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới huyện lập thạch, tỉnh vĩnh phúc (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)